Hạnh phúc thầm lặng người gieo con chữ

(ĐTTCO)-Bằng sự khát khao được dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, suốt 50 năm qua, người đàn ông ấy vẫn thầm lặng bước theo niềm đam mê, tình yêu nghề giáo bằng con đường riêng của mình. Ông là Nguyễn Kim Long (Sáu Long), ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM…

(ĐTTCO)-Bằng sự khát khao được dấn thân và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, suốt 50 năm qua, người đàn ông ấy vẫn thầm lặng bước theo niềm đam mê, tình yêu nghề giáo bằng con đường riêng của mình. Ông là Nguyễn Kim Long (Sáu Long), ngụ phường Thạnh Xuân, quận 12, TPHCM…

Khát vọng tuổi thanh xuân

Nhắc đến ông Sáu Long, bà con quanh vùng không ai biết bởi tấm lòng ông dành cho ngành giáo dục không thể đo đếm. Ông có 11 người con thì 9 người theo nghiệp trồng người bằng chính định hướng và khát vọng thầm lặng của người cha. 

Xuất thân từ vùng đất ven tỉnh Gia Định xưa, với nghề nông làm kế sinh nhai, nhưng không vì thế mà ước mơ được trở thành thầy giáo của người thanh niên quanh năm chân lấm tay bùn bị nhấn chìm. Chiến tranh leo thang, nỗi lo di tản chạy giặc luôn là điều thường trực của nông dân miền Nam những tháng năm khốc liệt ấy. Đam mê học chữ, mỗi ngày ông phải dậy từ 4 giờ sáng để nấu cơm, khoai bỏ vào mo cau mang theo, lội bộ hàng cây số để đợi xe lửa đến trường, đến tối mịt ông mới trở về đến nhà.

 Ông Nguyễn Kim Long (giữa) cùng các con theo nghiệp trồng người

 Ông Nguyễn Kim Long (giữa) cùng các con theo nghiệp trồng người

“Kinh tế khó khăn, chiến tranh, đi học lại vất vả nên học sinh lúc đó nghỉ học nhiều lắm, cả khu vực chỉ có vài đứa tầm tuổi tôi bám trụ và tiếp tục đi học thôi”, ông Long nhớ lại. Năm ông 16 tuổi (giai đoạn 1945 - 1946), giặc càn quét khắp nơi, khát vọng con chữ của ông bị chặn đứng, ông phải tạm nghỉ học và tham gia Đoàn thanh niên địa phương.

Sau vài năm hoạt động trên mặt trận gây nhiễu, chống phá địch, ông được bầu làm Trưởng ban Bình dân học vụ (thuộc Ủy Ban kháng chiến hành chính xã Qưới Xuân, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định cũ) với nhiệm vụ giúp xóa mù chữ cho người dân địa phương. Như cá gặp nước, ông vượt ruộng, băng sông khắp vùng đất ven ngoại thành Gia Định dạy chữ cho học sinh, nông dân. “Những năm đó phong trào xóa mù chữ sôi nổi lắm. Những người có chút chữ như tôi được Ủy ban huy động hết để cùng cả nước chung tay xóa mù, diệt giặc dốt theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng hăng hái, ai cũng say mê học chữ”, ông Long hạnh phúc kể về những tháng ngày đầy tự hào. 

Ngoài việc chăm nuôi đàn con, ông vẫn luôn đau đáu nỗi niềm: làm sao để những đứa trẻ quanh đây được đến trường, được ngồi học trong ngôi trường đỏ tươi màu ngói mới chứ không phải những lớp học tranh tre, vách nứa. Ông khuyến khích ba người con lớn cùng ông mở lớp dạy học miễn phí cho những đứa trẻ nghèo khó quanh vùng. Ông cũng luôn cháy bỏng khát vọng góp phần xây dựng một ngôi trường đẹp trên mảnh đất quê mình.

Những năm 1992 ở thế kỷ trước, dân số khu vực ven ngoại thành TPHCM gia tăng một cách nhanh chóng, khiến tình trạng thiếu phòng học trên địa bàn xảy ra ngày càng trầm trọng. TPHCM thời ấy phải học ba ca rất nhiều và do không đủ chỗ học, địa phương mượn nhà ông làm nơi dạy học cho học sinh. Thấu hiểu việc này, ông bàn với gia đình hiến đất để xây trường cho lũ trẻ. Hưởng ứng thành ý của ông, chính quyền địa phương đã tiếp quản 2.800m2 đất ông hiến để xây lên ngôi trường khang trang, rộng rãi cho học sinh nơi này. “Ngày ngôi trường mới hoàn thành, đứng đón tụi nhỏ đến trường, cảm giác hạnh phúc nơi tôi rất khó diễn tả, rất thiêng liêng”, ông Long xúc động nhớ lại.

