Chủ động phòng vệ thương mại

Trong bối cảnh thương mại quốc tế hội nhập sâu rộng, việc các nước sử dụng các công cụ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đang rất phổ biến. Đối với Việt Nam, do mới hội nhập nên việc sử dụng quyền phòng vệ thương mại vẫn còn rất lúng túng. Ông NGUYỄN VĂN SƯA (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đã chia sẻ với ĐTTC về các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu thép trong tương lai.

Trong bối cảnh thương mại quốc tế hội nhập sâu rộng, việc các nước sử dụng các công cụ nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đang rất phổ biến. Đối với Việt Nam, do mới hội nhập nên việc sử dụng quyền phòng vệ thương mại vẫn còn rất lúng túng. Ông NGUYỄN VĂN SƯA (ảnh), Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), đã chia sẻ với ĐTTC về các biện pháp bảo vệ thị trường nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu thép trong tương lai.

 PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết thực trạng lấn sân của thép ngoại trên thị trường nội địa thời gian qua?

Ông NGUYỄN VĂN SƯA: - Hiện nay các dòng sản phẩm của ngành như thép xây dựng, thép tấm lá cuốn cán nguội, thép ống hàn, tôn thép mạ màu đứng trước sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt từ các sản phẩm thép nhập khẩu Trung Quốc. Trong 9 tháng năm 2015, ngành thép sản xuất đạt 10,85 triệu tấn, trong đó thép xây dựng đạt 5,24 triệu tấn, thép ống hàn 1,12 triệu tấn, tôn mạ màu gần 2,4 triệu tấn, thép cán nguội 2,09 triệu tấn.

 Sức ép từ thép ngoại nhập rất lớn. Thí dụ, sản xuất tôn thép mạ và phủ màu là phân khúc quan trọng của ngành thép Việt Nam, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình 17%/năm. Đây là dòng sản phẩm có tính cạnh tranh cao, là sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của ngành thép. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu tôn thép mạ và phủ màu chiếm 30% kim ngạch xuất khẩu của ngành thép. Tuy nhiên, thế mạnh này đang bị đe dọa bởi sản phẩm tôn mạ màu ngoại nhập đang dần lấn sân nhiều nhà sản xuất trong nước.

Cụ thể, trong khi tôn thép nội địa chỉ tiêu thụ được khoảng 2,1 triệu tấn tại thị trường trong nước, lượng tôn thép nhập khẩu năm 2014 đạt 0,75 triệu tấn, chiếm 26,3% thị phần nội địa. Trong 9 tháng năm 2015, lượng nhập khẩu tôn mạ màu tiếp tục tăng cao đạt gần 1,08 triệu tấn, chiếm 32,2% thị phần trong nước. Thống kê của VSA cho thấy lượng tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm phần lớn, có giá rẻ và chất lượng kém, điều này gây tổn thất nghiêm trọng với các nhà sản xuất trong nước. Đặc biệt khi tình trạng tôn giả, tôn nhái kém chất lượng được nhập khẩu và dán nhãn các thương hiệu uy tín trong nước để tiêu thụ.

- Vậy thời gian tới cần giải pháp gì để khắc phục tình trạng lấn sân của thép ngoại, cũng như việc thép nhập khẩu từ Việt Nam bị nhiều nước khởi kiện để bảo vệ nhà sản xuất thép trong nước, thưa ông?

- Trong nhập khẩu các sản phẩm thép hiện chúng ta mới có một số tiêu chuẩn kỹ thuật về tôn mạ kẽm nhập khẩu, các sản phẩm thép còn lại hầu như chưa có. Để bảo vệ thị trường trong nước cần gấp rút hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng để quản lý các sản phẩm thép nhập khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc chống tôn giả, tôn nhái, thép gầy…

Thực tế các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực này nhưng việc triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa có hiệu quả. Về phía DN sản xuất thép, ngoài đẩy mạnh đầu tư nâng chất lượng sản phẩm, cần ý thức hơn nữa việc thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại khi cần thiết.

Về việc mới đây Bộ Thương mại Hoa Kỳ khởi kiện chống bán phá giá ống thép cuộn carbon nhập khẩu từ Việt Nam, và trước đó Thái Lan, Indonesia, Malaysia từng kiện chống bán phá giá với mặt hàng tôn mạ màu, nằm trong xu hướng các nước bảo vệ sản xuất trong nước. Và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Điều đáng quan tâm, nhiều nước sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại rất nhuần nhuyễn, trong khi đó dù thời gian gần đây ngành thép đã tiến hành một số vụ khởi kiện chống bán phá giá các sản phẩm thép nhập khẩu từ nước ngoài nhưng vẫn còn rất lúng túng.

Vì thế, VSA khuyến cáo các DN thành viên phải nâng cao hiểu biết về luật lệ các nước mình dự định xuất khẩu. Hơn nữa, để giảm thiểu rủi ro từ các vụ kiện, DN sản xuất thép cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, phân phối sản phẩm ra nhiều nước để tránh bị kiện. Trường hợp DN sản xuất thép bị kiện chống bán phá giá cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý cạnh tranh, VSA để đáp ứng các yêu cầu vụ kiện quốc tế, tránh các thiệt hại lớn về kinh tế. Bên cạnh đó, DN sản xuất thép trong nước cần ý thức việc chúng ta có đầy đủ quyền phòng vệ thương mại, như khởi kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ để sử dụng khi các sản phẩm tôn, thép nước ngoài xâm nhập vào thị trường, đe dọa nền sản xuất trong nước.

- Một loạt hiệp định thương mại tự do sẽ có hiệu lực trong thời gian tới. Vậy DN ngành thép cần làm gì để bảo vệ sản xuất nội địa?

- Để giữ thị trường nội địa, VSA đề nghị các DN thành viên không ngừng nâng cao sức cạnh tranh các sản phẩm của mình. Tính cạnh tranh các sản phẩm thép biểu hiện qua nhiều tiêu chí như giá cả, thương hiệu, chất lượng và dịch vụ sau bán hàng. DN sản xuất thép phải luôn nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm mới chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự xâm lấn của các sản phẩm tôn, thép ngoại nhập, đặc biệt là các sản phẩm tôn, thép nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rất rẻ. Hiện công suất của các nhà máy thép Trung Quốc thừa khoảng 300 triệu tấn/năm, trong khi năng lực của ngành sản xuất thép trong nước chỉ khoảng 12 triệu tấn/năm, nên sự cạnh tranh thị trường thép nội địa thời gian tới dự báo rất khốc liệt.

Thời gian qua Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) đã tích cực hỗ trợ VSA và các thành viên trong các vụ tranh tụng thương mại quốc tế. Tuy nhiên, tranh tụng thương mại là công việc rất phức tạp, đòi hỏi DN, hiệp hội phải chi phí nhiều tiền, mất nhiều thời gian, phải tìm hiểu luật pháp quốc tế về tranh chấp thương mại. Có vậy chúng ta mới dần tháo gỡ được các rào cản, giúp DN vững vàng khi xảy ra các vụ kiện cáo, tranh tụng thương mại.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác