Chu Văn An-Tiền tài như phấn thổ, Danh vọng tựa lông hồng

Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã viết về Chu Văn An (1292-1370): “Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều. Có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế…”. Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ các công bộc của dân “suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống”, “lợi ích nhóm đe dọa đến tồn vong của chế độ”…, đọc lại người xưa chúng ta càng thấm thía nền tảng văn hóa và đạo đức xã hội.

Nhà sử học Ngô Sỹ Liên đời Lê Thánh Tông đã viết về Chu Văn An (1292-1370): “Những nhà Nho ở nước Việt ta được dùng ở đời không phải không nhiều. Có kẻ chỉ nghĩ đến công danh, kẻ thì chuyên lo về phú quý, kẻ lại a dua với đời, có kẻ chỉ biết ăn lộc giữ thân. Người chịu để tâm đến đại đức, suy nghĩ đến việc giúp vua nêu đức tốt cho dân được nhờ ơn, Chu Văn An ở đời Trần có lẽ gần được như thế…”. Trong bối cảnh một bộ phận không nhỏ các công bộc của dân “suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống”, “lợi ích nhóm đe dọa đến tồn vong của chế độ”…, đọc lại người xưa chúng ta càng thấm thía nền tảng văn hóa và đạo đức xã hội.

Triết lý nhập thế

Chu Văn An sinh năm Nhâm Thìn, niên hiệu Trùng Hưng thứ 8 đời nhà Trần (1292) tại thôn Văn, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Nhà Trần trải qua 12 đời vua, từ vua đầu tiên Trần Thái Tông (1225) đến vua cuối cùng là Trần Thiếu Đế (1400), trị vì được 175 năm. Cũng như các triều đại phong kiến khác, nhà Trần cũng trải qua các thăng trầm đầy biến số - hưng thịnh, suy vong - và ông vừa là một nạn nhân, vừa là một chứng nhân của lịch sử. Chu Văn An sinh ra vào đời thứ 6 của nhà Trần - vua Trần Minh Tông, trải qua đời vua Trần Dụ Tông - là thời kỳ bắt đầu suy sụp của nhà Trần - và mất vào đời vua thứ 8, vua Trần Nghệ Tông (1370).

Chu Văn An sống thọ vào thời đó, 78 tuổi. Khi cụ mất, vua Trần đã dành cho cụ niềm vinh dự lớn bậc nhất lúc bấy giờ, được xem là một đại tri thức, một “nguyên khí quốc gia” nên được đưa vào thờ ở Văn Miếu. Vua còn ban tặng Chu Văn An một tuyên danh, là Văn Trinh. Ngô Thế Vinh, nhà văn học nổi tiếng thế kỷ 19, trong bài văn bia ở đền Phương Sơn đã thích nghĩa 2 chữ Văn Trinh:

Văn, đức chi biểu dã;

Trinh, đức chi chính cổ dã.

(Văn là sự bên ngoài thuần nhất của đức; Trinh là tính chính trực, kiên định của đức). Tên thụy như vậy nhằm biểu dương một người đã kết hợp được hai mặt của đạo đức: Bên ngoài thuần nhã, hiền hòa và bên trong chính trực, kiên định.

 

Chu Văn An xuất thân từ một gia đình Nho giáo, thân phụ là cụ Chu Húy Thiệu, một quan chức giỏi thiên văn, địa lý; thân mẫu là cụ Lê Thị Chiêm. Ngay từ nhỏ, Chu Văn An đã tỏ rõ tư chất hiếu học, thú vui lớn nhất là đọc sách; nổi tiếng là người cương trực, giữ tiết tháo, sửa mình trong sạch, không cầu danh lợi. Nhờ vậy Chu Văn An đạt đến trình độ thông kinh, bác sử, tài năng đức độ hơn hẳn các nho sĩ đương thời. Khi thi đỗ Thái học sinh, tức tiến sĩ dưới triều Trần, ông không ra làm quan vì thấy thế sự nhiễu nhương, mà về quê mở trường dạy học.

