Thu hút đầu tư theo định hướng

(ĐTTCO) -Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, định hướng thu hút đầu tư sẽ tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

(ĐTTCO) -Theo chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, định hướng thu hút đầu tư sẽ tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ lực, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ.

Nâng chất chiều sâu

Là TP đông dân cư vào loại nhất cả nước, lợi thế tài nguyên đất không còn nhiều nhưng TPHCM nhiều năm liền vẫn đứng đầu về thu hút dự án FDI. Bằng các chính sách ưu đãi, TPHCM đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tập trung thu hút vốn FDI vào các ngành nghề trọng yếu… Năm 2015 số vốn FDI TP thu hút được đạt 3,5 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước, đã chứng minh sự phát triển đúng hướng của lãnh đạo TPHCM, giúp TP tiếp tục là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài.

TP sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thu hút đầu tư FDI bằng nhiều giải pháp quyết liệt hơn. Đó là tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian so với quy định. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là cải tiến thái độ thực hành công vụ của cán bộ, công chức để phục vụ tốt hơn, tạo sự hài lòng cho DN.

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM

Tính đến nay trên địa bàn TP có 5.765 dự án FDI đang hoạt động với tổng vốn gần 40 tỷ USD. Những quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư chiếm tỷ lệ cao tại TP là British Virgin Islands chiếm 74,7% tổng vốn đầu tư, Hàn Quốc 14,8%, Singapore 4,4%, Hồng Công 4,2%... Trong đó, phải kể đến những dự án lớn, làm thay đổi hạ tầng, góp phần tạo nên bộ mặt mới cho TP như dự án hạ tầng và dịch vụ khu phức hợp Tháp quan tại Thủ Thiêm (quận 2) với vốn đăng ký 1,2 tỷ USD; dự án khu dân cư Vina Nam Phú với 60 triệu USD; dự án khu nhà ở cao tầng tại Thảo Điền (quận 2) 57 triệu USD…

 Tuy nhiên, thành công nhất của TPHCM không phải ở số lượng dự án, hay số vốn đầu tư lớn, mà là việc thu hút vốn FDI vào những ngành nghề theo đúng định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp TPHCM phát triển bền vững trong tương lai. Riêng đối với ngành công nghiệp, TP luôn xác định kiên trì mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế thông qua việc thu hút đầu tư. Đó là kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghiệp sử dụng hàm lượng khoa học công nghệ cao, như công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học, công nghiệp dược phẩm… Kết quả, TP đã thu hút được Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) đầu tư vào khu công nghệ cao, với dự án chứa nhiều chất xám, đổi mới công nghệ và nâng cao tay nghề cho người lao động; tiếp đến là dự án sản xuất và kinh doanh linh kiện điện tử, màn hình LED dành cho ngành hàng gia dụng với 63 triệu USD…

Năm 2016, Ban Quản lý các KCN-KCX TPHCM (Hepza) có kế hoạch thu hút 700 triệu USD vốn FDI, trong đó ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và 4 ngành công nghiệp trọng điểm (các ngành cơ khí chế tạo, điện tử-công nghệ thông tin, hóa chất-cao su-nhựa, chế biến lương thực thực phẩm). Cũng theo Hepza, nhiều DN đã đầu tư tại các KCN của TPHCM trong lĩnh vực dệt may, công nghiệp hỗ trợ, điện tử… đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn, mở rộng đầu tư để đón cơ hội từ những FTA Việt Nam tham gia. Trong đó, không ít DN trong lĩnh vực dệt may đã thực hiện tăng vốn đầu tư trong thời gian gần đây. Trong 2 tuần đầu năm 2016, Hepza đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 2 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký hơn 30 triệu USD.

 Theo chuỗi dịch vụ

Dẫn câu chuyện dự án nhựa Phước Thành của DN trong nước chuyên sản xuất các sản phẩm cung ứng cho Samsung, có vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng vừa được cấp phép đầu tư, ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, đã gọi đây là “trái ngọt” từ chủ trương thu hút đầu tư của TP. Đó là tập trung thu hút dự án của các tập đoàn lớn, có chuỗi sản xuất toàn cầu đầu tư vào TP để thu hút các dự án trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của DN nước ngoài và trong nước. Ngay trong những ngày đầu năm mới, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ của TPHCM đã có thêm 3 dự án với tổng số vốn đầu tư gần 100 triệu USD, trong đó có 2 dự án trực tiếp sản xuất các sản phẩm cung ứng cho Samsung. Các dự án này đều đặt tại SHTP. “Năm 2016, công tác xúc tiến đầu tư của TPHCM tiếp tục thu hút các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và 4 ngành công nghiệp trọng yếu theo định hướng ưu tiên phát triển của TP” - ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, sau khi Samsung khởi công nhà máy tại SHTP giữa năm 2015, liên tiếp có 6 dự án nằm trong chuỗi dịch vụ, cung ứng sản phẩm cho dự án này được cấp phép với số vốn đầu tư gần 300 triệu USD. Phần lớn các dự án này được cấp phép trong tháng cuối cùng của năm, trong đó có 3 dự án của các DN đến từ Hàn Quốc. Có thể thấy, công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… được TPHCM thực hiện với tần suất khá dày đã có hiệu quả. Chỉ tính riêng Trung tâm Xúc tiến thương mại - đầu tư TPHCM (ITPC), trong năm 2015 đã tổ chức 73 sự kiện, trong đó có 13 sự kiện tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, như Campuchia, Myanmar, Lào, Hồng Công, Nga, Australia, Indonesia, Hàn Quốc, Hungary, Đức, Itaila.

Về kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2016, ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC, cho biết sẽ đẩy mạnh các hoạt động thu hút vốn FDI vào các dự án cụ thể; tăng cường các hoạt động nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng theo đúng định hướng phát triển của TP, tập trung các ngành như nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao, cơ sở hạ tầng, công nghiệp hỗ trợ… Theo đại diện chủ đầu tư của dự án Sài Gòn Silicon City được khởi công xây dựng tại SHTP cuối năm 2015, trong giai đoạn 2015-2020, dự án này sẽ thu hút hơn 20 dự án theo chuỗi với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD. Dự án Sài Gòn Silicon City có vốn đầu tư 40 triệu USD, mục tiêu hoạt động là trở thành một đô thị thông minh, sẵn sàng về cơ sở hạ tầng và tiện ích nhằm thu hút các DN, nhất là DN đang hoạt động tại Thung lũng Silicon về đầu tư, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm công nghệ cao cũng như các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghệ cao… 

Các tin khác