Nhiệm kỳ "sóng gió" ngân sách, nợ công

(ĐTTCO) - Nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2013, ông Đinh Tiến Dũng (ảnh) là một trong số không nhiều bộ trưởng nhận nhiệm vụ mới khi nhiệm kỳ 2011-2016 đi được nửa chặng đường. Chỉ trong gần 3 năm đứng đầu ngành tài chính, ông Dũng có lẽ cảm nhận được sức ép khủng khiếp công việc của người “kế toán trưởng” quốc gia, khi những vấn đề thu - chi ngân sách, nợ công, huy động vốn luôn căng thẳng.

(ĐTTCO) - Nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính năm 2013, ông Đinh Tiến Dũng (ảnh) là một trong số không nhiều bộ trưởng nhận nhiệm vụ mới khi nhiệm kỳ 2011-2016 đi được nửa chặng đường. Chỉ trong gần 3 năm đứng đầu ngành tài chính, ông Dũng có lẽ cảm nhận được sức ép khủng khiếp công việc của người “kế toán trưởng” quốc gia, khi những vấn đề thu - chi ngân sách, nợ công, huy động vốn luôn căng thẳng.

Sức ép nguồn thu

Trở thành Bộ trưởng Bộ Tài chính vào tháng 5-2013 thay cho người tiền nhiệm là ông Vương Đình Huệ (nhận nhiệm vụ Trưởng ban Kinh tế Trung ương), ông Đinh Tiến Dũng lập tức ưu tiên thời gian đầu làm việc với các cơ quan thuế, hải quan (khác với người tiền nhiệm quan tâm nhiều vào vấn đề giá cả khi lạm phát đang leo thang).

Bởi lẽ, năm 2013 tiếp tục được dự báo là năm hết sức khó khăn trong thu ngân sách. Và thực tế đúng như vậy khi kết thúc năm 2013, thu cũng chỉ tăng 0,3% so với dự toán tính đến ngày 29-12-2013 (còn tính đến hết 31-12-2013 thu vượt 1%). Doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động cao (năm 2013 hơn 60.700 doanh nghiệp, tăng 11,9% so với năm 2012), các địa phương hụt thu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện dự toán thu.

Nhận nhiệm vụ mới trong bối cảnh ngân sách gặp khó nhất từ trước đến nay nên trong rất nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo liên quan đến ngân sách, hỗ trợ doanh nghiệp, bên cạnh ông Dũng người ta thường thấy một lãnh đạo khác của Bộ Tài chính và là chuyên gia về công tác hành thu đi cùng là ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng - người phụ trách công tác thu thuế nội địa, xuất nhập khẩu.

Cũng trong 3 năm nhiệm kỳ của mình (2013-2015), năm nào cũng vậy, trước kỳ họp Quốc hội cuối năm, ông Đinh Tiến Dũng đều phải báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về khả năng hụt thu. Lúc thì do doanh nghiệp khó khăn, khi thì giá dầu lao dốc... Dù rằng, kết thúc những năm đó, thu cân đối ngân sách đều vượt "chút ít" so với dự toán và báo cáo, nhưng thực tế đó cho thấy sức ép của việc hoàn thành dự toán ngân sách là không hề dễ dàng.

Điểm sáng tích cực trong giai đoạn vừa qua là cơ cấu thu đã có sự chuyển biến tích cực. Thu nội địa, dù ngày càng hội nhập sâu, phải giãn, hoãn, giảm thuế nhưng do điều chỉnh được chính sách thu, cơ cấu thu nội địa đã từ 59% tổng thu ngân sách (giai đoạn 2006 - 2010) lên 68% (giai đoạn 2011 - 2015) và 74% vào năm 2015. Về chi thì chi thường xuyên lên đến 68% của năm 2015, nhưng theo kế hoạch và dự toán năm 2016 còn 64% và hướng đến kế hoạch đến năm 2020 chi thường xuyên xuống khoảng 58-59%.

Bộ trưởng Bộ Tài chính

Đinh Tiến Dũng

Chính vì vậy, cũng chưa khi nào công tác hành thu lại được Bộ Tài chính thực hiện mạnh mẽ trong giai đoạn 2013-2015 khi việc thanh, kiểm tra, truy thu nợ đọng thuế... được tiến hành để đảm bảo thu đủ theo dự toán Quốc hội giao. Sức ép về thu ngân sách lại càng nặng nề hơn trong năm 2015 khi giá dầu dự toán lên đến 100 USD/thùng, nhưng giá thực hiện chỉ khoảng 54 USD/thùng. Giai đoạn 2013-2015 cũng là những năm cao điểm của việc tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và ngân hàng thương mại. Đồng thời thực hiện cắt giảm thuế quan theo lộ trình cam kết quốc tế ngày càng sâu rộng làm giảm thu ngân sách nhà nước. Nếu như tỷ lệ tăng thu bình quân giai đoạn 2006 - 2010 là 20,8%/1 năm, thì giai đoạn 2011 -2015 chỉ có 9,5%. Dù có nhiều nỗ lực trong công tác hành thu nhưng kết quả thu ngân sách vẫn còn nhiều khó khăn. Kết quả thu ngân sách năm 2014 bằng 109,6% dự toán và ước hết năm 2015 bằng 107% dự toán. Việc hoàn thành dự toán cũng chỉ thường được biết đến trong những ngày cuối cùng của năm.

