Nâng cao chất lượng sống đô thị

(ĐTTCO) - Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020, việc nâng cao chất lượng sống đô thị được đề ra như một trong số các mục tiêu quan trọng nhất. Nội dung này nhấn mạnh vào thời điểm sau 30 năm phát triển đô thị hóa, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo về việc xây dựng TPHCM xứng tầm, chất lượng sống tốt.

(ĐTTCO) - Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ 10 nhiệm kỳ 2015-2020, việc nâng cao chất lượng sống đô thị được đề ra như một trong số các mục tiêu quan trọng nhất. Nội dung này nhấn mạnh vào thời điểm sau 30 năm phát triển đô thị hóa, cho thấy sự thay đổi trong nhận thức của lãnh đạo về việc xây dựng TPHCM xứng tầm, chất lượng sống tốt.

Nỗ lực nâng tầm

Thật ra, chất lượng sống đô thị không phải là điều mới mẻ của thế giới và Việt Nam. Xây dựng chất lượng sống đô thị để TP được coi là “nơi có chất lượng sống tốt”, nơi mong muốn “mình thuộc về” là quá trình lâu dài, trải qua nhiều cấp độ và không có điểm cuối. 30 năm trước đây và những năm tiếp theo đến năm 2030, TPHCM tập trung chủ yếu xây dựng chất lượng sống đô thị đạt các chỉ số cơ bản người dân đô thị được hưởng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ công và môi trường. Chẳng hạn như đảm bảo 100% hộ gia đình được cung cấp nước sạch và đạt mức tối thiểu (thí dụ nước sinh hoạt 120-150 lít người/ngày), mỗi công dân có được quyền sử dụng 16-18m2 nhà ở, được cung cấp điện tiêu dùng, được tiếp cận các dịch vụ công như y tế, giáo dục, thông tin liên lạc, an sinh xã hội, mọi khu dân cư đều có nhà trẻ, công viên… Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng TP sẽ nỗ lực để đạt được những tiêu chí trên vào giữa thế kỷ này. Sau khi đạt đến các chỉ số của chất lượng sống cơ bản, bước kế tiếp là phải phấn đấu chất lượng sống nâng cao. Theo đó, một số tiêu chí định lượng phải vượt ra khỏi các chỉ số tối thiểu để hướng đến các chỉ số tối đa, một số khác phải hướng đến các chỉ số định tính theo chiều sâu.

Một góc Phú Mỹ Hưng. Ảnh: LONG THANH

Một góc Phú Mỹ Hưng. Ảnh: LONG THANH

Khi đạt đến cấp độ cao hơn, người dân TPHCM được thụ hưởng các điều kiện sống tốt hơn, phong phú và nhiều hơn. Chẳng hạn cây xanh công cộng tính trên đầu người không chỉ 7-8m2 mà sẽ là 20-25m2; y tế không chỉ dừng ở mức 6 bác sĩ/1.000 dân như hiện nay mà có thể tăng lên 12-15 bác sĩ. Nhiều chỉ số vượt hẳn ra khỏi các tiêu chuẩn tối thiểu, hướng đến việc thỏa mãn nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân. Nếu có dịp đến các nước như Pháp, Đức, Áo, Hà Lan hay ở Singapore bạn có thể uống nước ở bất kỳ vòi nước công cộng nào mà không sợ bị bệnh, bởi nước đó được xử lý đảm bảo độ tinh khiết, có chất lượng cao hơn hẳn so với nước chúng ta đang dùng từ Nhà máy nước Thủ Đức. Hoặc ở Nhật Bản, thực phẩm cung cấp cho người dân bất kỳ từ nguồn nào (công ty, nhà vườn, trại nuôi tư nhân) đều vượt rất xa mức sạch thông thường khi rau xanh có thể ăn ngay tại vườn không cần rửa; thịt, cá, tôm trái cây bán bất kỳ ở đâu đều có ghi nơi xuất xứ rõ ràng và đảm bảo ăn sống, ăn ngay.

