Trốn thuế phổ biến (K3): Chung tay ngăn chặn

(ĐTTCO)- Để ngăn chặn hoạt động trốn/né thuế thực sự không đơn giản. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chấn chỉnh hoạt động né thuế. Sau đó, các nền kinh tế lớn từ Liên minh châu Âu (EU) cho đến OECD và nhóm G20 đều cố gắng đưa ra những khuôn khổ luật pháp chung để trấn áp việc trốn/né thuế, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

(ĐTTCO)- Để ngăn chặn hoạt động trốn/né thuế thực sự không đơn giản. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, Hoa Kỳ đã có những nỗ lực chấn chỉnh hoạt động né thuế. Sau đó, các nền kinh tế lớn từ Liên minh châu Âu (EU) cho đến OECD và nhóm G20 đều cố gắng đưa ra những khuôn khổ luật pháp chung để trấn áp việc trốn/né thuế, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả rõ ràng.

Phát triển từ FATCA

Tháng 10-2009, Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Tuân thủ thuế đối với tài khoản nước ngoài (FATCA) và triển khai từ tháng 3-2010. FATCA được xem là công cụ pháp lý chính của Hoa Kỳ hiện nay để chống lại các hành vi trốn thuế. Theo quy định FATCA, các tổ chức tài chính nước ngoài (FFI) phải xác định chủ tài khoản cũng như các tổ chức dưới sự kiểm soát của Hoa Kỳ, cung cấp cho Cục Thuế Hoa Kỳ (IRS) thông tin về tài sản, thanh toán thu nhập và dòng tiền thương mại trong năm tài khóa. FATCA yêu cầu tất cả định chế tài chính bên ngoài Hoa Kỳ gửi thông tin thường xuyên trên tài khoản tài chính của cá nhân hoặc pháp nhân Hoa Kỳ cho IRS; đồng thời công dân Hoa Kỳ sống ở bất kỳ đâu, báo cáo về các tài khoản tài chính của họ bên ngoài Hoa Kỳ, các tổ chức tài chính nước ngoài báo cáo cho IRS về khách hàng người Hoa Kỳ của họ.

Có thế nói FATCA là bước đi đầu tiên trong nỗ lực chống trốn thuế toàn cầu, dù vẫn còn nhiều hạn chế. EU và các nước châu Âu cũng đang cố gắng cho ra những đạo luật tương tự FATCA. Ngày 29-10-2014, 51 quốc gia đã ký thỏa thuận chống trốn thuế tại cuộc họp được điều phối bởi Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) diễn ra tại Berlin, Đức. Trên phạm vi rộng hơn, OECD và Lực lượng Đặc nhiệm hành động tài chính G7 (FATF) đã tìm kiếm cách thức cải thiện minh bạch tài chính để ngăn cản rửa tiền, trốn thuế. Đến năm 2013, OECD đã cho ra đời Kế hoạch Hành động về trụ sở và chuyển lợi nhuận (BEPS), đề ra những điểm mấu chốt cần sửa đổi luật thuế quốc tế. Cho đến nay, hơn 1/4 các nước trên thế giới (bao gồm các quốc gia EU, Mexico, quần đảo Virgin thuộc Anh, Bermuda và quần đảo Cayman) đã ký Thỏa thuận Thẩm quyền đa phương (MCAA), đảm bảo việc trao đổi thông tin tài chính tự động giữa các nước theo lộ trình. Các quốc gia này đã bắt đầu thu thập dữ liệu vào tháng 1-2016 và sẽ chia sẻ từ tháng 9-2017. Những đề xuất trong BEPS gồm các nội dung chính: (i) Thiết lập cơ chế đánh thuế thu nhập doanh nghiệp trên cơ sở hợp tác phù hợp toàn cầu; (ii) Phục hồi đầy đủ hiệu ứng và lợi ích của các chuẩn mực quốc tế; (iii) Đảm bảo tính minh bạch trong khi thúc đẩy sự ổn định và tính có thể dự báo được của chính sách thuế/tài chính; (iv) Thúc đẩy sự tham gia của các chính phủ và triển khai nhanh chóng các biện pháp. Tháng 10-2015, bộ trưởng tài chính G20 đồng ý những đề xuất của OECD trong việc chung tay ngăn chặn trốn/né thuế.

 Những đề xuất cải tổ luật thuế

Vì hầu hết hành động trốn/né thuế của doanh nghiệp đều hợp pháp hoặc gần như hợp pháp, nên việc ngăn chặn hoạt động này đòi hỏi phải đi từ việc cải tổ luật thuế. Một cách để giảm thiểu hoạt động chuyển lợi nhuận của doanh nghiệp là bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, hoặc thành lập một cơ quan thuế toàn cầu để thu thuế thu nhập ở nước ngoài. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ phải chịu thuế thu nhập của chi nhánh nước ngoài. Các chuyên gia ước tính nếu thay đổi theo hướng này, Hoa Kỳ sẽ thu thêm được 63-83 tỷ USD/năm.