Ngôi trường là một mái tranh đơn sơ ở làng Huỳnh Cung, gần quê mẹ. Thầy Chu dạy học trò từ hạng ấu học, mộng học, trung tập và đại tập (tương đương với vỡ lòng, tiểu học, trung học và đại học). Tuy là trường làng quê, nhưng thầy Chu đều soạn giáo trình theo mỗi bậc học và trường cũng có thư viện để học sinh tra cứu. Không màng danh lợi, tâm huyết với nghề dạy học, tài năng và đức độ Chu Văn An ngày càng tỏa sáng, thu hút học trò gần xa theo học rất đông, có lúc tới 3.000 người. Trường Huỳnh Cung đã đào tạo được rất nhiều trò giỏi. Khoa thi văn 1314, dưới thời vua Trần Minh Tông, trường có hai học trò đỗ Thái học sinh (tiến sĩ) là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh. Cả 2 đều ra làm quan dưới triều Trần, trong đó Lê Quát được thăng đến chức Thượng thư.

Là ngôi trường làng tư nhân lập ra dưới thời phong kiến nhưng Chu Văn An không chủ xướng lối học tầm chương trích cú, mà chủ trương “đổi mới” giáo dục  bằng việc quan tâm đầy đủ cả hai mặt trí dục và đức dục, học và hành, chống mê tín dị đoan làm thui chột tư chất con người. Triết lý nhập thế và giáo dục của Chu Văn An đề xướng 4 quan điểm: Cùng lý, Chính tâm, Tịch tà, Cự bí. Cùng lý là bàn luận thấu đáo để biết lý lẽ của sự vật, nhân gian. Chính tâm là luôn giữ lòng mình chính trực, không làm điều trái với lương tâm. Tịch tà là chống lại tà thuyết, những điều nhảm nhí không có cơ sở. Cự bí là biết đấu tranh vượt mọi khó khăn, phản đối và chống lại những việc làm hại đến nhân tâm.

Nho gia và kẻ sĩ

Tài đức và danh tiếng của thầy Chu Văn An vang vọng đến kinh đô Thăng Long, vua Trần Minh Tông bèn mời ông ra kinh thành giảng dạy tại Quốc Tử Giám - ngôi trường lâu đời, chuyên đào tạo các hoàng tử, con các vị quan lớn, là những người nối tiếp kế nghiệp các bậc đại quan trong triều đình sau này.

Vua Trần Minh Tông đã giao cho thầy Chu Văn An chức Tư nghiệp Quốc Tử Giám (tương đương chức Phó Hiệu trưởng) và dạy học cho Thái tử Trần Vượng (sau này lên ngôi là vua Trần Hiến Tông). Người đứng đầu Quốc Tử Giám là quan tể tướng Trần Nguyên Đán, ông ngoại của Nguyễn Trãi và là ông nội của tướng Trần Nguyên Hãn, rất quý tài đức của Chu Văn An, đã hết lòng hỗ trợ ông phát triển Trường Quốc Tử Giám. Thành tựu lớn nhất của thầy Chu khi dạy học tại kinh thành Thăng Long là biên soạn bộ Tứ thư thuyết ước - bộ sách tóm lược nội dung của 4 cuốn sách Đại học, Trung Dung, Luận ngữ và Mạnh Tử, cũng là cuốn giáo trình dạy học chính quy của thầy Chu Văn An. Lịch sử ghi chép tập giáo trình này đã bị nhà Minh lấy mất, thủ tiêu vì không muốn dân nước Đại Việt phát triển dân trí, tinh thông văn hóa. Nếu còn bộ sách, đời sau sẽ hiểu sâu về quan điểm giáo dục của ông. Nhà nho hậu thế Bùi Huy Bích (1744-1802) nêu nhận xét, tạc lời ở miếu thờ Chu Văn An ở làng Huỳnh Cung: Kính nghĩ phu tử, tinh thông về lý học, khi ra đời (xuất thế) cũng vì Lễ; khi ở ẩn cũng vì Nghĩa. Những học trò của Ngài đã lĩnh hội rõ ràng được đạo Nho, chống lại tà thuyết, gạt bỏ mê tín. Phong thái và ảnh hưởng của Ngài dù đến trăm năm sau cũng cảm thấy như chính mình đang ở gần Ngài… (tạm dịch).

