Nợ công trong tầm kiểm soát?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có giải trình về các vấn đề nợ công, ngân sách, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Bộ trưởng Dũng, nợ công tăng nhanh và đạt đỉnh 64,3% vào năm 2017 nhưng với các giải pháp quyết liệt Bộ Tài chính, Chính phủ đưa ra, tỷ lệ này sẽ còn 58,5% vào năm 2020.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vừa có giải trình về các vấn đề nợ công, ngân sách, cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Theo Bộ trưởng Dũng, nợ công tăng nhanh và đạt đỉnh 64,3% vào năm 2017 nhưng với các giải pháp quyết liệt Bộ Tài chính, Chính phủ đưa ra, tỷ lệ này sẽ còn 58,5% vào năm 2020.

Tăng nhanh theo từng năm

Giai đoạn 2011-2015, nợ công nước ta tương ứng 50%, 50,8%, 54,5%, 59,6% và dự kiến 61,3% GDP. Các chỉ tiêu đánh giá an toàn nợ công theo các tiêu chí: nợ công trên GDP, nợ chính phủ so với GDP, nợ nước ngoài quốc gia so với GDP, bù đắp bội chi gồm cả trái phiếu chính phủ (TPCP), nghĩa vụ nợ của Chính phủ trực tiếp so với thu ngân sách, TPCP trong nước cho đầu tư của cả nhiệm kỳ. Giải trình việc nợ công tăng cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đối chiếu với 6 chỉ tiêu, 5 chỉ tiêu đạt được theo yêu cầu đến hết năm 2015 và 1 chỉ tiêu không đạt là bù đắp bội chi ngân sách. Yêu cầu đặt ra đến năm 2015 bội chi 4,5% nhưng thực tế trên 5,5% cả nhiệm kỳ. Bộ trưởng Bộ Tài chính chỉ ra một số nguyên nhân. Thứ nhất, ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu, kinh tế nước ta tăng trưởng chậm lại, khi tăng trưởng kinh tế năm 2015 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,8% so với mục tiêu 7%.

Năm 2014 và 2015 chi thường xuyên quá cao 67% và 68% trong tổng dự toán chi. Dự toán năm 2016 giảm còn khoảng 64% và theo kế hoạch trung hạn về tài chính ngân sách, đến năm 2020 chi thường xuyên xuống khoảng 58-59%. Trong quản lý thuế, từ năm 2011 đến tháng 10-2015, ngành thuế đã tiến hành thanh, kiểm tra 300.606 lượt DN, với tổng số thuế tăng thu thêm 56.273 tỷ đồng.

Thứ hai, do kinh tế khó khăn, giá dầu thô giảm, cùng với đó là thực hiện các biện pháp miễn giảm, giãn thu cho sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu. Tỷ lệ tăng thu bình quân giai đoạn 2006-2010 là 20,8%/năm, nhưng giai đoạn 2011-2015 chỉ 9,5%. Trong khi đó nhu cầu chi ngân sách tăng mạnh do vẫn đảm bảo giữ mục tiêu an sinh xã hội và tiền lương theo lộ trình... Riêng về an sinh xã hội trong giai đoạn 2011-2015, chi tăng 18%/năm. Thứ ba, bổ sung kế hoạch phát hành thêm 170.000 tỷ đồng TPCP giai đoạn 2011-2016, tức tăng lên 395.000 tỷ đồng (so với 225.000 tỷ đồng Quốc hội quyết định ban đầu), gấp 3 lần giai đoạn 2006-2010, đã gây áp lực lớn lên nợ công. Thứ tư, biến động về tỷ giá cũng phần nào tác động đến tăng nợ công. Thứ năm, vừa qua có những thời điểm khó khăn trong vấn đề huy động vốn để đù bắp bội chi và TPCP. Giai đoạn 2011-2013 vay khoảng 64.000 tỷ đồng, lãi suất bình quân 10,5%/năm (cao 13,2%, thấp 8,4%) và cần nhanh chóng tái cơ cấu những khoản nợ phải trả từ nay đến hết quý I-2016. Do vậy, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội phát hành thêm TPCP ra quốc tế.

Theo Bộ trưởng Dũng, hiện nay nợ công vẫn trong tầm kiểm soát nhưng tốc độ tăng vừa qua quá cao 20%/năm do tập trung đầu tư phát triển và việc phân bổ, sử dụng vốn có nơi chưa hiệu quả. Để tăng cường quản lý nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 02 với các nội dung: Tổng kết, đánh giá lại chiến lược nợ công đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như luật nợ công, cần thiết sẽ kiến nghị Quốc hội sửa đổi; quản lý chặt chẽ nợ công, nhất là khoản vay mới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng vốn vay đảm bảo hiệu quả; siết chặt điều kiện cấp bảo lãnh các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, không mở rộng và chắt lọc có mục tiêu để ưu tiên...

Về các giải pháp an toàn nợ công, ông Dũng cho biết Bộ Tài chính đã triển khai bước quan trọng là xây dựng kế hoạch tài chính ngân sách trung hạn cho giai đoạn 2016-2020, từ đó phân nguồn ra kế hoạch đầu tư công trung hạn. Hiện nay cũng đã xây dựng kế hoạch vay trả nợ đến 2020 dựa trên dự báo các chỉ tiêu kinh tế-xã hội. Cụ thể, dựa trên tăng trưởng GDP giai đoạn này 6,5-7%, lạm phát không quá 5%, bội chi dưới 4,9% theo luật hiện hành và luật mới dưới 4%, phát hành TPCP 260.000 tỷ đồng, giải ngân ODA 250.000 tỷ đồng trong 5 năm. Như vậy, nếu làm tốt nợ công đến năm 2020 chỉ còn 58,5% và đỉnh nợ vào năm 2017 là 64,3%.

Bán vốn nhà nước mới đạt 2,1%

Kế hoạch CPH giai đoạn 2011-2015 là 538 DN, riêng giai đoạn năm 2014-2016 là 432 DN. Từ năm 2011 đến 10-11-2015 cả nước đã thực hiện CPH 408-538 DN, đạt 76% kế hoạch. Dự kiến hết năm 2015 sẽ thực hiện CPH được 210 DN. Như vậy, số DNNN CPH giai đoạn 2011-2015 là 459 DN, đạt khoảng 90% kế hoạch. Giai đoạn 2011-2015, giá trị vốn bán 27.000 tỷ đồng (thu về 35.169 tỷ đồng). Con số này tương đương khoảng 2,1% vốn nhà nước tại DN. Như vậy, từ năm 2000 đến nay mới bán khoảng 5%, tương đương 55.000-57.000 tỷ đồng, còn khoảng 1,2-1,3 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, khi thị trường tài chính chưa phát triển, đẩy mạnh bán vốn là cần thiết nhưng phải có trật tự, tránh gây thiệt hại cho Nhà nước. Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành đưa ra nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường chứng khoán, như Nghị định 60 quy định chi tiết Luật Chứng khoán, trong đó có mở room cho nhà đầu tư nước ngoài. “Dù sốt ruột nhưng không nóng vội, phải có trật tự, đảm bảo nguyên tắc để làm sao đạt hiệu quả cao nhất trong đổi mới sắp xếp CPH DNNN” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết giải pháp đẩy nhanh tái cơ cấu và CPH DN trong thời gian tới là rà soát, phân loại lại DNNN theo Quyết định 37 của Thủ tướng. Trong đó phân loại lại DN nào Nhà nước cần nắm giữ, nắm giữ bao nhiêu hay không cần, từ đó, tùy tình hình thị trường sẽ thoái dần.

Các tin khác