Không có chỗ cho 'giải cứu'

Khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các nhà quản lý, chuyên gia đều lo ngại nông nghiệp sẽ bị tác động nhiều nhất. Nhiều loại nông sản có thể bị tổn thương mạnh khi cạnh tranh với hàng ngoại.

Khi Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, các nhà quản lý, chuyên gia đều lo ngại nông nghiệp sẽ bị tác động nhiều nhất. Nhiều loại nông sản có thể bị tổn thương mạnh khi cạnh tranh với hàng ngoại.

 

Những lo ngại này hoàn toàn có cơ sở nhưng nếu nhìn thực trạng ngành nông nghiệp hiện nay thì lo lắng này vẫn còn “xa xỉ”. Bởi chẳng cần đến hội nhập thì hằng năm, “mùa nào thức nấy” các loại nông sản VN vẫn thường trực rơi vào tình trạng khó khăn. Mất mùa đã khó, được mùa lại càng khốn khổ vì đầu ra bấp bênh. Việc "ế đồng dội chợ" lúc nào cũng ám ảnh người nông dân. Cũng chưa cần phải cạnh tranh với "ông lớn" ngoại này, "đại gia" nước ngoài kia, chỉ vài thương lái Trung Quốc với một mánh khóe duy nhất... cũng khiến nông dân VN ở khắp nơi sập bẫy. Rồi lại kêu gọi “giải cứu”.

Nhưng trong hội nhập, không có chỗ cho “giải cứu”. Đơn cử như với ngành chăn nuôi, ngành được đánh giá khó khăn nhất hậu TPP thì ngay trong thời tiền TPP, đùi gà Mỹ đã làm cho gà nội điêu đứng vì giá rẻ. Thịt heo, bò, gà bị mất uy tín do sử dụng chất cấm tràn lan. Chưa nói đến giá đắt hơn, nhiều người đã muốn sử dụng hàng ngoại cho an toàn. Vậy thì làm sao có thể kêu gọi họ “giải cứu”?

Tương tự với rau, củ, trái cây... nếu chúng ta không tự nâng chất lượng, áp dụng công nghệ vào nuôi trồng, đảm bảo an toàn vệ sinh từ trong ao, chuồng, vườn, ruộng... tới bàn ăn thì làm sao có thể kêu gọi người tiêu dùng trong nước sử dụng sản phẩm nội? Nhất là khi ngay bên cạnh, nông sản ngoại nhập giá mềm (vì giảm thuế) và bảo đảm chất lượng vẫy gọi? Chắc chắn là không. Bởi dù có muốn ủng hộ hàng Việt đến đâu thì người tiêu dùng cũng phải bảo vệ sức khỏe của mình, của gia đình mình trước đã.

Nhưng đáng lo lắng hơn là sự chậm trễ, lúng túng của chúng ta. Đây là giai đoạn nước rút để chuẩn bị nội lực, tạo chuỗi giá trị, xây dựng nông nghiệp quy mô tập trung, tiết giảm chi phí để có sản phẩm chất lượng tốt, giá cạnh tranh thì chúng ta vẫn loay hoay với các vấn đề cũ, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái Trung Quốc, vẫn được mùa - mất giá, các cơ quan chức năng vẫn còn đang điên đầu với heo sử dụng chất cấm, người tiêu dùng ngày càng cảnh giác với thực phẩm trong nước bởi chất vàng da, chất tạo nạc, heo - bò bơm nước, trái cây để hàng tháng không hỏng vì sử dụng chất cấm.

Mà đâu chỉ có TPP, mới nhất là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vừa được thành lập dù đã đồng ý để cho 4 nền kinh tế kém phát triển hơn trong khối - gồm VN, Lào, Campuchia và Myanmar - được “ân hạn” tới năm 2018 mới phải dỡ bỏ hàng rào thuế quan trong khi 6 nước phát triển hơn phải thực hiện cắt giảm ngay. Nhưng nên nhớ trong khối này toàn "đối thủ" mạnh của VN trong lĩnh vực nông nghiệp trên thị trường thế giới. Nếu chúng ta vẫn chậm trễ, vẫn loay hoay với các vấn đề cũ thì rất dễ bị nông sản ngoại đè bẹp trước khi nói tới chuyện “giải cứu”.

Các tin khác