Cũng trong khoảng thời gian 2013-2015, người đứng đầu ngành tài chính còn đối mặt với tình trạng chi luôn vượt rất lớn so với thu. Năm 2013, bội chi 162.000 tỷ đồng, tương đương 4,8% GDP (con số quyết toán năm 2013 bội chi là 236.769 tỷ đồng, bằng 6,6% GDP); năm 2014 bội chi 224.000 tỷ đồng, bằng 5,3% GDP; năm 2015 bội chi 226.000 tỷ đồng, tương đương 5% GDP. Chính vì thu khó, chi lớn nên công tác quản lý chi cũng đã được Bộ Tài chính mạnh tay hơn trong việc yêu cầu các cơ quan Trung ương và địa phương triệt để tiết kiệm chi tiêu; chống lãng phí; rà soát cắt, giảm tối đa các khoản chi tổ chức lễ hội, khánh tiết, hội nghị, hội thảo, tiết giảm chi phí công tác trong nước và ngoài nước...

"Nóng bỏng" nợ công

Một vấn đề khác cũng khiến ông Dũng không ít lần phải giải trình trước Quốc hội kể từ khi nhậm chức Bộ trưởng Bộ Tài chính là về nợ công. Dù đã có không ít lần đề cập, nhấn mạnh nợ công vẫn an toàn, nhưng kể từ lần giải trình đầu tiên tại kỳ họp Quốc hội giữa năm 2014, nhiều lần sau đó tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kỳ họp Quốc hội sau, người đứng đầu ngành tài chính vẫn nhận được nhiều chất vấn về nợ công với những lo ngại về tốc độ tăng nợ nhanh, phải vay để đảo nợ... Thu không đủ bù chi cũng đã khiến ông Dũng là bộ trưởng duy nhất trong các đời Bộ trưởng Tài chính phải vay, đề xuất vay nhiều lần trái phiếu quốc tế. Đó là tháng 11-2014 phát hành thành công 1 tỷ USD và năm 2016 dự kiến phát hành 3 tỷ USD. Việc phát hành trái phiếu chính phủ ra thị trường vốn quốc tế, bên cạnh các ưu điểm về lãi suất, thời hạn vay-trả cũng thể hiện phần nào sự căng thẳng của ngân sách trong vấn đề thu, chi, vay nợ.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII vừa qua, ông Dũng, thừa nhận “5 năm qua chúng ta có bội chi cao và phát hành trái phiếu chính phủ cao trong điều kiện cân đối ngân sách nhà nước khó khăn”. Điều đó đã nói lên lý do tại sao vấn đề về nợ công chưa khi nào hết nóng.

Trong giai đoạn 2011-2015, nợ công liên tục tăng, từ 50% GDP năm 2011 lên 50,8% năm 2012; 54,5% năm 2013; 59,6% năm 2014 và năm 2015 là 61,3%. Dù cho rằng nợ công vẫn trong tầm kiểm soát, nhưng ông Dũng cũng thừa nhận tốc độ tăng vừa qua là quá cao khi lên đến 20%/năm. Để kiểm soát vấn đề nợ công, Bộ Tài chính đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02 để tăng cường quản lý nợ công. Nội dung chính trong đó đề cập đến hầu hết các giải pháp căn cơ từ tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công để có thể sửa luật, đến các biện pháp cụ thể trong quản lý chặt chẽ nợ công nhất các khoản vay mới; tăng cường khâu kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay; cơ cấu lại nợ công; quản lý chặt chẽ các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ theo hướng siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh, không mở rộng và chắt lọc có mục tiêu để ưu tiên...

Các mục tiêu trong năm 2016 cũng như giai đoạn tiếp theo 2016-2020, ngành tài chính hầu như vẫn sẽ không có nhiều thay đổi. Đó là vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh việc thu đúng, thu đủ, chống thất thu để hoàn thành dự toán; ban hành các hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh trong bối cảnh hội nhập để thu ngân sách bền vững; tiết kiệm chi, tăng cường kỷ luật kỷ cương ngân sách; quản lý chặt chẽ vấn đề vay nợ, nợ công... Những vấn đề vốn không mới nhưng luôn mới mỗi khi năm mới đến.

Đến nay, sau gần 3 năm đầy "sóng gió", những kết quả, giải pháp trong thu - chi ngân sách, nợ công... đã có nhiều điểm tích cực và triển vọng sáng sủa hơn. Và vị bộ trưởng được đánh giá là thẳng tính vẫn tiếp tục đi vững trên con đường đã vạch ra.

Các tin khác