Bế mạc Quốc hội: Thông qua nhiều luật

Sau hơn một tháng làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc vào chiều 27-11.

Sau hơn một tháng làm việc nghiêm túc, đầy trách nhiệm, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII đã bế mạc vào chiều 27-11.

 

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Quốc hội vui mừng nhận thấy, năm 2015 tình hình kinh tế - xã hội nước ta có những chuyển biến tích cực và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu theo nghị quyết của Quốc hội. Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, yếu kém cần có giải pháp đồng bộ để giải quyết.

Đó là chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản tiếp tục gặp khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, nợ công tăng, áp lực trả nợ lớn; tái cơ cấu trong một số ngành, lĩnh vực chậm…; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo đứng trước những thách thức mới.

Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2016 - 2020). Quốc hội đã có Nghị quyết quyết định mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội của năm 2016 là “tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn, đồng thời cải thiện chất lượng tăng trưởng và bảo đảm phát triển bền vững”.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng trân trọng ghi nhận sự tham gia tích cực, trí tuệ, tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội; sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm của Chính phủ; tinh thần làm việc tận tụy, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan hữu quan trong phạm vi, nhiệm vụ quyền hạn của mình tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thi hành Hiến pháp, các luật, nghị quyết mới được thông qua; chuẩn bị các điều kiện cần thiết tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, bảo đảm để sự kiện chính trị trọng đại này thực sự là ngày hội lớn của toàn dân.

Yêu cầu tiếp tục giữ môn học lịch sử

Trước khi họp phiên bế mạc, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIII về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn. Theo đó, Quốc hội yêu cầu các cơ quan hữu quan sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm kiểm soát tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với tình hình vi phạm pháp luật tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Trong năm 2017, triển khai vận hành cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Về an toàn thực phẩm, đến năm 2020, về cơ bản kiểm soát an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, chủ động trong việc bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.

Đáng lưu ý, về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục giữ môn học lịch sử trong chương trình sách giáo khoa mới. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục gắn với hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa cho học sinh; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát

Tại cuộc họp báo được tổ chức ngay sau khi kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII kết thúc, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác… Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014” và ban hành nghị quyết về vấn đề quan trọng này. Hoạt động giám sát tiếp tục được đổi mới thông qua việc tiến hành chất vấn trực tiếp những người đứng đầu bộ máy các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay.

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng đã dành thời gian thảo luận các dự thảo văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng với những định hướng lớn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước 5 năm 2016 - 2020; thông qua Nghị quyết thành lập Hội đồng Bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia, phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch, ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia, quyết định ngày bầu cử. Đồng thời, Quốc hội cũng đã bầu Tổng thư ký Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. 

Trao đổi tại cuộc họp báo về các chất vấn dành cho Thủ tướng, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng đoàn Thư ký kỳ họp cho biết, người đứng đầu Chính phủ nhận được tổng cộng 27 câu hỏi. “Nhiều vấn đề trong đó đã được các vị thành viên Chính phủ làm rõ. Trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội, Thủ tướng cũng đã chọn lọc, tổng hợp và giải đáp nhiều nội dung được nêu ra trong các chất vấn của đại biểu.

 Vì vậy, Thủ tướng chỉ làm rõ thêm câu hỏi của 3 vị đại biểu nêu trực tiếp”, ông Nguyễn Hạnh Phúc trả lời. Về việc chưa thông qua hai luật thuế đã có trong chương trình dự kiến, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói, do còn có những ý kiến khác nhau nên đã phát phiếu xin ý kiến ĐBQH. Kết quả, tuyệt đại đa số ĐBQH tán thành việc chưa thông qua hai luật thuế tại kỳ họp này để có sự chuẩn bị chu đáo hơn.

Các tin khác