Gateway - Dự án kinh doanh sao Nhà nước can thiệp?

Việc thu hồi đất tại dự án Khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (dự án Gateway) do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư, thời gian qua đã vấp phải khiếu nại, khiếu kiện liên tục của người dân. Kéo dài hơn 6 năm, cho đến nay dù mọi việc đã ngã ngũ nhưng người dân trong vùng dự án vẫn không chấp nhận giá đền bù vì quá thấp.

Việc thu hồi đất tại dự án Khu liên hợp cao ốc trung tâm thương mại - văn phòng và căn hộ (dự án Gateway) do Công ty Sơn Kim làm chủ đầu tư, thời gian qua đã vấp phải khiếu nại, khiếu kiện liên tục của người dân. Kéo dài hơn 6 năm, cho đến nay dù mọi việc đã ngã ngũ nhưng người dân trong vùng dự án vẫn không chấp nhận giá đền bù vì quá thấp.

Chưa hiệp thương đã cưỡng chế

Về pháp lý, dự án Gateway (phường Thảo Điền, quận 2, TPHCM) đã được UBND TP chấp thuận cho Công ty Sơn Kim đầu tư tại Văn bản 199/UBND-ĐTMT ngày 15-1-2009; Sở Quy hoạch-Kiến trúc thỏa thuận thông tin quy hoạch kiến trúc tại Công văn 4464/SQHKT-QHKT; Sở Xây dựng cũng đã phê duyệt tại Quyết định 147/QĐ-SXD ngày 1-9-2009. Theo đó, dự án được phê duyệt xây dựng trên khu đất có diện tích 10.943m2. Công ty Sơn Kim tự thỏa thuận bồi thường đất cho các hộ dân, riêng 675m2 đất của hộ bà Nguyễn Thị Trường và 8 người con tại địa chỉ 175 Xa lộ Hà Nội, phường Thảo Điền, quận 2 công ty không tự thỏa thuận chuyển nhượng mà UBND quận 2 đứng ra thu hồi.

Theo phản ảnh của ông Trần Hữu Phú (chủ nhà số 175 Xa lộ Hà Nội), kể từ khi chính quyền chấp thuận cho Công ty Sơn Kim thực hiện dự án Gateway, chủ đầu tư không tiến hành thỏa thuận bồi thường, chuyển nhượng đất và công trình hiện hữu trên đất với người dân nằm trong vùng dự án theo quy định. "Trong khi chúng tôi đang chờ Sơn Kim đến thỏa thuận đền bù, thì năm 2010 UBND quận 2 lại ban hành các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Cho rằng đây là dự án kinh doanh BĐS thông thường, không thuộc diện Nhà nước thu hồi đất và áp giá bồi thường quá thấp, nên chúng tôi đã không đồng tình và khiếu nại. Phía UBND quận 2 vẫn khẳng định đây là dự án thuộc diện Nhà nước thu hồi đất, bác đơn khiếu nại, đồng thời tiến hành cưỡng chế giao đất cho chủ đầu tư" - ông Phú nói.

Quá bức xúc, 9 hộ dân đã khởi kiện UBND quận 2 ra tòa liên quan đến Quyết định 13672/QĐ-UBND-TNMT về việc thu hồi phần đất 675m2 nói trên. Tại phiên tòa, Tòa án Nhân dân quận 2 cho rằng việc UBND quận 2 ban hành các quyết định thu hồi đất, quyết định giải quyết khiếu nại và quyết định bổ sung quyết định thu hồi đất, chưa dựa trên cơ sở hiệp thương giữa những người sử dụng đất và chủ đầu tư là chưa phù hợp với các quy định của Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Nghị định 69/NĐ-CP của Chính phủ. Vì vậy, Tòa án Nhân dân quận 2 đề nghị Chủ tịch UBND quận 2 rà soát lại toàn bộ quy trình thu hồi đất và thu hồi lại các quyết định chưa phù hợp pháp luật. 

