Cây mắc ca (B2): Tạo lực đẩy chuyển dịch cơ cấu

Với những tiềm năng to lớn, thiên nhiên thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam có đầy đủ “điều kiện cần” để vươn mình trở thành một “thế lực” nông nghiệp trong khu vực cũng như thế giới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia trực tiếp, cộng với định hướng và sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng sẽ là những “điều kiện đủ” để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn.

Với những tiềm năng to lớn, thiên nhiên thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam có đầy đủ “điều kiện cần” để vươn mình trở thành một “thế lực” nông nghiệp trong khu vực cũng như thế giới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị tham gia trực tiếp, cộng với định hướng và sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chức năng sẽ là những “điều kiện đủ” để ngành nông nghiệp Việt Nam vươn xa hơn.

Chiến lược đầu ra tiêu thụ sản phẩm

Nhà nước xem xét xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng trong nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để nông dân, DN đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tốt. Trong đó có vốn tín dụng đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư cơ giới máy móc tự động hóa, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả.

Đầu ra tiêu thụ sản phẩm đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị cho các ngành nông nghiệp nói chung và mắc ca nói riêng. Nhằm mục tiêu phát triển chuỗi giá trị mắc ca bền vững, chiến lược đầu ra tiêu thụ sản phẩm cũng được xây dựng theo hướng bền vững. Việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra có bền vững hay không phụ thuộc các yếu tố sau: (i) lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa; (ii) làm chủ công nghệ chế biến sâu, giữ được giá trị lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu; (iii) sự tham gia của doanh nghiệp (DN) nội địa có tiềm lực tài chính và quản trị;(iv) chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Khi lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa lớn và ổn định, sẽ giảm bớt áp lực xuất khẩu. Để tăng lượng cầu sản phẩm của thị trường nội địa, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng kết nối người tiêu dùng với DN sản xuất của hiệp hội. Him Lam đã và đang có những định hướng chiến lược cho các kế hoạch truyền thông ngắn hạn và dài hạn để thông tin đến thị trường về sản phẩm mắc ca do Việt Nam sản xuất. Đồng thời sẽ là thành viên tích cực trong Hiệp hội Mắc ca Việt Nam trong tương lai, góp phần tăng sức cầu nội địa, ổn định đầu ra cho người sản xuất.

Việc nắm giữ được lượng lớn giá trị trong chuỗi giá trị các ngành cây trồng công - nông nghiệp là định hướng của Chính phủ. Tuy nhiên ít ngành cây trồng công - nông nghiệp nào tại Việt Nam làm được. Một trong những nguyên nhân là DN không làm chủ về công nghệ, đặc biệt công nghệ chế biến sâu sản phẩm. Hầu hết chỉ làm gia công các sản phẩm thô, giá trị gia tăng ít do tận dụng lợi thế nhân công rẻ. Hiện nay Him Lam đang trong quá trình nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy hiện đại, có công suất lớn và sản xuất các sản phẩm đáp ứng tốt các thị trường tiêu thụ khắt khe nhất (châu Âu, Nhật Bản…). Định hướng sản phẩm của nhà máy là chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao sẽ giúp phát triển thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm bền vững và nâng tầm vị thế mắc ca Việt Nam trên thị trường thế giới.

DN FDI với tiềm lực tài chính mạnh mẽ đang lấn át DN nội địa. Điển hình như khối DN FDI trong ngành cà phê, đã chiếm phần lớn kim ngạch xuất khẩu cà phê của ngành, nhờ lợi thế về vốn và thị trường. Hiện tượng thao túng thị trường, chiếm lĩnh nguồn nguyên liệu của DN FDI đang là nỗi lo của DN nội địa cũng như chính quyền địa phương, nơi có nguồn nguyên liệu dồi dào. Để hạn chế tình trạng này diễn ra trong ngành mắc ca, cần có sự tham gia của DN nội địa có tiềm lực tài chính và quản trị làm vai trò dẫn dắt thị trường, từ khâu tổ chức mạng lưới thu mua, sơ chế bảo quản sau thu hoạch, đến việc xây dựng nhà máy chế biến tại các vùng nguyên liệu. Các DN này có thể tận dụng được lợi thế cạnh tranh của môi trường kinh doanh nội địa, hạn chế sự lấn át của DN FDI. Him Lam có nhiều điều kiện để trở thành DN lớn trong ngành mắc ca, làm đối trọng với DN FDI tương lai trong ngành mắc ca tại Việt Nam.

