Phía sau lợi nhuận khả quan

Tưởng rằng các NH sẽ có một năm khó khăn bởi sự “tàn phá” của nợ xấu, nhưng báo cáo tài chính quý III-2015 của các NH cho thấy phần lớn kết quả kinh doanh đạt được rất khả quan. Một điều đáng ngạc nhiên là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tài chính của một số NH chỉ tăng nhẹ, thậm chí có nhà băng giảm dù đây là năm phải tăng cường trích lập dự phòng theo các quy định khắt khe hơn của NHNN.

Tưởng rằng các NH sẽ có một năm khó khăn bởi sự “tàn phá” của nợ xấu, nhưng báo cáo tài chính quý III-2015 của các NH cho thấy phần lớn kết quả kinh doanh đạt được rất khả quan. Một điều đáng ngạc nhiên là chi phí trích lập dự phòng rủi ro tài chính của một số NH chỉ tăng nhẹ, thậm chí có nhà băng giảm dù đây là năm phải tăng cường trích lập dự phòng theo các quy định khắt khe hơn của NHNN.

Kết quả kinh doanh ấn tượng

Cho đến nay phần lớn NH đã công bố báo cáo tài chính quý III-2015. NH có lợi nhuận cao nhất là BIDV với con số sau thuế đạt 4.480 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Hiện BIDV là NH lớn thứ 2 sau Agribank về quy mô tổng tài sản, sau khi sáp nhập MHB vào quý II vừa qua. Vốn điều lệ của BIDV hiện 34.274 tỷ đồng và tổng tài sản 786.161 tỷ đồng. Điểm đáng lưu ý trong kết quả kinh doanh của BIDV là việc thua lỗ khá lớn trong hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư, mua bán chứng khoán kinh doanh và kinh doanh ngoại hối với tổng số lỗ 458 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của BIDV chỉ có 3.959 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sau khi sáp nhập một NH được xem là yếu kém hơn, nhưng chi phí trích lập dự phòng nợ xấu của BIDV lại không tăng.

Cùng với BIDV, NHTMCP lớn thứ 3 trong hệ thống là VietinBank cũng có kết quả kinh doanh khả quan. Lợi nhuận sau thuế trong 9 tháng đạt 4.449 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, điểm khác với BIDV là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của VietinBank lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, trong quý III-2015 là 1.284 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ; 9 tháng tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 3.820 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ. Chính vì vậy tỷ lệ nợ xấu của VietinBank đến ngày 30-9-2015 chỉ 0,95%, thấp hơn mức 1,12% của cùng kỳ năm trước. Như vậy, VietinBank dù không đạt được “thành tích cao” về kết quả kinh doanh nhưng lại có tỷ lệ nợ xấu giảm và đang ở mức khá thấp so với mức 3% theo mục tiêu NHNN đề ra.

Trong “big four” của hệ thống NH Việt Nam, luôn được chú ý một cách đặc biệt là Vietcombank. Hiện giá cổ phiếu Vietcombank đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán khoảng 50.000 đồng/cổ phiếu, cao gấp 2 đến 5 lần so với cổ phiếu NH khác. Không có kết quả kinh doanh nổi trội và tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro tín dụng hàng năm khá cao, nhưng Vietcombank luôn được giới đầu tư đánh giá cao. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 3.624 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước; chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 4.717 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng chú ý là lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối của Vietcombank lên đến 1.528 tỷ đồng, cao hơn 50% với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Vietcombank cao hơn khá nhiều so với nhiều NH khác, nhưng giới đầu tư cho rằng đây là con số hợp lý phản ánh sát thực trạng sức khỏe tài chính của Vietcombank.