Trong những năm Vua Trần Minh Tông và Trần Hiến Tông trị vì, đất nước thanh bình, chính sự tốt đẹp, lòng dân yên ổn. Hiến Tông lên ngôi được 12 năm thì mất, người em là Trần Dụ Tông nối ngôi, đất nước bắt đầu suy vong: Trong triều gian thần lộng hành kéo bè kết đảng. Vua Dụ Tông thì lơ là bỏ bê triều chính, “suốt ngày lo rượu chè, chơi bời; xây cung điện, đào hồ, đắp núi; cho người giàu vào cung đánh bạc...” (ghi chép của Việt Nam sử lược). Xót xa vận mệnh nước nhà đến hồi suy vi, Chu Văn An đã nhiều lần can ngăn vua nhưng không có tác dụng. Sau đó, Chu Văn An dâng sớ đề nghị chém 7 nịnh thần (Thất trảm sớ) để cứu nhà Trần nhưng vua không nghe. Ông bèn cáo quan về dạy học, nghiên cứu và viết sách, để lại cho đời những di sản quý báu còn lưu truyền đến ngày nay.

Chu Văn An là một bậc hiền nho, có công lớn trong việc truyền bá, giáo dục tư tưởng, đạo đức Khổng giáo vào nước Đại Việt lúc bấy giờ. Lý tưởng của Khổng giáo là “Trung quân ái quốc”, coi vua là Thiên tử, phải trung thành với vua bất cứ tình huống nào, thậm chí vua bắt chết phải chết (Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung). Nho sĩ - kẻ sĩ thời phong kiến được coi là hiền tài, nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, nguyên khí suy thì đất nước tiêu vong. Quan điểm ứng xử xuyên suốt của kẻ sĩ là tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ; Tiên thiên hạ chi nhi ưu, hậu thiên hạ chi nhi lạc (Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ)…

Xét về những khía cạnh này  thì Chu Văn An có tư chất một kẻ sĩ hành xử khí tiết và lý tính hơn là một nho gia - luôn khép mình vào lễ nghĩa, tuân thủ kỷ cương mẫu mực trên dưới bất chấp thực tế. Trong cuộc đời làm quan ngắn ngủi của mình, Chu Văn An đã cùng với Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, Nguyễn Trung Ngạn… tích cực tham gia việc củng cố triều đình lúc đó đang đi vào con đường khủng hoảng, mục nát. Nhiều lần can ngăn không được, Chu Văn An bèn treo mũ, từ quan. Ông về ở ẩn ở núi Chí Linh tiếp tục nghề dạy học, viết sách, nghiên cứu triết học, y học và làm thơ.

Vài năm sau, vua có chỉ triệu Chu Văn An hồi triều nhưng ông từ chối, vua  tỏ ý giận dữ muốn trị tội, nên mẹ vua là Hoàng Thái hậu Bảo Từ phải khuyên nhủ: “Người ấy là bậc cao hiền. Thiên tử không có quyền bắt người ta làm tôi được. Ta sai bảo thế nào được ông ta?”. Khi vua Trần Nghệ Tông lên ngôi, một lần nữa vua có chỉ triệu mời ông về triều gánh việc nước, nhưng Chu Văn An chỉ về kinh chúc mừng, xong trở lại núi cũ, từ chối không nhận chức gì. Khi vua sai nội thần mang lụa là, kim ngân ban tặng, ông lạy tạ xong liền cho lại người khác, không màng danh cũng không màng lộc. Chu Văn An đã thể hiện đúng phẩm tiết của một kẻ sĩ, một đấng quân tử: “Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất” (giàu sang không thể mua chuộc, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục).

Thất trảm sớ - nghĩa động quỷ thần

Một vị quan dâng sớ đòi chém các cận thần sủng ái của vua, là việc xưa nay hiếm, chỉ có ở những người khí tiết, vì đại cuộc, không màng nghĩ đến an nguy tư riêng. Vì vậy, nhà sử học Lê Tung (thế kỷ 15) đã viết: “Thất trảm chi sớ, nghĩa động quỷ thần”. Còn Cao Bá Quát viết:

“Thất trảm yêu ma phải rợn lòng

Trời đất soi chung vầng hào khí

Nước non còn mãi nếp cao phong”.

Vậy, những ai có tên trong “Thất trảm sớ”? Thất trảm sớ bị đốt hủy để giữ ổn định triều chính và bịt miệng dư luận, vì vậy chính sử không ghi chép được nhưng trong dân gian đã truyền tụng, “điểm danh” 7 vị này:

Hoạn quan chi hậu cục Mai Thọ Đức, kẻ cai quản phi tần và tuyển chọn mỹ nữ, đã lạm dụng chức quyền bắt về vô số con gái trong dân. Nhiều người sống mỏi mòn trong cung thất đến chết, quan lại bày ra các trò dâm ô trác táng dẫn nhà vua vào con đường vô đạo. Trâu Canh, viên ngự y phạm tội bắt 21 đứa trẻ khỏe mạnh con nhà lương dân, giết đi lấy mật làm thuốc hồi dương cho quan gia. Trâu Canh còn thông dâm với chính cung nữ của quan gia. Y là người Hán, theo quân nhà Nguyên xâm lược Đại Việt. Năm Ất Dậu (1285) thất trận bị quân Đại Việt bắt, y xin hàng và ở lại cư trú. Nhưng sau đó Trâu Canh được vua ơn sủng, đã lộng hành, dẫn dắt nhà vua vào con đường ăn chơi trác táng.