Truyền thông và định hướng thị trường

Để truyền thông đến nông dân, cũng như thị trường nội địa hiểu biết về ngành hàng non trẻ như mắc ca, cần phải thành lập hiệp hội làm cơ quan kết nối các nguồn lực, xây dựng các chiến lược định hướng phát triển chung cho toàn ngành. Tổ chức này sẽ cung cấp thông tin cho các đối tượng có liên quan, giúp thị trường phát triển theo định hướng của Chính phủ. Him Lam và Ngân hàng TMCP Bưu Điện Liên Việt đang phối hợp để vận động các thành viên tham gia thành lập Hiệp hội Mắc ca Việt Nam. Việc này sẽ đem lại nhiều giá trị thiết thực cho các đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng mắc ca. Theo đó, Hiệp hội Mắc ca sẽ (i) làm vai trò cầu nối giữa Nhà nước - nhà nông - nhà khoa học - DN; (ii) tích cực thực hiện xúc tiến thương mại, tạo các kênh xuất khẩu, giúp DN trong nước tham gia ngành dễ dàng; (iii) kiến nghị các chính sách phù hợp để hỗ trợ phát triển ngành mắc ca, từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, xuất khẩu.

Để định hướng được thị trường và nông dân, chính sách nhà nước đóng vai trò chủ đạo và cần được quan tâm đúng mức. Theo đó, cần có chính sách mang tính khuyến khích (hoặc hạn chế) đối với thị trường, cả trong giai đoạn sản xuất lẫn tiêu thụ. Đối với sản xuất, cần có chính sách khuyến khích trồng và phát triển vùng nguyên liệu, cũng như các chính sách hỗ trợ về vốn và kỹ thuật cho nông dân tham gia trồng mắc ca. Đối với khâu tiêu thụ, cần có chính sách khuyến khích thu hút DN xây dựng các nhà máy chế biến công nghệ cao, có khả năng sản xuất được các sản phẩm sau cùng có giá trị gia tăng cao. Các nhà máy chế biến không chỉ tận dụng được lợi thế về chi phí nhân công thấp tại Việt Nam, mà còn phải có hàm lượng công nghệ cao, có giá trị lớn trong chuỗi giá trị. Qua đó, thúc đẩy mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, giúp kiểm soát tốt chất lượng các sản phẩm nông nghiệp và tận dụng được lợi thế kinh tế theo quy mô.

Việc quy hoạch vùng trồng nguyên liệu cần chú ý đến năng lực cạnh tranh của từng địa phương. Trên cơ sở đó, tạo các mối liên kết vùng trong việc phát triển các loại cây trồng, phát huy sức mạnh của từng địa phương và liên kết vùng tái cơ cấu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Bên cạnh đó cần điều chỉnh về chính sách đất đai. Cụ thể, thực hiện có hiệu quả chính sách dồn điền đổi thửa. Các nghiên cứu cho thấy diện tích ruộng đất bình quân ở Việt Nam chỉ 0,6ha/hộ, vào loại thấp nhất thế giới. Tình trạng này dẫn đến sản xuất nhỏ lẻ, năng suất không cao, không hiệu quả. Chính sách dồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai nhỏ lẻ, tạo điều kiện tích tụ ruộng đất gắn với dịch chuyển cơ cấu lao động tại nông thôn. Cần phát huy thành công của chương trình “cánh đồng mẫu lớn” và có cơ chế hỗ trợ, chính sách quy hoạch vùng trồng nhằm thu hút DN đầu tư trồng với quy mô lớn.

Vai trò cơ chế, chính sách

Công nghệ cao là phương thức để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản hàng hóa, khi các động lực khác cho phát triển như đất đai, lao động đều bị giới hạn. Giải pháp là kết hợp với DN tham gia ngành để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ trong nông nghiệp; tích cực chuyển giao công nghệ, đào tạo và dạy nghề cho nông dân nhằm phát huy tài nguyên con người và áp dụng khoa học - công nghệ có hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập mở rộng, Nhà nước cần xem xét các chính sách bảo hộ hợp lý đối vối nông sản trên cơ sở tuân thủ các quy định của WTO và TPP. Chính sách hỗ trợ cần tập trung hỗ trợ DN trong nước nâng cao lợi thế cạnh tranh và trợ cấp xuất khẩu thông qua các chính sách về vốn và đất đai. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ xây dựng quan hệ sản xuất mới cho ngành mắc ca thông qua cơ chế hiệp hội và tham tán thương mại.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành mắc ca.

Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành mắc ca.

Để nông dân thật sự an cư, nên lập các đề án xây dựng, phát triển các đô thị ngay bên trong nông thôn để tạo điều kiện cho nông dân tăng thu nhập và có động lực theo nghề truyền thống và sống được với nó. Để làm được điều đó, Nhà nước cần hỗ trợ chính sách đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng nhà máy ở nông thôn, đào tạo dạy nghề và thu hút lao động tại chỗ. Việc này vừa giúp tăng thu nhập cho cư dân ở nông thôn, vừa giúp giảm áp lực dân di cư tự phát vào thành thị.

Giải quyết tốt các vấn đề nêu trên, không những Việt Nam sẽ có được ngành mắc ca phát triển bền vững, mà còn giúp tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành công, thông qua đa dạng hóa cây trồng và chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ những cây trồng cho hiệu quả thấp, sang cây trồng có hiệu quả cao. Điều đó sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung nền kinh tế đất nước.

Các tin khác