Điểm qua một loạt NH khác như Techcombank, VPBank, ACB đều có lợi nhuận tăng so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đối với các NHTMCP nhỏ như KienLongbank, SHB, VIB đều có lợi nhuận sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Một trong những nguyên nhân làm cho lợi nhuận của những NH giảm hoặc không như kỳ vọng do việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Chẳng hạn như VPbank, thu nhập thuần 9 tháng lên đến 7.297 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ (3.524 tỷ đồng); lợi nhuận trước dự phòng 4.782 tỷ đồng nhưng NH đã dành đến 2.453 tỷ đồng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng nên chỉ còn 1.899 tỷ đồng. Hoặc trường hợp VIB, lợi nhuận trước dự phòng 9 tháng 835 tỷ đồng, nhưng khoản trích lập dự phòng lên đến hơn 600 tỷ đồng, khiến cho lợi nhuận sau thuế còn 180 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với mức 307 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Sự trở lại của tín dụng

Việc lợi nhuận của các NH tăng là điều gây bất ngờ, vì năm 2015 các NH phải tăng trích lập dự phòng theo quy định mới với nhiều tiêu chí khắt khe hơn. Trước đó, nhiều chuyên gia cho rằng lợi nhuận các NH sẽ bị ảnh hưởng mạnh bởi nợ xấu. Trong số nợ xấu đó, tính riêng chi phí trích lập dự phòng đối với những khoản nợ đã bán cho VAMC cũng chiếm tỷ lệ khá cao so với lợi nhuận của các NH hiện nay. Cụ thể, với số nợ xấu hơn 200.000 tỷ đồng đã bán cho VAMC, hàng năm NH phải trích lập dự phòng khoảng 40.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cho thấy không ít NH chi phí trích lập dự phòng chỉ tăng nhẹ, thậm chí có NH giảm so với cùng kỳ năm trước như trường hợp của Saigonbank chỉ có 92 tỷ đồng, trong khi 9 tháng 2014 trích lập 158 tỷ đồng.

Nguyên nhân quan trọng khác khiến lợi của NH tăng là do hoạt động tín dụng mang lại. Chẳng hạn thu nhập từ lãi thuần của Vietcombank trong 9 tháng lên đến 11.015 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ. Các NH khác như BIDV, VietinBank, ACB, SHB, VPBank, Techcombank… đều có thu nhập từ lãi thuần tăng khá mạnh so với cùng kỳ, bởi hoạt động tín dụng của những NH này cũng mở rộng khá mạnh so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng của nhiều NH tăng tốt so với đầu năm như VPbank tăng trưởng 21,1%, BIDV tăng 23%, SHB tăng 17,7%, Techcombank tăng 17%...

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Giao dịch tại VPBank. Ảnh: LONG THANH

Như vậy, cùng với sự ổn định của nền kinh tế, hoạt động của các NH cũng đã sôi động trở lại. Tăng trưởng cho vay của không ít NH đã đạt được khá cao, trong khi đó lãi suất tính chung cả năm có chiều hướng giảm nhẹ, lãi suất huy động giảm nhiều hơn lãi suất cho vay, vì vậy biên lợi nhuận của NH được mở rộng. Điều này cũng đồng nghĩa với lợi nhuận của các NH gia tăng. Tính toán cho thấy lợi nhuận biên của các NH như Vietcombank, VietinBank, BIDV và nhiều NH khác đều có lợi nhuận biên tăng so với cùng kỳ năm trước.

Trước lợi nhuận khả quan của các NH vẫn có không ít ý kiến hoài nghi. Một số chuyên gia cho rằng sở dĩ các NH vẫn có lợi nhuận khá cao là do chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro nợ xấu. Nợ xấu thực sự của các NH vẫn được xem là một “bí ẩn”. Trong khi nợ xấu vào thời điểm tháng 9-2012, thời điểm NHNN báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ khi xây dựng đề án xử lý nợ xấu là 17,4%, thì báo cáo chính thức của các NH số nợ xấu vẫn rất thấp. Đơn cử  có NH bị mua với giá 0 đồng hay bị kiểm soát đặc biệt nhưng trong báo cáo trước đó vẫn có con số rất đẹp. Rõ ràng sự nghi ngờ của giới chuyên gia là có cơ sở.

Các tin khác