Vai trò hướng nghiệp

Dù không được học hành trọn vẹn, nhưng có thể khẳng định ông là người cực kỳ khéo kéo trong việc vun vén gia đình, nuôi dạy con cái. Kinh tế khó khăn, sau chiến tranh là quá trình đất nước mở cửa hội nhập, người nông dân lại phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Nhưng có thiếu thốn đến đâu, vợ chồng ông cũng cố gắng cho các con được đến trường.

Nuôi 11 người con ăn học đã khó, hướng cho các con theo nghề giáo càng khó hơn. Nhưng với vai trò “điểm tựa”, ông luôn khuyên răn các con học hành tới nơi tới chốn, không được bỏ học vì nghèo khó, cũng không được bỏ học vì học yếu… Thế rồi lần lượt những người con của ông theo được nghề giáo, khiến ông vui sướng khôn xiết. “Đứa lớn dạy đứa nhỏ, đứa nhỏ dạy đứa nhỏ hơn, tụi nó cứ học và kèm cặp nhau. Được cái sấp nhỏ ngoan và rất nghe lời cha mẹ. 11 đứa thì 9 đứa bước tiếp ước mơ dang dở của cha chúng, còn một đứa làm bác sĩ và một đứa làm nội trợ. Đứa nào cũng ngoan, hiếu thảo và ham học. Tôi chỉ nói, cha rất thích nghề giáo, nghề đó không chỉ mang đến tri thức cho bản thân mình mà còn truyền đạt tri thức cho sấp nhỏ sau này… Và tụi nhỏ cứ thế tự nguyện dấn thân cho sự nghiệp trồng người”, ông Long sảng khoái tâm sự theo cái cách rất riêng.

Dù đã 84 tuổi nhưng khi nhắc đến nghề giáo, về những người con đang theo nghiệp “gõ đầu trẻ”, mắt ông sáng rực niềm vui khi kể về những kỷ niệm, những dấu ấn đậm nét của cuộc đời mình. Ông cho biết, kỷ niệm ông nhớ mãi chính là những tháng ngày cùng với anh em, đồng chí trong Ban Bình dân học vụ cùng nhau chong đèn dạy học cho nhân dân trong vùng. Với ông, những tháng ngày đó không chỉ ghi dấu những trang sử vẻ vang hào hùng của dân tộc, mà còn cho ông được sống với những tháng ngày đắm mình trong ước mơ từ thuở nhỏ. “Nhiều đêm đang dạy, máy bay giặc quần đảo sát rạt trên đầu, đèn dầu đã tắt, nhưng trong màn đêm, những tiếng ê a, đánh vần học chữ vẫn khe khẽ vang lên một cách bất diệt. Chính khát vọng quật khởi, chính niềm tin về một ngày mai tươi sáng ấy, như tiếp thêm động lực cho những người làm công tác xóa mù chữ như tụi tôi. Gian nan lắm, nhưng đấy chính là những tháng ngày hạnh phúc nhất cuộc đời tôi”, ông Long nhớ lại trong ánh mắt sáng ngời hạnh phúc.

Rồi ông kể theo cách rặt Nam bộ: “Bốn đứa đầu đã về hưu, một đứa nghỉ giữa chừng vì sức khỏe, ba đứa đang làm quản lý giáo dục và một giáo viên đang trực tiếp đứng lớp. Tất thảy 9 đứa đã và đang làm nghề dạy học, chưa tính 2 cháu ngoại đang học ngành sư phạm và sắp ra trường”.

Hơn 30 năm theo nghề giáo, hiện đang làm Phó phòng Tổ chức cán bộ Sở GD-ĐT TPHCM, chị Nguyễn Thị Kim Xuyến nhớ lại những tháng ngày gian nan theo nghề trước đây: “Thời gian đó còn khó lắm, lương bổng thấp và đi lại, dạy học cũng rất vất vả. Nhưng nhờ sự động viên của ba mẹ, anh chị nên tôi có thêm động lực. Mình cứ nhìn gương anh chị mà tự nhủ làm theo. Anh chị làm được thì mình cũng làm được, rồi khó khăn chỗ nào, áp lực từ đâu… đều được mọi người trong gia đình cùng bàn nhau gỡ rối. Sau nhiều năm, mọi thứ cũng trôi qua, công việc dần ổn định hơn”. Chia sẻ với chúng tôi khi nói về cha mình, chị Xuyến chỉ gói gọn một câu: “Cha tôi sống cả đời vì vợ con và vì một tình yêu bất diệt với nghề giáo”.

Vâng! Chính tình yêu ấy đã giúp ông Sáu Long vượt qua mọi khó khăn, gian nan để tiếp thêm sức mạnh cho các con đi đến đích: Trở thành những nhà giáo. Cuộc sống đôi lúc chỉ cần những con người bình dị, thầm lặng như vậy. Họ đã góp nhặt thêm cho đời nhiều bông hoa tươi thắm.

Các tin khác