Thị trường thức ăn chăn nuôi

Tay ngang đấu chuyên nghiệp

Thời gian qua, việc một số DN nội có tên tuổi đẩy mạnh đầu tư vào mảng thức ăn chăn nuôi đã làm thị trường dấy lên niềm hy vọng cân bằng cho 2 thế nội - ngoại. Song thực tế khối nội vẫn chỉ được xem là tay ngang, trong khi các DN FDI đã rất chuyên nghiệp trong mảng này.

Thời gian qua, việc một số DN nội có tên tuổi đẩy mạnh đầu tư vào mảng thức ăn chăn nuôi đã làm thị trường dấy lên niềm hy vọng cân bằng cho 2 thế nội - ngoại. Song thực tế khối nội vẫn chỉ được xem là tay ngang, trong khi các DN FDI đã rất chuyên nghiệp trong mảng này.

FDI đẩy mạnh đầu tư

Vừa qua, trong lễ kỷ niệm 20 năm có mặt tại thị trường Việt Nam, Cargrill (Hoa Kỳ) thông tin sẽ tiếp tục đầu tư 40 triệu USD vào Việt Nam. Trong đó, 30 triệu USD đầu tư nhà máy thức ăn gia súc mới tại Bình Dương có sản lượng 260.000 tấn/năm và dự kiến đi vào sản xuất vào nửa đầu năm 2017. Nhà máy này sẽ nâng tổng số nhà máy thức ăn chăn nuôi của Cargrill tại Việt Nam lên con số 12. Trước đó, Cargrill có 10 nhà máy thức ăn chăn nuôi sản xuất các loại thức ăn hỗn hợp cho gia súc, gia cầm, thủy sản và 1 nhà máy tại Đồng Nai cung cấp premix khoáng và vitamin cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ông McLennan, Chủ tịch kiêm Tổng giám tốc Tập đoàn Cargrill, chia sẻ: “Việt Nam là một thị trường hết sức quan trọng đối với sự tăng trưởng toàn cầu của chúng tôi với những cơ hội phát triển rất rõ ràng. Những dự án đầu tư mới khẳng định cam kết cho sự phát triển bền vững của chúng tôi với thị trường và con người Việt Nam”. Ngoài đầu tư vào nhà máy thức ăn gia súc, Cargrill còn ký thỏa thuận trị giá 10 triệu USD với SITV cho trạm lưu trữ 80.000 tấn ngũ cốc và hạt có dầu tại cảng SITV ở Phú Mỹ.

Cargrill là 1 trong 2 DN ngoại đang dẫn đầu thị phần thức ăn chăn nuôi của Việt Nam. Theo đó, Cargrill nắm giữ khoảng 8,11% thị phần và CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam nắm 19,4% thị phần. Hiện CP Việt Nam có 9 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản trên địa bàn các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre, Đắk Lắk, Hà Nội và Hải Dương, sản xuất các sản phẩm thức ăn chăn nuôi gia súc (lợn, bò thịt, bò sữa), thức ăn gia cầm (gà thịt, gà đẻ, vịt thịt, vịt đẻ, chim cút), và thức ăn thủy sản (tôm, cá). Ngoài 2 cái tên đình đám này, nhiều DN FDI khác cũng đẩy mạnh đầu tư tại thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, cuối tháng 3 vừa qua, De Heus Việt Nam, thành viên Tập đoàn De Heus từ Hà Lan, đã khánh thành nhà máy thứ 5 tại tỉnh Vĩnh Phúc, với tổng vốn đầu tư gần 30 triệu USD. Nhà máy sẽ góp phần đưa tổng công suất sản xuất của De Heus Việt Nam lên 850.000 tấn/năm. De Heus hiện nằm ở nhóm 5 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn tại Việt Nam.  

DN nội có làm nên chuyện?

Theo đánh giá, thị trường thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam phát triển khá nhanh, với mức tăng trưởng trung bình 10-13%/năm. Việt Nam hiện là nước đứng đầu khối ASEAN và đứng thứ 12 thế giới về sản lượng sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp. Giới chuyên gia khá lạc quan về khả năng tăng trưởng của ngành chăn nuôi năm 2015, khi đặt ra mục tiêu giá trị sản xuất toàn ngành sẽ tăng 5-5,6% so với năm 2014. Hiện tại, nhu cầu thức ăn chăn nuôi của Việt Nam khoảng 16 triệu tấn/năm, trị giá khoảng 6 tỷ USD. Dự báo đến năm 2020, con số này có thể lên đến 25-26 triệu tấn/năm, với trị giá hàng chục tỷ USD. Tính đến nay, DN nước ngoài tuy chiếm số lượng ít nhưng nắm khoảng 60-65% thị phần. Lý do khiến khối ngoại chiếm thị phần lớn chính là kinh nghiệm lâu năm trong thị trường thức ăn chăn nuôi. Chẳng hạn, Cargrill đã có kinh nghiệm 150 năm trong mảng này, hay CP cũng có mấy chục năm kinh nghiệm và hoạt động trên 15 quốc gia. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác chính là khả năng tài chính khủng của những DN này.

Trong số các DN Việt Nam tham gia lĩnh vực này, trước hết là Hòa Phát, với 2 công ty trong mảng thức ăn chăn nuôi. Công ty TNHH MTV Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát Đồng Nai với 100% vốn của Hòa Phát được thành lập hồi cuối tháng 7, với vốn điều lệ 200 tỷ đồng, đặt tại khu công nghiệp Long Khánh, Đồng Nai. Trước đó, công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất Thức ăn chăn nuôi Hòa Phát được thành lập hồi tháng 3 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, công suất 300.000 tấn/năm. Tham vọng của Hòa Phát là chiếm 10% thị phần thức ăn chăn nuôi trong vòng 10 năm. Song mục tiêu này bị cho quá tham vọng vì cả 2 đại gia ngoại kể trên đều phải mất gần 20 năm mới đạt mức thị phần lần lượt gần 20% và hơn 8%. Một cái tên khác gây nhiều chú ý hơn chính là Masan. DN này liên tiếp thực hiện các thương vụ M&A trong mảng thức ăn chăn nuôi. Masan cũng chính thức sở hữu 52% cổ phần của CTCP Sản xuất thức ăn gia súc Việt - Pháp (Proconco) và 70% cổ phần của CTCP Dinh dưỡng Nông nghiệp Quốc tế (Anco). Nắm trong tay những quân bài khá chủ lực trong thị trường thức ăn chăn nuôi nên Masan cũng đưa ra mục tiêu cao hơn: Đến năm 2020 sẽ chiếm 50% thị phần của thị trường thức ăn chăn nuôi.

Cargrill đã có nhiều nhà máy tại Việt Nam.

Cargrill đã có nhiều nhà máy tại Việt Nam.

Vẫn còn nhiều hoài nghi về khả năng chiếm thị phần khủng của các DN nội, bởi trong cuộc đua này ngoài mạnh về tài chính và kinh nghiệm, khối ngoại còn không thiếu những chiêu trò. Một báo cáo gần đây của Bộ Công Thương về những lỗ hổng cần xem xét với thị trường thức ăn chăn nuôi đã đề cập đến vấn đề thao túng thị trường của DN ngoại. Theo đó, thị trường thức ăn chăn nuôi đang bị điều khiển bởi một số DN FDI. Các DN này chiếm thị phần lớn, tập trung thị trường, liên kết định giá, sử dụng hệ thống phân phối thông qua các đại lý độc quyền và chiết khấu lớn để cạnh tranh không lành mạnh với DN trong nước.

Các tin khác