WB: Triển vọng 2016 kém sáng sủa

(ĐTTCO) - Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2016. Theo đó, một lần nữa tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn dự báo. Năm 2015, tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% của năm 2014 và thấp hơn 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ khá hơn trong thời gian tới, đạt 2,9% năm 2016 và 3,1% năm 2017-2018, nhưng vẫn thấp hơn dự báo hồi tháng 6-2015.

(ĐTTCO) - Ngân hàng Thế giới vừa công bố Báo cáo triển vọng kinh tế toàn cầu 2016. Theo đó, một lần nữa tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp hơn dự báo. Năm 2015, tăng trưởng toàn cầu chỉ đạt 2,4%, giảm so với mức 2,6% của năm 2014 và thấp hơn 0,4% so với dự báo đưa ra hồi tháng 6. Tăng trưởng toàn cầu được dự báo sẽ khá hơn trong thời gian tới, đạt 2,9% năm 2016 và 3,1% năm 2017-2018, nhưng vẫn thấp hơn dự báo hồi tháng 6-2015.

Những nền kinh tế chủ chốt

Tại Hoa Kỳ, sự hồi phục của thị trường nhà ở và tiền lương sẽ đóng góp tích cực cho tăng trưởng năm 2016. Ngoại trừ thực phẩm và năng lượng, lạm phát ở mức dưới 2% và dự báo sẽ chỉ tăng chậm trong năm 2016. Thâm hụt tài chính ước tính đã giảm xuống tương đương 2,5% GDP trong năm 2015, là kết quả của tăng trưởng mạnh hơn và những nỗ lực hỗ trợ. Việc làm cải thiện tốt, các điều kiền tài chính ổn định và giá dầu mỏ thấp sẽ tiếp tục hỗ trợ nhu cầu nội địa trong thời gian tới. WB dự báo tăng trưởng của Hoa Kỳ sẽ đạt 2,7% trong năm 2016, vẫn thấp hơn so với dự báo đưa ra hồi tháng 6 do lo ngại sụt giảm xuất khẩu ròng. Trong giai đoạn 2017-2018, dự báo tăng trưởng sẽ đạt 2,3%, với khoảng cách sản lượng sẽ thu hẹp vào năm 2017.

Philippines và Việt Nam nằm trong số những nước dự báo tăng trưởng mạnh nhất. Dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,3% năm 2016-2018. Tuy nhiên, tại Philippines dòng vốn FDI chậm lại, trong khi Việt Nam vẫn tỏ ra rất hấp dẫn nhờ những cải tổ mạnh mẽ về chính sách và môi trường kinh doanh trong năm 2015.

Tại khu vực đồng EUR, tăng trưởng tăng trong năm 2015 nhờ nhu cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu tăng (một phần nhờ đồng EUR giảm giá). Trong năm 2015, ước tính khu vực này tăng đạt 1,5%. Dự báo năm 2016, GDP khu vực sẽ tăng đạt 1,7%, thấp hơn một ít so với dự báo hồi tháng 6, phản ảnh sự yếu đi của môi trường bên ngoài. Trong giai đoạn 2017-2018, tăng trưởng sẽ đạt 1,6%. Tuy nhiên, vẫn còn quan ngại về tiềm năng tăng trưởng thấp, thất nghiệp cao và nợ công lớn. Trong khi dân số già hạn chế tiềm năng tăng trưởng, tính linh động của lao động và nhập cư có thể giúp giảm bớt tác động và những cú sốc trong khu vực đồng tiền chung. Sự gia tăng số người tìm kiếm nơi tỵ nạn đang tạo ra một sự căng thẳng chính sách có thể gia tăng áp lực lên dịch vụ công và ngân sách chính phủ ở một số nước.

Trong năm 2015, ước tính GDP Nhật Bản chỉ tăng 0,8%, thấp hơn 0,3% so với dự báo hồi tháng 6. Dù đồng yen đã ở mức thấp kể từ năm 2013, nhưng xuất khẩu của nước này cũng không cải thiện nhiều. Điều này một phần do hoạt động sản xuất tại các nước châu Á khác đã gia tăng mạnh, trong khi nhu cầu toàn khu vực lại yếu đi. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vẫn tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng trong bối cảnh lạm phát vẫn không đạt mục tiêu trước năm 2017. Dự báo trong năm 2016, GDP Nhật Bản sẽ tăng đạt 1,3%, thấp hơn dự báo hồi tháng 6 do dự báo giảm cả trong tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Sự hồi phục ở Nhật Bản vẫn rất yếu ớt và nguy cơ giảm vẫn còn. Tại Trung Quốc, tăng trưởng năm 2015 ước tính ở mức 6,9%, giảm so với 7,3% năm 2014. Sự chậm lại phản ánh một sự điều chỉnh đối với các lĩnh vực bất động sản, hoạt động công nghiệp yếu đi và tăng trưởng tín dụng phi truyền thống chậm lại. Tiêu dùng và dịch vụ tăng mạnh đã hỗ trợ nền kinh tế, đúng theo hướng tái cân bằng nền kinh tế của các nhà hoạch định chính sách. Dù vậy, dự báo tăng trưởng Trung Quốc trong năm 2016-2017 cũng bị hạ, chỉ đạt 6,5%.

