Tín dụng kích thị trường bất động sản

Số liệu mới công bố của NHNN cho thấy tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng trưởng rất tốt. Hiện các NH cũng đang thực hiện nhiều chương trình, chính sách đẩy mạnh việc cho cá nhân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư kinh doanh BĐS. Như vậy, sau một thời gian bị xem là tội đồ làm “bong bóng” BĐS tăng mạnh và bị siết lại, giờ đây tín dụng BĐS dường như đang trở lại thời hoàng kim.

Số liệu mới công bố của NHNN cho thấy tín dụng trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) tăng trưởng rất tốt. Hiện các NH cũng đang thực hiện nhiều chương trình, chính sách đẩy mạnh việc cho cá nhân, doanh nghiệp vay vốn đầu tư kinh doanh BĐS. Như vậy, sau một thời gian bị xem là tội đồ làm “bong bóng” BĐS tăng mạnh và bị siết lại, giờ đây tín dụng BĐS dường như đang trở lại thời hoàng kim.

Hơn 358 ngàn tỷ đồng vào BĐS

Đối với NH, thị trường BĐS phục hồi cũng sẽ góp phần làm giảm bớt nợ xấu và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu ứng tích cực đó, nếu tín dụng tăng nhanh một cách thái quá có thể dẫn đến một đợt bong bóng mới trên thị trường BĐS và nợ xấu của NH có thể lại hồi sinh.

Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), tốc độ tăng trưởng cho vay đầu tư kinh doanh BĐS trong 9 tháng năm 2015 đạt 14,59%, cao hơn khoảng 2,5% so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung. Dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS đến cuối tháng 9-2015 chiếm tỷ trọng 8,05% tổng dư nợ tín dụng, cao hơn mức 7,86% của cùng kỳ năm trước. Trong vài năm gần đây, tín dụng vào BĐS liên tục tăng cao hơn các lĩnh vực khác. Cụ thể, năm 2012 tăng 14%, năm 2013 đạt 14,7% và năm 2014 tăng 15,2%. Theo ước tính trước đó của Bộ Xây dựng, tín dụng BĐS năm nay có thể tăng 15% và đạt khoảng 340.000 tỷ đồng.Tuy nhiên dựa trên số liệu của NHNN, đến cuối tháng 9-2015 tín dụng BĐS đã đạt khoảng 358.377 tỷ đồng.

Nhiều NHTM và cả NH nước ngoài hiện nay bắt đầu đẩy mạnh việc thực hiện các chương trình cho doanh nghiệp BĐS vay vốn đầu tư thông qua hình thức hợp tác, tài trợ tín dụng, bảo lãnh dự án. Chẳng hạn, Vietcombank vừa tài trợ vốn cho Tập đoàn FLC gần 2.000 tỷ đồng, trong đó gồm 1.065 tỷ đồng tín dụng để đầu tư, xây dựng dự án và 900 tỷ đồng bảo lãnh khách hàng mua nhà. Nhà băng này cũng đang bảo lãnh dự án của Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng với 600 tỷ đồng. Một loạt NH khác như như BIDV, VietinBank, Techcombank, VPbank, Eximbank, Vietbank…cũng đều có chương trình ký kết hợp tác chiến lược cung cấp tín dụng, bảo lãnh dự án cho doanh nghiệp và dự án BĐS. NH nước ngoài là HSBC cũng vừa thực hiện bảo lãnh dự án cho CapitaLand Việt Nam.

Việc tín dụng BĐS tăng mạnh đã làm nhiều người quan ngại. Tuy nhiên, theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, dư nợ cho vay đầu tư kinh doanh BĐS tập trung lớn nhất vào phân khúc xây dựng, sửa chữa, mua nhà, xây dựng đô thị (chiếm trên 60%). Cơ quan này cũng khẳng định so với cùng kỳ năm 2014, mức tín dụng hiện nay cho lĩnh vực BĐS vẫn tăng không đáng kể và trong tầm kiểm soát. Trước đó, hồi đầu tháng 7-2015 Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giám sát chặt chẽ cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, trong đó có BĐS, dự án thu hồi vốn thời gian dài. Vấn đề này được đưa ra sau Nghị quyết Chính phủ phiên họp thường kỳ tháng 4-2015, yêu cầu Bộ Xây dựng phối hợp với NHNN xem xét tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho BĐS, rà soát lại các chính sách nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho thị trường phục hồi. 

Có đáng lo?

Thị trường BĐS đang phục hồi và số lượng dự án tung ra thị trường ngày càng nhiều. Thực tế, để tiêu thụ hết số hàng hóa này không thể trông chờ vào vốn tự có của người mua nhà, mà phải chờ vào nguồn tín dụng của các NH. Hiện hầu hết NH đều có các chương trình cho người dân vay tiền mua nhà với rất nhiều ưu đãi. Chẳng hạn tại Sacombank đang có gói tín dụng 9.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân có nhu cầu vay mua-xây-sửa chữa BĐS. Theo giới thiệu của NH, số tiền vay lên đến 100% nhu cầu với lãi suất 7,2%/năm. Cụ thể, người vay có thể linh hoạt lựa chọn lãi suất 6 tháng đầu 7,2%/năm hoặc 12 tháng đầu 7,99%/năm. Mức lãi suất cho khách hàng cá nhân vay mua nhà hiện nay cũng cạnh tranh ở nhiều NH, chẳng hạn Techcombank đưa ra chương trình cho khách hàng vay mua nhà với lãi suất từ 6,99%. Một số NH khác còn áp dụng cả lãi suất 0% trong giai đoạn đầu. Chẳng hạn, VietCapitalBank cho vay mua căn hộ Mega Village lãi suất 0%/năm trong suốt 36 tháng và nhiều lựa chọn khác; HDBank áp dụng lãi suất 0%/năm trong giai đoạn đầu cho khách hàng mua căn hộ dự án Ehome 5-Block A tại Tân Thuận Đông, quận 7, TPHCM. Các nhà băng áp dụng lãi suất 0% thời gian đầu còn có SeAbank, Maritimebank… Phần lớn chương trình ưu đãi này đều nhằm kích thích người dân vay vốn NH để mua nhà. Theo đại diện VietCapitalBank, việc NH này liên kết cùng chủ đầu tư cho vay mua BĐS vừa đáp ứng nhu cầu thật của khách hàng về nhà ở, đồng thời góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng giai đoạn quý IV-2015.

Ảnh minh họa.
 Ảnh minh họa.

Trước đây, gói tín dụng 30.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ tạo một cú hích cho thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế tốc độ giải ngân gói này chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội, tính đến hết tháng 10-2015, tổng số tiền các NH đã cam kết cho vay đạt hơn 21.500 tỷ đồng (tỷ lệ 72%), số giải ngân thực tế đạt xấp xỉ 13.500 tỷ đồng (45%). Như vậy, gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân hơn 1 nửa trong hơn 2 năm qua, trong khi chỉ còn 6 tháng nữa là hết thời hạn quy định và con số còn lại là một thách thức không nhỏ.

Đối với doanh nghiệp, để các dự án BĐS hồi sinh trở lại nhu cầu vay vốn cũng rất lớn. Dù lãi suất hiện nay vẫn còn cao nhưng cũng đã giảm nhiều so với trước sẽ giảm bớt áp lực tài chính và doanh nghiệp cũng dễ dàng triển khai các dự án hơn. Quan sát phần lớn các kết quả báo cáo tài chính quý III-2015 của doanh nghiệp BĐS cho thấy chi phí lãi vay có xu hướng giảm so với cùng kỳ trước. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã trả bớt nợ khi bán được các dự án hoặc huy động vốn từ người mua nhà. Những tín hiệu hiện nay cho thấy tín dụng BĐS bắt đầu tích cực trở lại, thị trường BĐS sôi động, nhiều dự án đắp chiếu đang được hồi sinh. Các doanh nghiệp BĐS giảm bớt áp lực tài chính và dần thoát khỏi khó khăn. 

Các tin khác