Cơ hội kinh tế cất cánh

(ĐTTCO) -Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xây dựng thể chế trong thời gian qua đã giúp củng cố những nền tảng cơ bản của nền kinh tế thị trường, dù còn những điểm cần phải hoàn thiện, tiếp tục đổi mới. Đặc biệt, các văn kiện Đại hội Đảng XII thông qua sẽ tạo động lực dấy lên làn sóng đổi mới thứ hai, thúc đẩy sự nghiệp làm kinh tế của toàn dân.

(ĐTTCO) -Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), việc xây dựng thể chế trong thời gian qua đã giúp củng cố những nền tảng cơ bản của nền kinh tế thị trường, dù còn những điểm cần phải hoàn thiện, tiếp tục đổi mới. Đặc biệt, các văn kiện Đại hội Đảng XII thông qua sẽ tạo động lực dấy lên làn sóng đổi mới thứ hai, thúc đẩy sự nghiệp làm kinh tế của toàn dân.

PHÓNG VIÊN: - Theo ông, đâu là những điểm quan trọng nhất trong Đổi mới lần 2 và những điểm chung giữa con đường đi sắp tới với chuẩn của thế giới?

Ông VŨ TIẾN LỘC: - Tôi nghĩ là trong văn kiện Đại hội Đảng XII có một điểm rất quan trọng. Đó là chúng ta phải xây dựng một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng phải theo tiêu chuẩn phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Điều đó có nghĩa chúng ta sẽ đi chung con đường đi của nhân loại trong việc xây dựng thể chế.

Qua xếp hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng tìm ra những thực tiễn tốt nhất ở các địa phương, để khi nhìn ra thế giới, các địa phương của Việt Nam cũng phải hướng tới những chuẩn mực tốt nhất, không bị bỏ rơi lại phía sau. Việc nhấn mạnh vai trò của khu vực dân doanh, khu vực tư nhân phải trở thành động lực phát triển của nền kinh tế là điều rất quan trọng. Với sức mạnh của dân, với những tinh hoa của nhân loại, tôi tin sẽ tạo ra một động lực cho giai đoạn phát triển sắp tới.

Hiện nay chúng ta đang xây dựng một nhà nước pháp quyền, toàn bộ những khuôn khổ để điều hành nền kinh tế sẽ được quy định bởi pháp luật, quyền tự do kinh doanh của người dân được đảm bảo bởi hệ thống pháp luật. Chỉ có Quốc hội mới có quyền hạn chế những quyền tự do kinh doanh đó. Tóm lại, chúng ta điều hành nền kinh tế theo một hệ thống pháp luật, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Chúng ta cũng xác định trong này có điểm quan trọng là ra sức thúc đẩy sự phát triển của khu vực doanh nghiệp tư nhân, hỗ trợ khu vực doanh nghiệp này trở thành động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh. Theo đó, phải xác định thể chế thị trường được quyết định bởi khuôn khổ pháp luật, và khuôn khổ pháp luật đó điều hành hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, chúng ta quyết định tham gia những hiệp định thương mại tự do (FTA) ở tầm cao nhất, nghĩa là chúng ta xác định chơi chung luật chơi của thế giới. Đây là điều rất quan trọng.

Đại hội Đảng XII tiếp tục thúc đẩy xu hướng Việt Nam vươn tới những chuẩn mực cao nhất của thế giới. Nền kinh tế thị trường là tinh hoa của trí tuệ nhân loại, và có những thực tiễn tốt, chúng ta hướng tới thực tiễn đó. Vừa qua, Chính phủ đã khởi động Nghị quyết 19, hướng tới hành chính Việt Nam phải nằm trong ASEAN-4, tức Việt Nam phải vươn tới những chuẩn mực tốt nhất của nền kinh tế thị trường thế giới. Đó là hướng đi chính xác.

 - Hàng loạt FTA Việt Nam tham gia thời gian tới sẽ có tác dụng ra sao trong việc đưa nước ta tránh quá lệ thuộc vào một vài thị trường, thưa ông?

- Đó là điều đương nhiên. Các FTA quan trọng với chúng ta ít nhất ở 3 góc độ. Thứ nhất, mở cửa một thị trường có thể nói là vô tận cho sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Thứ hai, tạo cơ hội để chúng ta đa dạng hóa thị trường. Việt Nam là giao điểm của nhiều khu vực trên thế giới, Việt Nam đang phát triển ở trình độ thấp, nhưng đang sở hữu các FTA hàng đầu và đang ở vùng giao thoa của các FTA lớn nhất. Điều đó tạo ra không gian mở cửa thị trường vô tận, tạo cơ hội cho chúng ta đa dạng hóa thị trường và đảm bảo cho tính chất độc lập tự chủ khi hội nhập.

Hội nhập trong thế tự chủ và là động lực để thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Như vậy chúng ta đang ở trong 2 làn sóng: làn sóng hội nhập và làn sóng cải cách thể chế. 2 làn sóng này tạo ra bước phát triển mới của Việt Nam.

Cần tăng cường vai trò quan trọng của doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Cần tăng cường vai trò quan trọng của doanh nghiệp khu vực tư nhân.

- Một điểm trong văn kiện lần này là không đặt ra mốc thời gian để trở thành một nước công nghiệp hóa hiện đại. Điều này nói lên điều gì, thưa ông?

- Tôi cho rằng trong 5 năm tới, mục tiêu quan trọng hơn là chúng ta cơ bản xây dựng được một thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Đó là điều quan trọng, tạo động lực cho kinh tế Việt Nam phát triển, đạt được mục tiêu kia. Còn trong 5 năm tới để trở thành nước công nghiệp hiện đại rất khó, chúng ta cần một chặng đường dài hơn mà bây giờ chưa thể định lượng chính xác, nhất là trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động.

Tuy nhiên, trong 5 năm tới, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập với quyết tâm rất cao. Nếu chúng ta làm được sẽ là động lực chính để đạt được mục tiêu kia trong dài hạn.

- Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo ông, trong thời gian tới, việc này nên tiếp tục ra sao?

- Tất nhiên vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa DNNN, phi chủ quản hóa DNNN để giải phóng cho DN, giải phóng DNNN khỏi lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Ngoài ra, để giải phóng DNNN khỏi các mệnh lệnh hành chính không hiệu quả của Nhà nước, nên thành lập một cơ quan chuyên quản về vốn của Nhà nước tại DN. Tôi muốn yêu cầu đó phải có lộ trình cụ thể.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác