Trần 20% có chống được tiệm cầm đồ?

Khống chế trần lãi suất cho vay dân sự mức 20%/năm đã được Quốc hội thông qua. Trước khi đi đến thống nhất đã có nhiều ý kiến khác nhau và theo các chuyên gia thực ra lãi suất cho vay giống như một hàng hóa, tức "thuận mua vừa bán". Do vậy, khi áp dụng vào thực tế thị trường luôn có nhiều biến động, liệu có dễ dàng?

Khống chế trần lãi suất cho vay dân sự mức 20%/năm đã được Quốc hội thông qua. Trước khi đi đến thống nhất đã có nhiều ý kiến khác nhau và theo các chuyên gia thực ra lãi suất cho vay giống như một hàng hóa, tức "thuận mua vừa bán". Do vậy, khi áp dụng vào thực tế thị trường luôn có nhiều biến động, liệu có dễ dàng?

 

Đã thông qua trần 20%

Chính thức thông qua Dự thảo bộ Luật Dân sự (sửa đổi) với 429 phiếu tán thành, chiếm 86,84% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật Dân sự sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2017. Một trong những nội dung đáng lưu ý liên quan đến hoạt động cho vay là Quốc hội đã quyết định quy định mức lãi suất cho vay dân sự cố định ngay trong bộ luật và có 278/366 các đại biểu tán thành.

Cần cân nhắc không nên quy định điều này vào trong bộ Luật Dân sự như một điều kiện trói buộc, bởi nguyên tắc của một hợp đồng là tự nguyện. Điều này có thể dẫn tới tình trạng khi cần vay sẵn sàng vay với lãi suất cao, nhưng đến khi trả nợ lại căn cứ luật để làm vô hiệu hóa hợp đồng vay.

TS. Trần Du Lịch

Cụ thể, trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý nội dung này tại Khoản 1 Điều 468 như sau: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”. Tại Khoản 2 Điều 468 về mức lãi suất ấn định trong hợp đồng vay có lãi nhưng các bên không có thỏa thuận rõ về lãi suất dẫn đến tranh chấp, quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp về lãi suất, lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi suất giới hạn quy định tại Khoản 1 Điều 468 tại thời điểm trả nợ”.

Trước khi trình Quốc hội thông qua, việc quy định mức trần lãi suất được nhiều đại biểu tập trung thảo luận và có nhiều đề xuất khác nhau. Trong đó tựu chung có 2 phương án đáng chú ý. Thứ nhất, tán thành quy định mức lãi suất cố định ngay trong Luật Dân sự sửa đổi tối đa 20%/năm của khoản tiền vay. Thứ hai, tán thành sử dụng lãi suất cơ bản làm lãi suất tham chiếu, đồng thời xác định quy định về trần lãi suất của Luật Dân sự sửa đổi sẽ không được áp dụng trong trường hợp luật khác liên quan có quy định khác. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với ý kiến thứ nhất và đã gửi phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội về mức lãi suất tối đa.

Trước đó, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển, phương án thứ nhất với mức lãi suất cố định NHNN không cần phải công bố lãi suất cơ bản nữa. Tuy nhiên, nếu có biến động về kinh tế, lạm phát lên quá cao, chẳng hạn lên đến hơn 18% như năm 2011, người cho vay sẽ rất thiệt thòi. Ông Hiển còn đề nghị nâng hẳn mức lãi suất giới hạn lên 30%/năm, nếu vượt qua đó bị xử lý tội cho vay nặng lãi. Tương tự, một số ý kiến ủng hộ khác cũng cho rằng quy định này sẽ đảm bảo rõ ràng tính minh bạch, các bên tham gia có thể biết ngay hậu quả, từ đó chống cho vay nặng lãi hiệu quả hơn.

Nhưng vẫn còn ý kiến trái chiều

Việc quy định mức trần lãi suất hướng đến mục đích cơ bản là chống cho vay nặng lãi. Tuy nhiên theo các chuyên gia việc này trên thực tế sẽ rất khó. TS. Cao Sỹ Kiêm cho rằng quy định cứng trần lãi suất là trái với cơ chế thị trường. Theo TS. Kiêm, không nên đưa trần lãi suất cơ bản vào bộ Luật Dân sự áp dụng cho các TCTD mà thay vào đó cần phải dần tiến tới lãi suất thả nổi, có như vậy thị trường mới có thể cạnh tranh thực sự. Đồng quan điểm, ông Sanjay Chakrabarty, Tổng giám đốc Công ty Prudential Finace, cũng cho rằng việc áp dụng lãi suất trần sẽ gây ra một số vấn đề không mong đợi như sẽ có một khối lượng phân khúc khách hàng không tiếp cận được với các khoản vay ở những TCTD, dẫn đến hệ lụy là họ sẽ đi vay trên thị trường tín dụng đen hoặc những tiệm cầm đồ. Đặc biệt trong bối cảnh mặt hàng bán lẻ của Việt Nam đang phát triển rất mạnh cùng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao, do đó với quy định này có thể phần nào tác động đến thị trường bán lẻ.

TS. Trần Hoàng Ngân dẫn thực tế tại các tiệm cầm đồ mức lãi suất được công khai khoảng 36%/năm, như vậy đã vượt 500% lãi suất tái cấp vốn và ngang nhiên vi phạm Luật Dân sự. Thực tế chứng kiến vấn đề cho vay nặng lãi, tín dụng đen khá nhức nhối trong xã hội trong thời gian dài vừa qua. Nhiều gia đình chịu cảnh tan cửa nát nhà cũng vì tín dụng đen. Tuy nhiên, việc xử lý trên thực tế lại không hề dễ dàng bởi các hoạt động cho vay tiêu dùng, trao đổi dân sự dựa trên sự tín chấp và khá rủi ro, nên lãi suất thường được thỏa thuận ở mức cao. Nhiều trường hợp chủ nợ xử lý món vay theo kiểu xã hội đen. Do đó, hiện nay nhóm cho vay nặng lãi trong dân chúng vẫn là đối tượng chính được hướng đến cần hạn chế, xử lý. Việc áp “trần lãi suất” này chưa phải là biện pháp tốt nhất để hạn chế việc cho vay nặng lãi. Điều quan trọng hơn là phải có một thị trường vốn năng động, hiệu quả để mọi người tiếp cận vốn dễ dàng và lúc đó tín dụng đen cũng sẽ giảm.

Các tin khác