'Săn' cổ phiếu rẻ cuối năm

(ĐTTCO) - Những phiên giao dịch chứng khoán cuối năm Ất Mùi diễn ra trong không khí trầm lắng khiến nhiều cổ phiếu liên tục giảm giá. Đây cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư “săn” cổ phiếu rẻ.

(ĐTTCO) - Những phiên giao dịch chứng khoán cuối năm Ất Mùi diễn ra trong không khí trầm lắng khiến nhiều cổ phiếu liên tục giảm giá. Đây cũng là thời điểm nhiều nhà đầu tư “săn” cổ phiếu rẻ.

Hiện có gần một nửa cổ phiếu (CP) đang giao dịch có giá dưới 10.000 đồng, thậm chí không ít CP có giá chưa tới 1.000 đồng.

Không mua nổi ly trà đá

Chỉ được kinh doanh chứng khoán phái sinh khi không bị lỗ

Hôm qua 1.2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước công bố dự thảo Nghị định quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh chứng khoán để lấy ý kiến các thành viên thị trường. Theo đó, các công ty chứng khoán chỉ được kinh doanh chứng khoán phái sinh khi không có lỗ trong hai năm gần nhất; tỷ lệ vốn khả dụng đạt tối thiểu 220% liên tục trong 12 tháng trước khi nộp hồ sơ và đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng theo quy định. Đồng thời báo cáo tài chính của năm gần nhất đã được kiểm toán soát xét không có ngoại trừ hoặc lưu ý. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán muốn cung cấp dịch vụ ký quỹ, giao dịch trong ngày cho khách hàng cũng phải không có lỗ lũy kế lớn hơn hoặc bằng 50% vốn điều lệ theo báo cáo tài chính năm gần nhất; tỷ lệ nợ trên vốn sở hữu không vượt quá 3 lần và có đầy đủ các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán... Thời gian lấy ý kiến kéo dài đến ngày 1.4.   

Tính đến hết phiên giao dịch của tháng 1.2016, có 269 CP giá dưới 10.000 đồng, chiếm 40% tổng số CP trên cả hai sàn. Đặc biệt trong số đó, 104 CP có giá dưới 5.000 đồng/CP. Thậm chí, có những CP giá chưa tới 1.000 đồng, không mua nổi một ly trà đá vỉa hè.

Đơn cử, CP của CTCP khoáng sản Na Rì Hamico (KSS) có giá 800 đồng; CTCP đầu tư khoáng sản Tây Bắc (KTB) giá 800 đồng; CTCP thủy hải sản Việt Nhật (VNH) cùng CTCP Thuận Thảo (GTT) và CTCP luyện kim Phú Thịnh (PTK) cùng có giá 900 đồng... Nguyên nhân khiến giá những CP này rẻ như vậy là kết quả kinh doanh thua lỗ. Tuy nhiên, đa số các CP này vẫn có giá trị sổ sách cao hơn thị giá hàng chục lần. Như KSS đang có giá trị sổ sách gần 12.000 đồng; PTK hơn 10.000 đồng, GTT hơn 4.000 đồng...

Cũng có những CP dù rớt dưới mệnh giá lại không hề bị thua lỗ như CTCP đầu tư FIT giá 7.700 đồng trong khi giá trị sổ sách gần 11.500 đồng. Tương tự, CTCP vận tải xăng dầu VIPCO mới đây cũng điều chỉnh tăng chỉ tiêu về lợi nhuận năm 2015 từ 40,2 tỉ đồng lên 42,5 tỉ đồng nhưng giá CP chỉ 8.900 đồng, bằng một nửa so với giá trị sổ sách; Công ty cổ phần tư vấn - thương mại - dịch vụ địa ốc Hoàng Quân (HQC) có lợi nhuận sau thuế cả năm 2015 đạt 655 tỉ đồng, gấp 11 lần kết quả thực hiện năm 2014 và vượt kế hoạch lợi nhuận đề ra nhưng CP hiện giá chỉ 5.300 đồng...