Thỏa mãn nhu cầu đời sống xã hội

Ngoài các chỉ số chất lượng sống cơ bản và nâng cao, các TP còn phải hướng đến các giá trị sống tinh thần và điều kiện thỏa mãn nhu cầu văn hóa. Đến một giai đoạn phát triển nào đó, thước đo các giá trị tinh thần sẽ chiếm vị trí quan trọng hơn, trở thành tiêu chí quan trọng để so sánh TP này với TP khác, nền văn minh đô thị này với văn minh đô thị khác.

Cách nay vài tháng, nhóm cán bộ Khoa Đô thị học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nghiên cứu đánh giá 25 năm phát triển vùng đất phía Nam TPHCM. Các tiêu chí đánh giá đưa ra để phỏng vấn 600 hộ gia đình xoay quanh chất lượng sống cơ bản như thu nhập, diện tích nhà ở, tivi, tủ lạnh, xe máy, máy tính, điện thoại, máy giặt… Trong khi đó một nghiên cứu tương tự về chất lượng sống của các đồng nghiệp ở Singapore, Nhật Bản lại có nội dung khác. Đó là việc họ nghiên cứu mức độ thỏa mãn tinh thần và sáng tạo của người dân ra sao. Những câu hỏi đại loại 1 năm ông, bà đã đi du lịch được những đâu; đã xem được bao nhiêu lần biểu diễn nghệ thuật (kịch, giao hưởng, ca múa nhạc..); đã tham gia bao nhiêu lần triển lãm; đã đọc được bao nhiêu cuốn sách; đã có những hoạt động sáng tạo cá nhân nào, như làm thơ, viết truyện, vẽ tranh, nặn tượng, sáng tác nhạc… Hay tham gia các hoạt động cộng đồng như trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, bày tỏ thái độ ủng hộ hòa bình, dân chủ…

Việc sáng tạo này không phải là để bán hay trưng bày mà là những sáng tạo nhằm thỏa mãn cá nhân, chứng tỏ trình độ dân trí và mức hưởng thụ cao của một xã hội phát triển đã vượt qua mức cơ bản và tối thiểu. Cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng nói “sẽ là thất bại lớn nếu trong mỗi gia đình người dân Singapore không có một tủ sách”, cho thấy xã hội Singapore cơ bản đã đạt đến cấp độ khá cao về chất lượng sống đô thị.

Đối với các nước nghèo, đang phát triển, việc thỏa mãn chất lượng sống cơ bản ở mức tiêu chuẩn tối thiểu rất khó khăn. Nhưng không thể vì nghèo lại không tính đến việc xây dựng một xã hội lành mạnh, văn minh và văn hóa. Nhiều quan điểm cho rằng đời sống tinh thần là hệ quả của đời sống vật chất.

Người dân tập thể dục buổi sáng bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: LONG THANH

Người dân tập thể dục buổi sáng bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Ảnh: LONG THANH

Khi đời sống vật chất khá giả, thịnh vượng, đời sống tinh thần sẽ tốt lên và khi đó dễ dàng xây dựng một xã hội văn minh. Nhưng thực tế cho thấy một nước không khá giả vẫn có thể cùng lúc xây dựng chất lượng sống đô thị trên cả 2 bình diện tổ chức vật chất và đời sống tinh thần; thậm chí các nước nghèo như Bhutan, Lào các chỉ số chất lượng sống hạnh phúc (HPI) rất cao. Ngược lại, không ít quốc gia khá giàu nhưng lại nghèo nàn về đời sống tinh thần, thậm chí sự sáng tạo của cá nhân, cộng đồng bị hạn chế.

Mỗi quốc gia, TP khi đạt đến một trình độ phát triển nào đó phải tiếp tục phấn đấu vươn tới những chuẩn cao hơn, tốt hơn nhằm thỏa mãn nhu cầu của đời sống xã hội. Lúc đó, đo lường chất lượng sống không còn là những con số định lượng như thu nhập bằng tiền, m2, m3, calorie, kilowatt.. mà phải là sự hài lòng, thỏa mãn.

Các tin khác