Hàng rào kỹ thuật: Thách thức DNNVV

Hội thảo tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại TPHCM giai đoạn 2011-2015, do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM tổ chức mới đây, đã chỉ ra một thực tế báo động:  Sau hơn 8 năm thực hiện Hiệp định TBT, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá mơ hồ về TBT và những thách thức cũng như cơ hội đi cùng. Từ đó gây nên những rủi ro, thiệt hại không đáng có khi hàng hóa bị trả lại hoặc không được chấp nhận trên thị trường quốc tế.

Hội thảo tổng kết kết quả thực hiện Đề án Hiệp định hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) tại TPHCM giai đoạn 2011-2015, do Sở Khoa học - Công nghệ (KH-CN) TPHCM tổ chức mới đây, đã chỉ ra một thực tế báo động:  Sau hơn 8 năm thực hiện Hiệp định TBT, nhiều doanh nghiệp vẫn còn khá mơ hồ về TBT và những thách thức cũng như cơ hội đi cùng. Từ đó gây nên những rủi ro, thiệt hại không đáng có khi hàng hóa bị trả lại hoặc không được chấp nhận trên thị trường quốc tế.

Nhiều lý do

Theo đánh giá, doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam chưa xem trọng TBT ở các nước mà mình có hàng xuất khẩu. Dễ thấy nhất là tiêu chuẩn hàng hóa chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt là ở mặt hàng nông sản, khi thiếu sự đồng đều về chất lượng và các tiêu chuẩn. Việc quản lý sử dụng chất cấm như chất tạo nạc, dư lượng kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật..., nhiều nơi còn khá tùy tiện.

 

Trong khi đó, hệ thống các phòng xét nghiệm, thử nghiệm (LAB) để kiểm định chất lượng của chúng ta còn khá phân tán và cơ bản chưa đáp ứng yêu cầu. “Như việc xây dựng quy chuẩn địa phương về dư lượng hóa chất để quản lý quả táo nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) trong thời gian qua tại TPHCM là một ví dụ điển hình: không chỉ chưa có giải pháp kiểm soát từ nguồn, mà còn hầu như không phát hiện được các chất bảo quản độc hại, dù rằng thực phẩm này để đến 6 tháng vẫn không bị hư.

Trong số 2.000 loại hóa chất bảo quản đang tồn tại trên thị trường, Việt Nam mới chỉ kiểm nghiệm được 600 loại”, thạc sĩ Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm WTO tại TPHCM, viện dẫn.

Và khi doanh nghiệp cần thì khả năng hỗ trợ từ nhà nước gần như chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Chẳng hạn kinh phí hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, áp dụng các Iso và các biện pháp quản lý tiên tiến khác với mức 30 triệu đồng/doanh nghiệp. Mức phí này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong chi phí thực tế; hay việc áp dụng VietGAP, GlobalGAP… có chi phí rất cao so với doanh thu của các hợp tác xã, nông hộ hay doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này cũng góp phần lý giải tỷ lệ áp dụng các biện pháp quản lý tiên tiến và quản lý chất lượng tại các doanh nghiệp còn ở mức thấp.

Cần hỗ trợ thiết thực

Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT) là 1 trong 29 văn bản pháp lý thuộc Hiệp định WTO, bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu hoặc quy trình, nhằm đánh giá sự phù hợp của hàng hóa nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, kỹ thuật đó… Thực hiện Hiệp định này, trong giai đoạn 2011-2015, điểm TBT TPHCM đã tiếp nhận 1.690 hồ sơ công bố hợp chuẩn, hợp quy, hướng dẫn 400 doanh nghiệp thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng cho sản phẩm hàng hóa để nhanh chóng lưu thông trên thị trường.

Ông Nguyễn Văn Hà,
Chi cục Trưởng Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Sở KH-CN TPHCM):

Các chuyên gia nhận định, cùng với việc tham gia các hiệp định thương mại (FTA), các dòng thuế ngày càng giảm và hàng rào thuế quan không còn nhiều ý nghĩa. Thay vào đó, các nước sẽ dựng lên các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu. Đó là thách thức lớn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nhà nước phải là “bà đỡ” cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cần những hỗ trợ thiết thực hơn nữa.

Đối với TPHCM, muốn chương trình hỗ trợ hiệu quả phải khảo sát, tư vấn cụ thể doanh nghiệp khi tham gia chương trình, xác định khả năng, điểm mạnh, điểm yếu của doanh nghiệp và nhu cầu thực tế để xây dựng “gói hỗ trợ” phù hợp. Đồng thời phải tổ chức lại đội ngũ cán bộ hỗ trợ doanh nghiệp hiện nay, không thể tản mạn, rời rạc các đơn vị khác nhau, mà phải thống nhất trong một tổ chức hoặc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đủ mạnh. Đài Loan hay Nhật Bản đã thành công với mô hình này khi họ biết kết nối và tận dụng các chuyên gia đã về hưu, có kinh nghiệm về quản lý chất lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dũng, Viện Kinh tế và quản lý TPHCM, trong thời gian tới, cần thiết phải có riêng một chương trình đào tạo cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thông qua khóa học này, chúng ta sẽ hướng tới mục tiêu thay đổi nhận thức của doanh nghiệp đối với những quy định của TBT. Cùng với đó là đào tạo về kỹ năng quản lý, sản xuất sao cho đáp ứng được với nhu cầu của thị trường quốc tế. Chỉ có như vậy, doanh nghiệp Việt mới có đủ khả năng tồn tại và phát triển.

Thiết thực hơn, hiện TBT Việt Nam đang xây dựng một hệ thống tin nhắn tự động dưới sự giúp đỡ từ phía Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp đăng ký sẽ nhận được những tin nhắn về tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật của các nước trong hiệp định một cách nhanh chóng, kịp thời nhất. “Việc có thêm những hoạt động gần gũi, phổ biến rộng rãi hơn nữa về TBT cho các doanh nghiệp là vô cùng cần thiết. Thông qua đó, cơ quan quản lý cũng sẽ biết được doanh nghiệp muốn gì, cần gì và vướng mắc ở đâu để hỗ trợ hiệu quả hơn”, bà Lê Bích Ngọc, Phó Giám đốc phụ trách văn phòng TBT Việt Nam, nhận định thêm.

Các tin khác