Nỗ lực về đích

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là hết năm 2015, nhiều DN đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành kế hoạch năm. Mặc dù đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan từ đầu năm đến nay nhưng DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những diễn biến khó lường của kinh tế trong nước và thế giới.

Chỉ còn đúng 1 tháng nữa là hết năm 2015, nhiều DN đang bước vào giai đoạn nước rút hoàn thành kế hoạch năm. Mặc dù đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khá khả quan từ đầu năm đến nay nhưng DN vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trước những diễn biến khó lường của kinh tế trong nước và thế giới.

Tăng tốc

Không khí khẩn trương, tấp nập sản xuất đang diễn ra sôi động tại các phân xưởng may của Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương. Trong tiếng rào rào của máy may công nghiệp, Giám đốc Nhân sự - Hành chính Nguyễn Hồng Anh chia sẻ kế hoạch năm 2015, công ty phấn đấu đạt doanh thu 1.246 tỷ đồng, chủ yếu từ xuất khẩu áo sơmi và quần jean sang thị trường Hoa Kỳ và châu Âu. Từ đầu năm đến nay công ty đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng hơn 10% so cùng kỳ năm trước và đạt trên 90% kế hoạch năm. “Chúng tôi tin tưởng, năm 2015 công ty sẽ vượt nhiều chỉ tiêu so với kế hoạch đã đề ra” - Giám đốc Hồng Anh khẳng định.

Theo đánh giá của nhiều DN, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục chuyển biến tích cực, nhiều biện pháp điều hành vĩ mô của Nhà nước như kiểm soát lạm phát ở mức thấp, chính sách tiền tệ thích hợp với lãi suất ngân hàng giảm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho DN chủ động trong ký kết hợp đồng với đối tác, chuẩn bị tốt việc dự trữ nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Đồng thời, việc cắt giảm thủ tục hành chính thuế, hải quan… đã giúp DN tiết kiệm thời gian, chi phí sản xuất, kinh doanh. Đây chính là nền tảng quan trọng cho DN hoạt động đạt hiệu quả và tăng trưởng khá trong 3 quý đầu năm.

Cùng quan điểm này, Tổng giám đốc CTCP Sáng Ban Mai (Bình Dương) Trần Thành Trọng cho rằng từ cuối năm 2014 đến nay, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng tốt, nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam làm ăn, tình hình đầu tư trong nước cũng khá sôi động. Thêm vào đó, các chính sách về thuế, thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển công nghiệp trong nước cũng tạo lực giúp DN sản xuất, kinh doanh khá thuận lợi, phát triển tốt hơn. Là đơn vị sản xuất máy phát điện công nghiệp có công suất 1.100-2.500 kVA, công ty đã đạt doanh thu hơn 150 tỷ đồng trong 9 tháng, dự kiến cả năm nay, con số này sẽ tăng trưởng gấp đôi so với năm trước (năm 2014, công ty đạt doanh thu hơn 100 tỷ đồng).

Tương tự, hoạt động của CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo (Coimex) cũng khả quan. Năm 2015, Coimex triển khai kế hoạch xuất khẩu 14.000 tấn sản phẩm các loại với kim ngạch xuất khẩu khoảng 30 triệu USD. Việc mở rộng thị trường xuất khẩu của công ty gặp nhiều thuận lợi, với số lượng đơn hàng tăng, điển hình như các sản phẩm mô phỏng sau surimi năm 2013 chỉ xuất khẩu 510 tấn, đến năm 2014 đã tăng lên 770 tấn, dự kiến năm 2015 sẽ xuất khẩu 1.200 tấn. Vừa qua, Coimex đã nhập thêm dây chuyền sản xuất để tăng công suất 5 tấn/ngày. Theo ông Lê Văn Kháng, Chủ tịch HĐQT Coimex, Chủ tịch Hội Nghề cá tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với những DN xuất khẩu, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá vừa qua đã hỗ trợ tích cực cho DN.

 Ứng phó cú sốc bên ngoài

Có thể thấy, nhiều DN đạt kết quả sản xuất, kinh doanh từ đầu năm đến nay khá khả quan. Song, điều này không có nghĩa DN đã hết khó khăn, thách thức. Theo quyền Tổng giám đốc Công ty Cao-su Tân Biên (huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh) Trương Văn Cư, tình hình sản xuất, khai thác của công ty không ổn định như thời gian trước đây, có thời điểm, giá cao su bán ra chỉ 28 triệu đồng/tấn, trong khi chi phí sản xuất 30 triệu đồng/tấn. Từ đầu năm đến nay, 500/2.000 lao động của công ty đã xin nghỉ việc. Việc tuyển lao động mới không hề dễ dàng, không những thế, lao động mới tuyển chất lượng lại thấp, dẫn đến năng suất lao động cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Giá cao su trên thị trường hiện cũng đang biến động mạnh do chất lượng cao su nguyên liệu không đồng đều giữa các DN. Bên cạnh đó, chất lượng mủ cao su là một trong những yếu tố quyết định giá cả, nhưng hiện nay việc kiểm soát chất lượng vẫn còn nhiều bất cập, nên những DN hoạt động nghiêm túc bị điêu đứng khi phải cạnh tranh giá cả trên thị trường.

Tại Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Miền Đông (Tây Ninh), Giám đốc Trần Quang Đảo cho biết trong vài năm gần đây, giá trị xuất khẩu của công ty có xu hướng giảm dần. Nếu năm 2012, giá trị xuất khẩu đạt hơn 32 tỷ đồng, đến hết quý III vừa qua công ty chỉ mới đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 11 tỷ đồng. Nguyên nhân do giá cả sụt giảm và có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị về giá bán ra. Hiện công ty đang gặp khó khăn về vùng nguyên liệu nuôi cá nên chỉ sản xuất chừng hơn 10 tấn cá nguyên liệu/ngày, dù dây chuyền đáp ứng được 80 tấn cá nguyên liệu/ngày.

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của Coimex.

Dây chuyền chế biến thủy sản xuất khẩu của Coimex.

Theo Giám đốc Nhân sự - Hành chính Công ty TNHH MTV May mặc Bình Dương Nguyễn Hồng Anh, với các DN may mặc, bài toán khó giải lâu nay vẫn là nguồn nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất phải nhập khẩu gần 80%. Đây là nguyên nhân làm ảnh hưởng khả năng cạnh tranh của ngành, đặc biệt trong bối cảnh hiệp định Đối tác chiến lược kinh tế Thái Bình Dương (TPP) yêu cầu khắt khe về nguồn nguyên liệu. Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực hiện nay, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích mạnh mẽ và cụ thể trong việc thu hút đầu tư, nhằm tạo ra nguồn nguyên phụ liệu ổn định, cung cấp cho DN xuất khẩu; qua đó, vừa giúp DN chủ động nguồn nguyên liệu để nâng cao năng lực cạnh tranh, vừa hạn chế nhập siêu của nền kinh tế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm, thách thức, khó khăn của DN trong nước không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt do sức ép hội nhập quốc tế, thị trường tài chính, tiền tệ thế giới diễn biến khó lường. Những cú sốc từ bên ngoài như việc giảm giá đồng tiền của nhiều nước, việc mở cửa thị trường theo cam kết hội nhập… có thể khiến DN lao đao nếu không chủ động có những giải pháp ứng phó.

Các tin khác