Bùi Khoan là Chính chưởng phụng ngự, chuyên bày trò cờ bạc rượu chè ngay trong cung thất, dẫn đức vua vào mê lộ bê tha. Văn Hiến là người can tội gây bè đảng khiến các đại thần chia rẽ, triều chính suy vi, quan lại ngờ vực lẫn nhau. Hành khiển tả ty lang trung Nguyễn Thanh Lương thì xảo trá, dẫn vua vào con đường ăn chơi xa xỉ, làm cạn kiệt quốc khố. Hành khiển hữu ty, hữu bộc xạ Tâm Đức Ngưu đồng lõa với Nguyễn Thanh Lương tìm đủ mọi cách tăng thuế khóa, bòn rút của dân, kể cả những năm mất mùa đói kém, lấy tiền chi vào các cuộc ăn chơi trụy lạc, Đoàn Nhữ Cẩn, Đồng binh Chưởng sự, thì bòn rút khẩu phần của lính, tham ô trong việc mua sắm, trang bị binh khí; sao nhãng việc chỉ đạo luyện tập, canh phòng bảo vệ biên giới phía Bắc và phía Nam, để quân thù xâm lấn…

Điểm chung của lũ gian thần là mượn danh Hoàng thượng để làm việc riêng, mưu cầu lợi ích riêng cho mình mà nhìn qua bên ngoài cứ tưởng là việc chung, việc nước. Kỳ thực chúng dùng kinh phí vào việc công một phần, chín phần đút túi riêng. Vì vậy, Chu Văn An sau khi luận tội, đã viết: “Để giữ nghiêm phép nước, nối dòng đại thống từ Thái Tông cao hoàng đế tới nay, xin bệ hạ cho chém đầu 7 tên gian thần trên, và tịch thu sản nghiệp của chúng, sung quốc khố để làm gương răn đe kẻ khác”.

***

Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Chu Văn An là tấm gương sáng thời phong kiến, còn rạng tỏ đến ngày nay. Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Bao nho giả nước ta, kẻ chỉ ưa công danh phú quý, ăn lộc giữ mình. Hèn cúi trước cửa quyền, cấm chưa thấy người nào chỉ vì dân, lo đức để dân được nhờ như Chu Văn Trinh ở đời Trần. Văn Trinh công thờ vua thì nói thẳng trước mặt, việc xuất hay xử đều có lý lẽ; nên đúc nhân tài thành công khanh cao thượng; tiết tháo khiến thiên tử không bắt nổi làm tôi. Đáng là bậc tôn sư của nhà Nho nước Nam ta, được tòng tự tại Văn Miếu là xứng đáng”.

Phan Huy Chú đã ghi nhận nhân vật lịch sử hiếm thấy Chu Văn An: “Học nghiệp thuần túy, tiết tháo cao thượng. Làng Nho nước Việt trước sau chỉ có mình ông, không ai so sánh được”. Một đời Chu Văn An tiêu biểu cho phẩm chất của kẻ sĩ: “Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”. Ông học rộng, làm thầy, làm quan để giúp đời chứ không phải đề mưu cầu danh lợi; xem vinh hoa phú quý như phấn thổ, nhẹ tựa lông hồng. Đúng như câu đối ghi ở đền thờ Chu Văn An trên núi Phượng Hoàng mà người đời mãi còn truyền tụng:

Trần vãn thử hà thời, dục vịnh đại phi hiền giả lạc.

Phượng sơn tồn ẩn xứ, trĩ lưu trường ngưỡng triết nhân phong.

(Tạm dịch: Cuối đời Trần là thời nào, ngâm vịnh rong chơi há chẳng phải là cái thú vui của bậc hiền giả. Núi Phượng vẫn còn dấu vết ở ẩn, đỉnh non vẫn mãi mãi ngưỡng mộ phong thái của kẻ triết nhân!)

Các tin khác