Taxi Grab, Uber sẽ có hành lang pháp lý

Làm thế nào để người tiêu dùng được hưởng lợi khi được đi xe giá rẻ mà vẫn đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chống thất thu thuế cho nhà nước, đó là những vấn đề được lãnh đạo Bộ GTVT làm rõ tại tọa đàm trực tuyến về “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” tổ chức ngày 24-11.

Làm thế nào để người tiêu dùng được hưởng lợi khi được đi xe giá rẻ mà vẫn đảm bảo cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, chống thất thu thuế cho nhà nước, đó là những vấn đề được lãnh đạo Bộ GTVT làm rõ tại tọa đàm trực tuyến về “Những vấn đề nóng trong quản lý xe hợp đồng điện tử Grab, Uber” tổ chức ngày 24-11.

Một doanh nghiệp thí điểm có công bằng?

 

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, không thể phủ nhận Grab và Uber đã tạo cơ hội cho người tiêu dùng đi lại thuận lợi hơn, giá rẻ hơn, rút ngắn thời gian hơn. Tuy nhiên, ở góc độ quản lý, loại hình này cũng có bất cập là các đơn vị cung cấp dịch vụ chưa có giấy phép kinh doanh. Hơn nữa, sử dụng phần mềm này để liên kết với các đối tượng không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng là vi phạm quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, họ cũng không thực hiện theo quy định về trách nhiệm với Nhà nước trong vấn đề thuế. Đây là lý do các cơ quan chức năng tìm cách quản lý chặt chẽ loại hình này để đảm bảo người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng vẫn đảm bảo môi trường cạnh tranh cho các doanh nghiệp vận tải và chống thất thu thuế.

Cả Uber và Grab cùng ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối dịch vụ vận tải, nhưng mới đây Bộ GTVT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cho Grab thí điểm vận tải khách theo hợp đồng điện tử trong 2 năm, tại 5 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hòa. Theo nội dung đề án, Công ty TNHH GrabTaxi sẽ thường xuyên báo cáo danh sách đơn vị và các xe sử dụng phần mềm kết nối, từ đó giúp các cơ quan chức năng giám sát nghĩa vụ thuế và trách nhiệm đối với hành khách. Còn với Uber, Bộ GTVT yêu cầu chỉ được ký hợp đồng với đơn vị vận tải có giấy phép, đủ điều kiện kinh doanh vận tải theo đúng quy định, cũng như yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải đã và sẽ ký hợp đồng với Uber phải đáp ứng đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải, nếu vi phạm sẽ bị xử lý.

Vậy đề án thí điểm kết nối thông tin lại do một đơn vị cụ thể là Grab triển khai có hay không sự độc quyền trong sân chơi này? Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, việc chọn Grab là do đến nay mới có Grab đề xuất làm. Đây là vấn đề mới, phức tạp, việc thí điểm sẽ được triển khai thận trọng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng. Mục đích là sau thí điểm sẽ tạo ra một hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp kết nối dịch vụ vận tải hoạt động, tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp vận tải, đảm bảo người dân được hưởng dịch vụ giá rẻ, Nhà nước thu được thuế. Trong thời gian thực hiện thí điểm, nếu các đơn vị khác cũng đưa ra phần mềm quản lý tốt bằng hoặc hơn Grab, Bộ GTVT hoàn toàn ủng hộ.

Không phải taxi trá hình

Mới đây Hiệp hội Vận tải Hà Nội có kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu tạm dừng hoạt động của Grab và Uber khi cho rằng loại hình này là taxi trá hình, cạnh tranh thiếu lành mạnh và đang dần “bóp chết” taxi truyền thống.

Trả lời về vấn đề này, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho rằng, ứng dụng CNTT trong kinh doanh taxi là xu thế mới, vấn đề đặt ra là cần tìm ra một hành lang pháp lý để loại hình mới hoạt động chứ không phải không quản được thì cấm. Không chỉ Grab hay Uber mà bất cứ doanh nghiệp nào đó có phần mềm ưu việt hơn thì sẽ tạo ra sự cạnh tranh, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nào mà có phần mềm nào ứng dụng hiệu quả hơn thì người tiêu dùng sẽ lựa chọn, điều đó phù hợp với quy luật của thị trường. Xu thế này sẽ kéo mô hình taxi truyền thống phải có sự chuyển đổi.

Về Grab và Uber có phải taxi trá hình hay không, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, theo quy định, taxi phải có đèn lắp trên nóc, đồng hồ tính tiền, có biển hiệu bề ngoài, có màu sơn và biểu trưng riêng còn xe hợp đồng không cần. Bề ngoài không giống nhau thì không thể trá hình được. Về bản chất bên trong, theo Luật GTĐB, kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi phải có hành trình và tính tiền theo đồng hồ còn hình thức kinh doanh theo hợp đồng thì theo hợp đồng vận tải. Do đó, không có sự nhầm tưởng và có sự trá hình được.

Về việc Grab và Uber tự xây dựng giá có vi phạm các quy định về quản lý giá của Nhà nước hay không, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng, cần có sự phân biệt rõ xe taxi và xe hợp đồng. Đi taxi, khách đã lên xe không có quyền mặc cả, hành khách phải trả theo mức cước đã kê khai trước đó và niêm yết. Xe hợp đồng không kê khai giá mà do thỏa thuận. Khi đã không kê khai giá, các doanh nghiệp vận tải được tự điều chỉnh giá theo ngày, theo mùa, họ chỉ thông qua phần mềm của Grab để thể hiện giá đó chứ Grab không có quyền tăng, giảm giá.

Các tin khác