“Người dẫn nước” về miền đất cháy

Giữa cái “rốn” của vùng thiếu nước sạch trầm trọng thuộc miền thượng huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), có một người không chịu khuất phục hoàn cảnh phải phụ thuộc vào thiên nhiên. Người nông dân chân lấm tay bùn ấy đã không tiếc vốn liếng, công sức để đem lại nguồn nước sạch phục vụ cho 500 hộ dân của ấp Trong, xã Phước Hậu. Nguồn nước mát lành của ông gần 20 năm qua đã “chảy” miễn phí đến nhà 20 hộ nghèo và tất cả các điểm trường mầm non trong ấp. Ông là nông dân Đặng Phước Mỹ, năm nay 56 tuổi.

Giữa cái “rốn” của vùng thiếu nước sạch trầm trọng thuộc miền thượng huyện Cần Giuộc (tỉnh Long An), có một người không chịu khuất phục hoàn cảnh phải phụ thuộc vào thiên nhiên. Người nông dân chân lấm tay bùn ấy đã không tiếc vốn liếng, công sức để đem lại nguồn nước sạch phục vụ cho 500 hộ dân của ấp Trong, xã Phước Hậu. Nguồn nước mát lành của ông gần 20 năm qua đã “chảy” miễn phí đến nhà 20 hộ nghèo và tất cả các điểm trường mầm non trong ấp. Ông là nông dân Đặng Phước Mỹ, năm nay 56 tuổi.

 Ông Mỹ vừa sửa xong van nước cho anh Nguyễn Văn Đơ

 Ông Mỹ vừa sửa xong van nước cho anh Nguyễn Văn Đơ

Không khuất phục khô hạn

Cùng với Mỹ Lộc, Phước Lý, Phước Vĩnh Tây…, Phước Hậu cũng được coi là địa hạt khan hiếm nước sạch nhất, đặc biệt vào mùa khô hạn ở Long An. Vùng này tuy có tiếng về cung cấp rau xanh với quy mô lớn cho toàn tỉnh nhưng hàng năm đều điêu đứng vì thiếu nước sạch. Tình trạng suy kiệt nguồn nước ngọt đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất và đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con. Do nguồn nước nhiễm mặn, chuyển màu vàng đục, độ kiềm tăng liên tục nên gần như các giếng truyền thống đều không thể dùng được với trình độ xử lý phèn, mặn như hiện nay.

Vào thời điểm khô hạn khốc liệt, dân nghèo nơi đây phải “bấm bụng” mua nước sạch theo ghe, theo xe hàng tuần với chi phí cao, trở thành gánh nặng đè lên vai. Nhưng với ông Đặng Phước Mỹ, ông không chấp nhận hoàn cảnh bị động dựa vào thời tiết khi chưa tận dụng hết các nguồn lực vốn có của tự nhiên. Sau thời gian đi nghĩa vụ quân sự, ông Mỹ trở về khu vườn rộng mênh mông mà cha để lại chứng kiến sự hoang tàn, xơ xác, cỏ mọc um tùm vì thiếu nước, thiếu bàn tay chăm sóc của con người. Bản lĩnh có được từ quân ngũ đã không làm ông nản lòng, ngay ngày đầu tiên trở về, ông đã quyết tâm xanh hóa đất canh tác, đem lại hiệu quả kinh tế.

Là người đọc rất nhiều sách về kỹ thuật trồng trọt và khuyến nông, sau nhiều đêm trăn trở, ông Mỹ quyết định phủ xanh vùng đất của mình bằng hoa màu truyền thống xen canh cây hoa thiên lý và cà tím Nhật Bản. Chưa dừng lại ở đó, ông còn trồng thử nghiệm nấm bào ngư và cây kiểng - hai mặt hàng bán rất chạy trên thị trường.

Nhờ sự mát tay và chịu khó, chẳng bao lâu ông trở thành nghệ nhân cây kiểng nổi tiếng khắp Cần Giuộc, người ta còn phong cho ông là “triệu phú cây kiểng” với thu nhập mỗi năm lên tới gần 200 triệu đồng. Nhưng khi đứng trải tầm mắt từ khu vườn xanh mướt của nhà mình sang những cánh đồng hoa màu u ám khác của bà con, ông Mỹ giật mình. Ông nhận ra một điều, gia đình ông rất may mắn khi sở hữu khu đất rộng với mạch nước ngầm dồi dào và đã được ông tận dụng để phát triển vườn kiểng, hoa màu, đem lại nguồn thu nhập ổn định. “Nhưng  xung quanh, đâu xa xôi gì, bà con trong ấp mình cả, hàng ngày vật vã kiếm nước sinh hoạt còn khó khăn nói chi đến nước canh tác. Tôi bàn với vợ, phải làm cái gì đó để khắc phục tình trạng này, để bà con bớt khổ vì thiếu nước”, ông Mỹ kể lại. Hai vợ chồng ông Mỹ xin phép lãnh đạo xã được khai thác giếng công nghiệp, độ sâu 200m để có thể  lấy được nhiều nước ngầm hơn. “Sau khi được xã đồng ý, chúng tôi bắt đầu tìm người khảo sát, thuê thợ…”, ông Mỹ cho biết. Từ “cái giếng nhà”, ông đầu tư thêm để nâng cấp quy mô, trang bị hệ thống máy bơm , hệ thống xử lý phèn, mặn chuyên dụng để bắt đầu công cuộc đưa nước sạch về làng. Nước sau khi đã qua xử lý, ông lấy mẫu đem đi kiểm nghiệm trên tỉnh và được cấp chứng nhận đủ tiêu chuẩn sử dụng sinh hoạt. Nhưng bà con trong ấp đa số còn nghèo, để dẫn đường nước đến từng nhà, mỗi hộ phải bỏ ra từ vài triệu đến hai ba chục triệu đồng, tùy khoảng cách xa gần. Ông Mỹ lại nhiều đêm không ngủ để lo về mạng lưới đường ống cái. Sau khi thuê một đơn vị tư vấn khảo sát và tính toán kinh phí đầu tư mạng lưới ống cái, dự kiến số tiền rơi vào khoảng 2 tỷ đồng, một con số rất lớn vào thời điểm năm 1998 và đó là cả “gia tài”, cơ nghiệp của hai vợ chồng dành dụm mấy chục năm. Suy đi nghĩ lại, ông quyết định “hy sinh” số tiền. Thế là sau rất nhiều khó khăn, 4km đường ống chính dẫn nước được ông Mỹ đến tận cổng từng nhà dân để dẫn nước sạch. Ông cũng lắp luôn cả đồng hồ nước cho từng hộ. “Lúc họp dân để bắt đầu cung cấp nước, lãnh đạo xã và đại diện ấp để bà con tự đề xuất mức giá mua nước. Sau khi nhiều ý kiến được đưa ra, bà con và ông Mỹ thống nhất giá 6.000 đồng/m³, bằng với giá nhà nước cung cấp, thấp hơn hàng chục lần so với mua lẻ bên ngoài”. Nhờ vậy, từ đó đến nay, 500 hộ dân đã có nước sạch sử dụng suốt gần 20 năm, chấm dứt cảnh “chạy nước từng bữa”.

“Ông nước sạch” của cháu mẫu giáo

Khi tìm hỏi người dân ấp Trong, tôi mới chỉ biết về một ông Mỹ dám lập mô hình cung cấp nước sạch bán giá rẻ cho dân thì cuộc gặp tình cờ với cô giáo Mai Thị Ngọc Giàu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Hậu, lại càng làm tôi thêm bất ngờ và cảm kích hơn về người nông dân miền Tây chân chất này. Giọng bùi ngùi xúc động, cô Giàu cho chúng tôi biết về những đóng góp thầm lặng của ông Mỹ đối với hàng trăm cháu học mầm non và hàng chục giáo viên tại đây.  Cô Ngọc Giàu nói: “Trường Mẫu giáo Phước Hậu có 4 điểm trường lẻ thì điểm Lương Duyên và Ấp Trong được sử dụng nước sạch miễn phí của chú Mỹ từ năm 1998. Nghĩa là khi khởi công đầu tư công trình nước giếng công nghiệp, chú Mỹ đã nghĩ tới đám học trò và thầm lặng cho nối đường ống cái đến cổng trường, rồi kéo đường ống nhánh dẫn nước tới tận nhà vệ sinh, nhà bếp và khu rửa tay công cộng cho các cháu sử dụng mà không hề tính một đồng kinh phí nào, chú cũng không gắn đồng hồ nước tại các điểm trường này với ngụ ý để giáo viên và học trò dùng miễn phí”. Tôi nghĩ, xài miễn phí cùng lắm chỉ vài năm đầu thôi nên nói chú lắp đồng hồ để dễ tính toán nhưng chú Mỹ kiên quyết từ chối và nói: “Nước sạch cho trường mẫu giáo, các cô và các cháu cứ dùng thoải mái, khi nào tôi còn khả năng cung cấp được thì nhà trường tiếp tục dùng miễn phí”. Với chừng đó năm, nước sạch của ông Mỹ đã giúp cho hàng ngàn lượt học sinh được thụ hưởng. “Hiện 2 điểm trường Lương Duyên và Ấp Trong đã được tập trung về điểm chính nhưng những ân tình của chú Mỹ cho chúng tôi rất lớn. Ngay thời điểm hiện tại, khi chúng tôi đang hoàn thiện cơ sở vật chất, khuôn viên của Trường Mẫu giáo Phước Hậu để chuẩn bị đón nhận danh hiệu trường chuẩn, chú Mỹ lại tình nguyện tài trợ toàn bộ những cây xanh loại lớn để trồng trong khuôn viên sân trường, tạo bóng mát hoạt động ngoài trời cho các cháu”, cô Giàu xúc động nói.