Tăng trưởng ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương (EAP) ước tính chậm lại ở mức 6,4% trong năm 2015, giảm so với mức 6,8% năm 2014. Đáng chú ý, WB cho biết trong khi các nước xuất khẩu hàng hóa EAP như Indonesia và Malaysia tăng trưởng yếu, thì Việt Nam lại có tăng trưởng mạnh hơn dự báo. Điều này do Việt Nam được hưởng lợi từ việc tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc và việc đa dạng hóa xuất khẩu ở trong nước, trong khi thu nhập hộ gia đình tăng do giá hàng hóa hạ.

Đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu đã giúp Việt Nam có tăng trưởng mạnh hơn dự báo.

Đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu đã giúp Việt Nam có tăng trưởng mạnh hơn dự báo.

Xu hướng tiền tệ

Theo sau đợt điều chỉnh tăng lần đầu tiên sau gần 10 năm vào tháng 12-2015, lãi suất tham chiếu USD dự kiến sẽ tăng từ từ và đặc biệt là chậm hơn so với trước đây, do kỳ vọng lạm phát thấp. Những “di sản” của cuộc khủng hoảng 2008-2009 như nợ hộ gia đình cao và tăng năng suất yếu, cũng làm FED phải kéo dãn thời gian lãi suất thấp. Dù việc nâng lãi suất của FED đã được dự báo từ trước, nhưng rủi ro biến động đối với chu kỳ thắt chặt tiền tệ của FED vẫn còn đáng kể.

Việc tiếp tục các chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và BOJ sẽ giúp tăng thanh khoản toàn cầu. Lãi suất âm ở EU và tăng chênh lệch lợi suất ở Hoa Kỳ có thể góp phần làm đồng USD tăng giá cao hơn và sẽ có tác động hỗn hợp tới các nước đang phát triển. Một mặt, sự gia tăng cho vay xuyên biên giới từ các ngân hàng châu Âu và bảo hiểm trái phiếu EUR năm 2015 có thể tiếp tục khi sự hồi phục ở khu vực EUR cải thiện. Mặt khác, USD mạnh lên sẽ góp phần gia tăng áp lực đối với những nước có nợ lớn bằng đồng USD. Dòng vốn chảy vào các nước đang phát triển giảm xuống mức thấp hậu khủng hoảng so với GDP trong năm 2015. Tuy nhiên, dự báo năm 2016-2017 dòng vốn này sẽ hồi phục chậm.

Giá hàng hóa vẫn thấp

Giá hàng hóa giảm sâu hơn trong nửa sau năm 2015. Tính đến tháng 11, 3 chỉ số hàng hóa chính gồm năng lượng, kim loại và nông sản thô đều giảm bình quân 45% so với mức đỉnh năm 2011. Giá dầu bình quân (gồm cả dầu Brent, dầu Dubai và dầu WTI) đã giảm xuống dưới 40 USD/thùng vào cuối năm 2015. Giá dầu giảm do trữ lượng tăng ở các nước OECD và nhu cầu toàn cầu dự báo tiếp tục giảm. Sản xuất dầu ở các nước OPEC tiếp tục tăng, đạt mức cao nhất 3 năm. Việc dỡ bỏ cấm vận với Iran sẽ làm tăng nguồn cung từ 0,5-0,7 triệu thùng/ngày vào năm 2016, tương đương mức tiền cấm vận và chiếm 4% nhu cầu tiêu thụ toàn cầu. Giá kim loại đã giảm xuống mức thấp nhất 6 năm vào tháng 11-2015 và dự báo tiếp tục giảm. Điều này do cung vượt cầu quá nhiều trong khi tăng trưởng tại các nền kinh tế mới nổi lớn đang chậm lại. Nhiều mỏ mới sẽ đi vào hoạt động ở một vài nước trong năm này, đặc biệt tại Australia, càng làm cung thêm lớn. Giá ngũ cốc và dầu thực vật giảm mạnh trong năm 2015, với chỉ số giá nông sản tháng 11 thấp hơn 33% so với mức cao lập vào năm 2011. Điều này chủ yếu do nguồn cung tăng. Chỉ số nhà kho/sử dụng đối với các loại hạt chính vẫn cao hơn mức bình quân 5-10 năm. Nguồn cung dồi dào khiến tác động khắc nghiệt của hiện tượng thời tiết El Niño (mạnh nhất kể từ năm 1997-1998) dường như không đủ sức làm tăng mạnh giá lương thực trong năm nay.

Với tất cả những điều kiện trên, dự báo giá hàng hóa tiếp tục ở mức thấp trong những năm tới. Giá dầu dự báo ở mức bình quân 49 USD/thùng năm 2016, sau đó tăng chậm. Kim loại và lương thực dự báo sẽ tăng giá khoảng 1-2%. Dù những rủi ro địa chính trị và điều kiện thời tiết bất lợi có thể dẫn đến sự phục hồi giá nhanh hơn, rủi ro giá xuống vẫn còn nhiều. Trong trường hợp của dầu, giá có thể giảm hơn nữa nếu các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục tăng trưởng chậm; hoặc nếu việc dỡ bỏ cấm vận Iran kéo theo làn sóng đầu tư mạnh vào khai thác dầu mỏ và khí đốt (trữ lượng khí đốt thiên nhiên của Iran lớn nhất thế giới, trong khi trữ lượng dầu mỏ đứng thứ tư).

Các tin khác