Chủ đầu tư phải xin lỗi dân

Tuy nhiên, UBND quận 2 vẫn khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình và không sớm giải quyết dứt điểm khiếu nại. Chính vì vậy, 9 hộ dân tiếp tục phản ánh sự việc lên các cơ quan Trung ương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND TP kiểm tra nội dung khiếu nại của các hộ dân bị thu hồi đất. Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đã thẩm tra xác minh vụ việc và kết luận tại Công văn 4585/BTNMT-TTr: “Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 khu dân cư Bắc xa lộ Hà Nội chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt (mới có nhiệm vụ quy hoạch được phê duyệt). Do vậy, dự án Gateway không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Khoản 2, Điều 34, Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Việc UBND quận 2 căn cứ vào khoản 2 Điều 34 Nghị định 84 để thu hồi 675m2 đất của bà Trường và 8 người con là chưa phù hợp”. Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND TP chỉ đạo quận 2 thu hồi Quyết định 13672/QĐ-UBND-TNMT. Đồng thời, Công ty Sơn Kim phải thỏa thuận bồi thường phần diện tích 675m2 đất nói trên.

Ngày 26-10 vừa qua, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh đã tiếp gia đình bà Nguyễn Thị Trường và đã có kết luận. Căn cứ kết luận của Tổng Thanh tra Chính phủ, UBND TP đã giao Thanh tra TP khẩn trương phối hợp với Cục III-Thanh tra Chính phủ và Sở Tài nguyên-Môi trường, Sở Xây dựng, Công an TP kiểm tra, làm rõ cơ sở pháp lý, trình tự thủ tục, chủ trương cho phép áp dụng biện pháp cưỡng chế, tổ chức thực hiện cưỡng chế thu hồi phần đất 675m2 đất thuộc dự án do Công ty Sơn Kim đầu tư (dự án có vốn ngoài ngân sách) khi chưa thực hiện xong việc thương lượng bồi thường thiệt hại. Theo đó, TP chỉ đạo quận 2 nghiêm túc rút kinh nghiệm về quy trình thủ tục, công khai dân chủ, tổ chức thương lượng bồi thường phần đất 675m2 đất. Yêu cầu chủ đầu tư chính thức xin lỗi gia đình bà Trường và tiếp tục thương lượng thỏa thuận bồi thường phần đất 675m2. Trường hợp 2 bên không thống nhất về giá, có thể chọn công ty tư vấn độc lập. Chủ đầu tư cân đối hiệu quả kinh doanh để quyết định mức hỗ trợ thêm phù hợp với mục tiêu của dự án.

Dự án Geteway vẫn còn trong tình trạng tranh chấp. Ảnh: M.TUẤN
Dự  án Geteway vẫn còn trong tình trạng tranh chấp. Ảnh: M.TUẤN

Tuy nhiên, ông Phú cho biết đến nay gia đình ông vẫn chưa nhận được lời xin lỗi nào từ phía công ty. Mặc dù các cơ quan Bộ Tài nguyên-Môi trường, Thanh tra Chính phủ đều cho rằng việc thu hồi, cưỡng chế nhà đất của gia đình ông Phú là chưa đúng quy định, nhưng việc sửa sai và khắc phục hậu quả vẫn chưa được tiến hành. “Đất của gia đình tôi có chủ quyền hẳn hoi, nhưng khi chưa thương lượng bồi thường họ đã ngang nhiên rào chắn để thi công. Xét về giá đền bù, đất trong khu vực này hiện có giá thị trường khoảng gần 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó giá bồi thường UBND quận 2 áp cho chúng tôi quá thấp, chỉ khoảng 5 triệu đồng/m2 (tương đương 3,4 tỷ đồng) rồi đề nghị chủ đầu tư hỗ trợ thêm. Hiện công ty đang đề nghị số tiền đền bù mới nhất là 10,1 tỷ đồng (15 triệu đồng/m2) nhưng chúng tôi chưa chấp nhận” - ông Phú bức xúc nói.

Các tin khác