TPP từ góc nhìn tài chính, ngân hàng

Theo TS. Cấn Văn Lực, mỗi TCTD, NHTM tại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP.

Theo TS. Cấn Văn Lực, mỗi TCTD, NHTM tại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch cụ thể để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP.

 

Gia nhập TPP sẽ tạo nền tảng cho hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế của Việt Nam. Đối với lĩnh vực tài chính, NH và bảo hiểm, Hiệp định dành hai chương “Đầu tư” và “Dịch vụ tài chính” quy định việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy sự ổn định tài chính và sự toàn vẹn của hệ thống tài chính. Nhưng liệu có toàn là “màu hồng” khi hội nhập luôn đi cùng cơ hội và thách thức?

Trước hết, đề cập tới cái “được” của hệ thống tài chính, NH khi Việt Nam gia nhập TPP, theo TS. Cấn Văn Lực, hàm Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV, hiện chưa ai có thể lượng hoá về mức độ thiệt - hơn của từng ngành, từng lĩnh vực khi gia nhập TPP bởi chưa có hiệu lực dù lâu nay Việt Nam đã hội nhập ở một mức nhất định.

Chưa thể lượng hoá được thiệt - hơn

Ông Lực cho rằng, có 5 điểm lớn mà hệ thống tài chính, NH của Việt Nam được hưởng lợi từ TPP.

Thứ nhất, điều dễ nhận thấy đó là tăng khả năng huy động vốn quốc tế.

Thứ hai, tăng thương mại của Việt Nam và các nước trong khối TPP, qua đó tăng dịch vụ NH đi kèm như: cho vay, thu đổi ngoại tệ, thanh toán quốc tế…

Thứ ba, các NH có cơ hội tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược trong khối TPP.

Thứ tư, tạo điều kiện hệ thống NH tuyển dụng, tìm kiếm nhân sự cấp cao cho đơn vị mình.

Và điểm thứ năm, theo TS. Lực là khả năng đổ bộ của những sản phẩm, dịch vụ mới mà những NH trong khối TPP mang vào thị trường Việt Nam, làm tăng khả năng phát triển, đa dạng hoá thị trường tài chính ở Việt Nam.

Sân chơi hội nhập là sân chơi của sự cạnh tranh để phát triển. Theo ông Lực, cơ hội có nhưng thách thức lớn khi đứng chung sân với nhiều định chế tài chính trên toàn cầu cũng không nhỏ. Đó là việc TPP cho phép các NH, các định chế tài chính nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ xuyên biên giới không cần hiện diện.

Việc này sẽ tạo ra áp lực cạnh tranh rất lớn giữa các NH trong và ngoài nước. Không chỉ vậy, nó còn tạo ra áp lực về đổi mới, cải cách, đặc biệt cải cách về mặt thể chế ở trong nước.

“Việc này kéo theo một áp lực nữa lên cơ quan quản lý. NHNN phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát đối với hệ thống tài chính khu vực như việc: Dịch vụ xuyên biên giới sẽ cấp phép, quản lý ra sao, giám sát thế nào? Buộc cơ quan quản lý phải có biện pháp để củng cố, nâng tầm năng lực quản trị đáp ứng đòi hỏi thực tiễn”, ông Lực chia sẻ thêm.

Một vấn đề nữa cần nhắc tới, đó là việc TPP yêu cầu mỗi một quốc gia trong khối cử đại diện tham gia Uỷ ban dịch vụ tài chính. Việt Nam cũng sẽ phải có sự chuẩn bị về nhân sự để đáp ứng được yêu cầu này. Với hệ thống NH, nếu tự thân mỗi NH không hoạt động tốt, sẽ dẫn tới khả năng bị mua lại, dù việc này đương nhiên vẫn sẽ nằm trong giới hạn cho phép của NHNN.

Lãnh đạo một NHTMCP cho rằng, một thách thức không nhỏ hệ thống NH tại Việt Nam phải đối mặt đó là liên quan tới chảy máu chất xám, cạnh tranh về lao động, nguồn nhân sự có chất lượng. “Khi nước ngoài vào quản lý thì không thể làm theo cung cách cũ được. Mà trong đó những người không đủ tiêu chuẩn chắc chắn sẽ bị đào thải”, vị này chia sẻ.

Biết mình, biết người

Với các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, việc tiếp cận dịch vụ tài chính, NH tuy đã có những tiến bộ nhưng vẫn còn thấp so với một số nước trong khu vực và trên thế giới. Độ mở cửa của thị trường dịch vụ tài chính Việt Nam vẫn còn hạn chế, chưa phát triển hoàn chỉnh hoặc mới chỉ manh nha hình thành.

Lãnh đạo VPBank cho rằng, thương mại dịch vụ ngày càng trở nên quan trọng. Các quốc gia chia sẻ mối quan tâm này với nhau, từ đó đạt được những thống nhất về tự do hoá thương mại dịch vụ, trong đó có lĩnh vực dịch vụ tài chính, NH. Xét tầm nhìn chung, TPP phù hợp với định hướng cải cách DNNN cũng như cải cách, đổi mới kinh tế thị trường tại Việt Nam.

Do vậy, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng cải cách mạnh mẽ DNNN. Cùng với đó chúng ta cần thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế; hoàn thiện thể chế về pháp luật kinh doanh…

Theo TS. Cấn Văn Lực, mỗi TCTD, NHTM tại Việt Nam nên chủ động nghiên cứu, xây dựng kịch bản, kế hoạch hành động với chương trình cụ thể để chuẩn bị cho việc gia nhập TPP. Thêm vào đó, cần tăng cường đầu tư vào con người, liên quan tới các vấn đề như: tuyển dụng, đào tạo, các chính sách đãi ngộ… TPP có thể tạo ra rủi ro với thị trường tài chính NH Việt, liên quan tới mức độ biến động thị trường tài chính.

Đơn cử như vấn đề tỷ giá. Khi các nước trong TPP cũng có cam kết đồng thuận sơ bộ là không phá giá đồng tiền, đẩy mạnh xuất khẩu. Về phía cơ quan quản lý, NHNN cũng sẽ phải nâng cao hơn nữa trong minh bạch hoá thông tin và điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá.

Một khía cạnh khác, sự tham gia của các định chế tài chính nước ngoài sẽ giúp ích hệ thống NH Việt Nam trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Những kinh nghiệm quý báu của quốc tế về quản lý rủi ro, hội nhập quốc tế, công tác tổ chức cán bộ… sẽ giúp rất nhiều cho việc lành mạnh hoá hệ thống tài chính, NH Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Lực chia sẻ thêm: Những NH nước ngoài tham gia hệ thống tài chính của Việt Nam từ những năm 1990 gần như đến nay không có NH nào bị phá sản và rơi vào tình trạng nợ xấu cao, bởi họ quản lý rủi ro rất tốt. Nên với hệ thống tài chính, NH tại Việt Nam, điều quan trọng là phải nhìn lại mình đang ở đâu, để biết được mình cần làm gì, từ đó mới có được những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm đạt mục tiêu phát triển trong tương lai, dần đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi khắt khe của tiến trình hội nhập.

Các tin khác