Trong điều kiện bình thường, giá CP sẽ được giao dịch ngang bằng hoặc cao hơn giá trị sổ sách. Do vậy việc có nhiều CP có giá trị sổ sách cao, kinh doanh có lãi nhưng vẫn bị giảm giá là điều khá ngạc nhiên. Tổng giám đốc Công ty đầu tư FIT cho rằng dù giá CP lên hay xuống tùy thuộc vào thị trường, quan hệ cung cầu. Những ngày gần đây, thị trường sụt giảm mạnh và với sự sụt giảm đó, áp lực bán ra của nhà đầu tư (NĐT) càng khiến giá CP giảm mạnh hơn. Vì vậy, đó là sự giảm giá quá đà khi tình hình kinh doanh của doanh nghiệp vẫn tốt, đạt mức tăng trưởng cao và hoàn thành kế hoạch năm 2015 đã đề ra.

Lướt sóng cổ phiếu giá thấp

Cũng vì thực tế trên, một số CP giá thấp vẫn được giao dịch sôi động trên thị trường. Chẳng hạn khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên của KSS đạt 164.670 CP; GTT đạt 97.840 CP; VNH có hơn 31.000 CP/phiên...

Một chuyên viên môi giới cho biết một số NĐT vẫn giao dịch các CP có giá thấp để đón đầu cơ hội hồi phục trở lại. Bởi dù thua lỗ nhưng giá trị sổ sách của nhiều CP vẫn cao hơn gấp nhiều lần so với thị giá hiện tại.

Bà Nguyễn Thị Ngân Tuyền, Trưởng phòng Phân tích Công ty chứng khoán Maybank - Kimeng VN, nhận định: “Đa số những CP có giá dưới 5.000 đồng đều có những vấn đề riêng như bị thua lỗ kéo dài, báo cáo tài chính không minh bạch, bị các sở giao dịch cảnh cáo do chậm công bố thông tin... Nhưng vẫn có những NĐT mua vào để chờ cơ hội giá tăng trở lại. Đây là những NĐT chấp nhận rủi ro cao hoặc có kỳ vọng lớn vào việc thị trường tăng mạnh cũng sẽ kéo theo CP tăng giá”.

 Còn theo Báo cáo chiến lược 2016 của Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC), P/E (thị giá/thu nhập mỗi CP) hiện tại của thị trường chứng khoán VN đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 năm qua (từ 2011 - 2015). Dù vậy, thị trường chứng khoán sẽ khó có sự bứt phá do những bất ổn liên quan đến Trung Quốc và việc Mỹ tăng lãi suất khiến cho NĐT nước ngoài hạn chế giải ngân vào các CP vốn hóa lớn đang niêm yết.

Nhiều nhà đầu tư chỉ mua bán cổ phiếu theo tâm lý.
Nhiều nhà đầu tư chỉ mua bán cổ phiếu theo tâm lý.

 Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các NĐT tài chính VN, phân tích giá CP lên hay xuống phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thị trường, quan hệ cung cầu... Tuy nhiên, thị trường hiện nay chủ yếu là những NĐT “đánh ngắn”. Mà “đánh ngắn” đa phần mua bán theo tâm lý. “Đôi khi NĐT chỉ mua CP giá rẻ, dù nếu phân tích ra, những công ty này hoạt động kinh doanh chưa hẳn đã tốt. Hoặc lại vội vàng bán đi những CP mà doanh nghiệp vẫn làm ăn ổn định khi thị trường suy giảm. Tâm lý của các NĐT cá nhân trong nước vẫn là yếu tố quyết định trong mua bán CP khá nhiều”, ông Hải nói.

 Đánh giá vấn đề này, giám đốc tài chính của một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng tỷ lệ các CP dưới mệnh giá chiếm đến 40% thị trường là một trong những lý do khiến huy động vốn trên sàn không có sự đột phá, dẫn đến vốn của hầu hết doanh nghiệp cũng như nền kinh tế chủ yếu phải đi vay ngân hàng. “Lẽ ra khi niêm yết trên sàn, doanh nghiệp kêu gọi cổ đông tham gia để huy động vốn, chứ không phải dựa phần lớn vào ngân hàng. Nhưng CP giá rẻ hơn mớ rau, làm sao có thể lấy được niềm tin của cổ đông và NĐT?”, ông đặt vấn đề và cho rằng, CP giảm giá có nhiều lý do, nhưng nếu có quá nhiều CP giảm giá sâu như vậy, cơ quan chức năng cần phải có một cuộc rà soát lại hàng hóa trên thị trường và nhanh chóng bổ sung thêm hàng hóa có chất lượng, tăng niềm tin cho NĐT.

Các tin khác