“Thợ” nước của người nghèo

 

10 năm sáng đèn nông thôn

Ở ấp Trong, ông Mỹ rất tích cực tham gia hoạt động xã hội, tự nguyện hiến 2.000m² đất để xây trường, làm đường, làm kênh mương. Và với trách nhiệm thành viên Ban điều hành lộ giao thông nông thôn, thành viên tài trợ ánh sáng an ninh trật tự tại địa phương, 10 năm qua ông Mỹ đã ủng hộ nhiều kinh phí để ấp Trong được thắp sáng đèn dọc theo đường nông thôn nội bộ vào ban đêm. Anh Hiệp, Trưởng ấp Trong, cho biết, đây là mô hình sớm được ghi nhận đầu tiên tại Long An và nhiều nơi trong tỉnh quan tâm, đến học hỏi và nhân rộng. Còn ông Mỹ chỉ quan niệm đơn giản: “Đèn sáng thì đường bớt tối, bà con có công chuyện đi lại cũng dễ dàng và an toàn hơn. Tình hình an ninh trật tự cũng được đảm bảo hơn. Sau này, vài gia đình có khả năng tự kéo dây và chi trả tiền điện hàng tháng cho đèn trước nhà thì tôi không tính tiền nhà đó mỗi tháng 1m³ nước”.

 

Theo chân ông Mỹ một ngày mới thấy công việc của ông tất bật bất kể sáng tối, toàn những việc không tên cho người khác. Khi vừa rời vườn cây để bứng gốc tặng trường mẫu giáo, mồ hôi còn nhễ nhại, xe chưa kịp tắt máy, ông Mỹ lại tất tả chạy sang nhà anh Nguyễn Văn Đơ - người bị tật nguyền bẩm sinh nay đã 45 tuổi. Tứ chi teo tóp, anh Đơ mưu sinh bằng nghề bán vé số, hàng ngày anh ngồi xe lăn đi khắp nẻo đường trong xã Phước Hậu để bán. Anh vừa tật nguyền vừa sống một mình trong căn nhà tình thương nên ông Mỹ đã lắp ống nước cho anh sử dụng nước sạch miễn phí mấy chục năm qua. Nghe tin ống nước nhà anh Đơ bị kẹt, nước chảy yếu; giữa cái nắng chang chang lúc 12 giờ trưa, ông Mỹ tìm đến nơi cái vòi nước đang rỉ từng giọt và sau vài thao tác nhanh gọn, ông đã đưa dòng nước trắng tinh tuôn chảy ào ào trở lại, làm chiếc áo ông đang mặc càng ướt đẫm hòa lẫn với mồ hôi đã thấm trước đó. Còn anh Đơ luôn miệng cảm ơn và quay sang “trút bầu tâm sự” với chúng tôi: “Thiệt tình, đã xài nước không mất tiền của chú gần 20 năm rồi,  nay mỗi khi hư cái gì cũng đích thân chú tận tay sửa cho thế này. Cảm ơn chú Mỹ không biết bao nhiêu mới đủ”. Nghe câu này, ông Mỹ cắt ngang lời rồi xua tay, nói: “Đơ ơi! Thân cháu như vậy, hư đường ống nước hay kẹt vòi gì thì nửa đêm chú vẫn đến sửa cho cháu được mà. Đừng có nói tiếng cảm ơn chi cho xa cách”.

Chia tay anh Đơ, chúng tôi tưởng có chút thời gian để trò chuyện riêng với ông Mỹ nhưng mới về đến sân, vợ ông đã đứng chờ sẵn rồi chỉ sang một bà cụ đội nón lá nom rất khắc khổ, nói với ông: “Bà Ba Tây đây đến xin một đoạn ống nước, nhà mình còn không?”. Bà Ba Tây thấy ông Mỹ thì cười rất tươi, cất vội chiếc nón lá rách: “Chú ơi, ống nước nhà tui bể hồi đêm. Chú cho tôi xin một đoạn ống với cái van nhen”. Không kịp cất nón, ông Mỹ đi vội vào nhà kho để dụng cụ, chọn đúng loại ống nước rồi cầm dao cắt một đoạn dài, lấy thêm 2 chiếc van mới tinh đưa cho bà Ba Tây và dặn bà về  nói với mấy đứa cháu cách thay ống. Kể chuyện với tôi, bà Ba Tây cho biết, nhà bà neo đơn, nghèo khó nhất nhì ở ấp Trong. “Từ khi ông Mỹ làm nước sạch, nhà tôi được ông kéo đường ống đến tận nơi và xài miễn phí hơn 15 năm rồi. Tui mắt kém, tay chân cũng yếu nên đường nước đôi khi bị hỏng nặng là có chú Mỹ đến tận nhà sửa giùm, lại còn tặng luôn vật tư thay thế. 20 hộ nghèo trong ấp chúng tôi từ lâu rồi được chú cho dùng nước sạch miễn phí. Còn với những hộ mua nước, nhà nào có đám tang, chú tặng không 20m3 nước để lo ma chay. Dân chúng tôi cứ quen gọi chú là “thợ nước”, “cửa hàng vật tư ngành nước” của người nghèo đó!”, bà Ba Tây bỏm bẻm cười.

Các tin khác