Có nhiều vấn đề xung quanh việc bãi bỏ hoãn nộp thuế này, chủ yếu xoay quanh tác động của nó tới việc phân bổ vốn. Từ trước đến nay, những phân tích kinh tế cho thấy bỏ hoãn nộp thuế sẽ làm tăng hiệu quả kinh tế, nhưng gần đây có người cho rằng lợi cũng chỉ bằng hại, vì doanh nghiệp sẽ suy giảm sức sản xuất tại các nước có thuế cao. Để dung hòa giữa lợi và hại, một số nhà nghiên cứu đề xuất triển khai bãi bỏ hoãn nộp thuế từng phần, có chọn lọc. Chẳng hạn, chỉ triển khai bỏ hoãn nộp thuế đối với phần thu nhập được chuyển tới các thiên đường thuế; những nước có thuế suất doanh nghiệp thấp hơn... Tuy nhiên, có những lo ngại rằng các doanh nghiệp vẫn có thể tránh được ảnh hưởng của bãi bỏ hoãn thuế bằng việc có công ty mẹ ở nước ngoài, nơi vẫn cho phép hoãn nộp thuế. Trực tiếp và có lợi nhất cho việc giảm nợ thuế của các công ty là việc tiến hành “tuyệt chiêu đảo ngược” như đã nêu trong Kỳ 1.

Liệu những nỗ lực của các chính phủ có thể kiểm soát được hành vi trốn thuế của các đại công ty?

Liệu những nỗ lực của các chính phủ có thể kiểm soát được hành vi trốn thuế của các đại công ty?

Công thức phân bổ

Một đề xuất khác là không bãi bỏ việc hoãn nộp thuế, mà làm cho việc chuyển lợi nhuận ra nước ngoài trở nên kém hấp dẫn bằng những quy định về phân bổ các khoản khấu trừ và tín thuế, nhằm triệt tiêu những lợi ích của hoạt động chuyển lợi nhuận cho đến khi nó hồi hương. Theo đó, một phần khấu trừ thuế tương đương với lợi ích thu được từ việc chuyển lợi nhuận sang nước ngoài sẽ không được phép. Nguyên tắc phân bổ tín thuế nước ngoài có thể khiến đầu tư ra nước ngoài kém hấp dẫn vì sẽ làm tăng thuế thu nhập khi khoản lợi nhuận hồi hương. Nó cũng làm nản lòng những doanh nghiệp muốn đầu tư vào các nước có thuế suất thấp, nhưng lại khuyến khích hồi hương các khoản thu nhập đối với các hoạt động hiện tại vì thuế thu nhập tiềm năng sẽ cao hơn.

Một cách khác để giải quyết vấn đề chuyển doanh thu là đưa ra công thức phân bổ, đó sẽ là một sự thay đổi lớn trong hệ thống thuế quốc tế. Với công thức này, thu nhập sẽ được phân bổ cho các khu vực pháp lý khác nhau dựa trên đóng góp về doanh số, tài sản và việc làm. Cách tiếp cận này được nhiều tiểu bang Hoa Kỳ và các tỉnh ở Canada sử dụng. Các nghiên cứu ước tính việc áp dụng công thức phân bổ sẽ giúp thu thuế tăng 38%. Tuy nhiên, hệ thống công thức phân bổ không giải quyết được việc chuyển đổi thu nhập đối với tài sản vô hình, vì việc ước tính các khoản đầu tư vô hình rất khó khăn (do thiếu thông tin về các mô hình lợi nhuận tương lai).

Nhà nghiên cứu Michael McIntyre của Hoa Kỳ đề xuất một số kiến nghị để đối phó với hoạt động chuyển giá, trong đó bao gồm việc ra hình phạt chuyển giá gần như tự động đối với các công ty không giữ được hồ sơ chứng từ hiện hành. Ông cũng gợi ý sử dụng một số loại công thức phân bổ để xác định hoạt động chuyển giá một cách nhanh chóng, như vậy cơ quan thuế không cần phải tốn nhiều công sức để điều tra chuyển giá. Đề xuất của ông McIntyre sẽ giải quyết một số vấn đề chuyển giá liên quan đến việc chuyển các tài sản vô hình, bằng cách làm rõ tài sản vô hình bao gồm lực lượng lao động tại chỗ, lợi thuế doanh nghiệp...

Các tin khác