Nguy cơ mắc bệnh từ đồ "si-đa"

Thời tiết trở lạnh, nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông ngày càng tăng. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người đã chọn mua các loại quần áo cũ hay còn gọi là hàng thùng, hàng si-đa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sử dụng “hàng thùng” có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm hàng loạt bệnh như phụ khoa, viêm da tiếp xúc, nấm tổ đỉa, thậm chí là các bệnh về máu…

Thời tiết trở lạnh, nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông ngày càng tăng. Để tiết kiệm chi phí, nhiều người đã chọn mua các loại quần áo cũ hay còn gọi là hàng thùng, hàng si-đa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sử dụng “hàng thùng” có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm hàng loạt bệnh như phụ khoa, viêm da tiếp xúc, nấm tổ đỉa, thậm chí là các bệnh về máu…

Vô tư bán mua

Dạo một vòng trên các con phố của Hà Nội, hàng thùng có ở khắp nơi, từ trong shop cho đến đổ đống vỉa hè. Hàng thùng được biết đến nhiều nhất ở khu chợ Đông Tác (Kim Liên), cửa hàng vỉa hè Nghĩa Tân, chợ giày dép Nguyễn Khánh Toàn...

Một shop “hàng thùng” trên phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội). 

Một shop “hàng thùng” trên phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội).

Tìm đến khu chợ Đông Tác - nơi được ví như thiên đường mua sắm của các "tín đồ" hàng thùng, chúng tôi không khỏi giật mình vì sự... phong phú của hàng hóa nơi đây. Tại chợ này, khách hàng có thể lựa chọn đủ thứ, từ giày dép, quần áo, khăn tay, mũ, kính... thậm chí là đồ lót với giá rẻ như cho.

Những mẫu áo đẹp thường được treo trên giá gỗ. Các loại hàng cũ hoặc có lỗi được chủ hàng đổ thành đống lớn giữa nhà. Khách tha hồ lật, bới, tìm món hàng mình ưng mắt. Một cửa hàng ở đầu chợ vừa bày kiện hàng mới ra, cả chục người đã nhốn nháo tìm đến mua. Nhiều người cởi bỏ giày dép "bơi" vào giữa đống quần áo. Có người vội, ngại nên không kịp cởi giày, cứ thế lao vào chọn hàng. Bụi bẩn, mùi hôi theo đó bốc lên khắp chợ.

Theo khảo sát của chúng tôi, mỗi loại hàng có giá bán khác nhau. Tại chợ Đông Tác, nếu bán buôn theo kiện, chủ hàng đòi 4-7 triệu đồng cho mỗi loại quần, áo. Quần áo mùa đông như áo dạ, áo phao, áo len, có giá khoảng 100 nghìn đồng trở lên. Giá các loại khăn, mũ khoảng từ 20 nghìn đồng.

Có giá rẻ hơn rất nhiều so với chợ Đông Tác, hàng thùng tại khu vực Công viên Nghĩa Đô cũng là điểm đến của rất nhiều khách hàng. Cửa hàng này chỉ chuyên bán quần áo và một ít giày dép cũ. Mỗi loại sản phẩm chỉ có giá 10-20 nghìn đồng. Hàng tại đây đổ thành từng đống lớn, khăn riêng, áo dạ, áo len riêng. Hàng tràn từ trong nhà ra vỉa hè. Chủ nhà chỉ dùng một tấm bạt lớn trải trên vỉa hè rồi đổ hàng lên, vãn khách, họ lại vội vã gói tấm bạt lại, thu dọn hàng.

Trong vai một người mua hàng thùng về buôn, chúng tôi tiếp cận với một chủ cửa hàng tên Hoa ở khu tập thể Khương Thượng, Đông Tác. Cửa hàng của nhà chị Hoa chật kín các kiện quần áo xếp chồng lên nhau. Trong nhà đậm đặc mùi ẩm mốc, hôi hám. Chân trần trèo vào đống quần áo bóc kiện để phân loại hàng, chị Hoa nói: "Người ta bảo hàng lấy từ bên Hàn cho dễ bán, chứ thật ra toàn bộ hàng ở chợ này đều được nhập từ hai nguồn chính là Campuchia và Trung Quốc. Tôi phải sang tận cửa khẩu nhập hàng về".

Theo chị Hoa, chỉ những quần áo nào nhìn còn mới chị mới nhập về. Vì vậy, khi bán cho khách, chủ hàng chỉ việc bóc kiện và bày hàng, phân loại không cần giặt, tẩy.

Trong khi đó, chị Liên, một chủ cửa hàng trên phố Trần Đại Nghĩa phân tích: Phải tùy vào việc mình muốn bán hàng ở đâu mới xử lý hàng. Nếu đặt ở shop, phải giặt là qua loa cho phẳng phiu, đóng mác, xịt nước hoa, ngâm nước xả cho thơm tho. Nếu bán hàng ngoài chợ, bán hàng đổ đống, chỉ việc bóc trong kiện ra bán. Chị Liên tư vấn: "Bọn em đừng tưởng bán hàng đổ đống, giặt thơm tho là khách sẽ thích. Người ta mua hàng thùng thì phải có mùi hàng thùng. Giặt, xả người ta nghĩ là quần áo mình lấy của mình ra bán. Người ta không thích đâu".

Nguy cơ bệnh tật

Tới chợ hàng thùng, chỉ hít thở bầu không khí ngột ngạt cũng khiến những người có mặt ở đây phải choáng đầu, váng óc. Chị Trần Thị Tiên (Minh Khai, Bắc Từ Liêm) lần đầu tiên đến chợ Đông Tác đã "ngây ngất" vì mùi khó chịu bốc ra từ khắp khu chợ. Hắt hơi liên tục và cảm thấy váng đầu, chị Tiên quay về dù chưa mua được gì.

Điều khiến nhiều người lạ lẫm khi bước chân vào khu chợ Đông Tác là bán hàng cho khách nhưng nhiều chủ cửa hàng vẫn đeo khẩu trang. Chủ một cửa hàng tại chợ Đông Tác phân trần: "Suốt ngày phải ngồi ngửi mấy thứ quần áo cũ mốc này phát mệt, nhất là mùa hè, nhiều hôm không thở nổi. Không đeo khẩu trang bán hàng chắc ngất. Kiếm được đồng tiền đâu có dễ. Nhà tôi gần chợ thì phải đi buôn thôi, không biết lúc nào bệnh phát ra nữa".

Không chỉ mùi ẩm mốc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, khi sử dụng hàng thùng không rõ nguồn gốc, nhiều khách hàng còn phải đối mặt với các căn bệnh như nấm, viêm da... Thậm chí, nhiều chị em còn bị bệnh phụ khoa vì dùng quần hay đồ lót là hàng thùng.

Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Nguyễn Thị T. (22 tuổi, Thái Bình) mặt rầu rầu chờ để được tư vấn điều trị phụ khoa. Từ khi lên Hà Nội học, chị T. đã được người bạn cùng phòng dẫn đi mua quần áo hàng thùng. Từ đấy trở đi, hàng thùng luôn là lựa chọn của chị T. mỗi lần có nhu cầu mua sắm. Thời gian gần đây, chị T. thấy sức khỏe có vấn đề nên quyết định đi khám. Các bác sĩ kết luận chị T. bị bệnh phụ khoa rất nặng, cần phải điều trị kịp thời.

Đáng sợ hơn, các chủ hàng thường chọn loại hàng còn tốt, xịn đưa vào các cửa hàng hiệu. Chủ hàng xử lý qua các công đoạn như tẩy, nhuộm, hấp lại cho mới, dùng thuốc làm cứng vải... Họ đóng mác cho hàng này để bán với giá đắt, có chiếc vài trăm nghìn đến vài triệu đồng. Khách hàng vẫn đinh ninh đây là đồ mới nên chỉ giặt qua, ít chú ý đến việc sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ các mầm bệnh.

Các chuyên gia y tế cảnh báo, những năm gần đây, dịch Ebola lây lan trên diện rộng. Đây là loại bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với quần áo người bệnh. Vào thời điểm nhạy cảm này, người dân nên tự biết cách phòng tránh và bảo vệ bản thân. Việc dùng các đồ quần áo, giày dép được nhập khẩu từ nước ngoài, không bảo đảm rõ được nguồn gốc, xuất xứ từ đất nước nào, có phải quần áo của người bị bệnh hay không rất nguy hiểm. Ngoài ra, một số trường hợp áo quần cũ có nguy cơ truyền nhiễm các bệnh về máu...

PGS. TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương cho rằng, hiện nay, rất nhiều người nghèo không có điều kiện sử dụng các loại hàng cao cấp nên thường dùng hàng thùng dẫn đến dị ứng. Thậm chí, nhiều người mắc bệnh về da do lây lan từ quần áo như ghẻ, nấm, viêm da tiếp xúc, phụ khoa... Theo ông Thường, các quần áo cũ thường chứa các vi khuẩn do không được giặt tẩy đúng quy định và bị đóng gói lâu ngày. Nếu chủ nhân trước của những bộ quần áo hàng thùng này mắc bệnh về da liễu thì rất dễ lây lan cho người mặc lại chúng. PGS Thường cho biết: "Hiện nay, tại Bệnh viện Da liễu TƯ chưa có thống kê số bệnh nhân mắc bệnh do sử dụng các loại quần áo cũ không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, chắc chắn có nhiều bệnh nhân điều trị tại viện bị bệnh do sử dụng các loại hàng hóa này".

PGS Thường khuyến cáo, tốt nhất, mọi người không nên sử dụng các loại quần áo, giày dép cũ không rõ nguồn gốc. Nếu dùng, trước khi mặc, người sử dụng nên tiệt trùng đúng cách để tránh các nguy cơ mắc bệnh từ quần áo cũ. Nên giặt quần áo hàng thùng bằng xà phòng, sử dụng chất tẩy rửa để loại bỏ ký sinh trùng.

Các tin khác