Rủi ro biến đổi khí hậu (K2): Thay đổi kinh tế thế giới

Biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm thu nhập trung bình trên thế giới khoảng 23% vào năm 2100, theo ước tính trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 21-10 của các giáo sư Đại học Stanford và UC Berkeley.

Biến đổi khí hậu có khả năng làm giảm thu nhập trung bình trên thế giới khoảng 23% vào năm 2100, theo ước tính trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 21-10 của các giáo sư Đại học Stanford và UC Berkeley.

Rủi ro biến đổi khí hậu (K1): Nguy cơ hiển hiện

Nước nghèo nghèo thêm 75%

Kết quả nghiên cứu cho thấy thay đổi khí hậu sẽ khiến trái đất nóng lên, mang lại điều kiện thuận lợi cho các nước có khí hậu lạnh và gây tác hại cho các nước khí hậu nóng. Trong khi đó, những nước trong vùng khí hậu lạnh đa số là nước giàu và ngược lại. Vì vậy, thay đổi khí hậu sẽ làm giảm thu nhập trung bình của 40% người nghèo nhất trên thế giới xuống 75% vào năm 2100, trong khi giúp 20% người giàu nhất có thu nhập tăng thêm. Nghiên cứu trên The Nature tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu về nhiệt độ, không bao gồm tác động của biến đổi khí hậu như bão tố hoặc nước biển dâng. Các tác giả tiến hành nghiên cứu từ năm 2013 gồm Solomon Hsiang, GS. Chính sách công Đại học UC Berkeley, TS. Marshall Burke và Edward Miguel, GS. Môi trường và Kinh tế tài nguyên.

“Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng đầu tiên cho thấy hoạt động kinh tế ở tất cả khu vực đều có liên quan với khí hậu toàn cầu” - báo cáo phân tích. Nhóm nghiên cứu đã sử dụng các kịch bản tiêu chuẩn của thế kỷ 21. Họ phát hiện thay đổi khí hậu có thể gây thiệt hại toàn cầu lớn hơn 2,5-100 lần so với dự đoán của các mô hình hàng đầu hiện nay. Ước tính lạc quan nhất của nhóm nghiên cứu là biến đổi khí hậu sẽ làm kinh tế toàn cầu giảm sản lượng 23% vào năm 2100.

Một nửa số dự phóng cho thấy thiệt hại lớn hơn. Các nước nóng nhất thế giới bị ảnh hưởng nặng nhất. Theo đó, trong các kịch bản ít lạc quan hơn, các tác giả ước tính 43% quốc gia có thể sẽ nghèo hơn vào năm 2100 do biến đổi khí hậu, mặc dù đã kết hợp các dự báo về tiến bộ công nghệ và tiến bộ khác. “Sự khác biệt về tác động dự kiến của sự nóng lên toàn cầu chủ yếu do sự ấm lên làm tăng năng suất ở các nước có khí hậu ôn đới. Đặc biệt, châu Âu có thể được hưởng lợi từ sự gia tăng nhiệt độ trung bình. Riêng với Việt Nam, 99% khả năng GDP sẽ bị giảm từ 50% trở lên do biến đổi khí hậu” - các nhà nghiên cứu cảnh báo trên tạp chí Nature.

Nhiệt độ lý tưởng

Nghiên cứu của Burke, Hsiang và Miguel dựa trên dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) về 166 quốc gia từ năm 1960-2010, kết nối chúng với dữ liệu về khí hậu học. “Kết quả nghiên cứu là đáng kể và đáng tin cậy” - Burke nói. Việc phát hiện những thay đổi nhỏ và liên tục trong tăng trưởng kinh tế rất khó khăn và không có nhiều dữ liệu, nhưng các tác giả nhấn mạnh những thay đổi nhỏ trong thời gian dài là rất đáng kể. “Tác động biến đổi khí hậu đối với kinh tế toàn cầu cũng giống như việc lái máy bay ngược gió. Bạn không bao giờ cảm thấy nó, nhưng nó có thể làm bạn chậm lại đáng kể” - Burke nói.

Dự báo của họ xuất phát từ một phát hiện quan trọng: Con người có năng suất tối ưu trong một khoảng nhiệt độ nhất định. Phân tích dữ liệu 50 năm từ khắp nơi trên thế giới, nhóm nghiên cứu phát hiện nhiệt độ tối ưu cho hiệu quả kinh tế khoảng 13°C hay 55°F. Trên hoặc dưới nhiệt độ này, các nền kinh tế phát triển chậm hơn. Trong một phân tích năm 2010, Hsiang cho rằng GDP một nước phản ánh chính xác những thay đổi trong năng suất lao động, do đó nếu năng suất lao động bị chậm lại ở 25°C (77°F), GDP quốc gia cũng như vậy. Tuy nhiên, lần này các tác giả lưu ý rằng mỗi quốc gia bao gồm nhiều vùng, mỗi nơi có một nhiệt độ khác nhau, do đó khi nước đó ấm lên, các vùng nóng nhất sẽ vượt qua 25°C đầu tiên. Hoạt động kinh tế tại các vùng nóng nhất bắt đầu suy giảm trước khi toàn bộ đất nước bị nóng và sụt giảm theo. “Chúng tôi đã thử nghiệm lý thuyết này trên cơ sở dữ liệu có được và rất ngạc nhiên nó đã đúng. Nhiệt độ kinh tế tối ưu cho phát triển kinh tế là 13°C, hoặc 55°F” - Burke nói.

Ngoài những tác hại đối với ngành nông nghiệp, nhiệt độ tăng cao cũng sẽ làm tổn thương nền kinh tế theo định hướng dịch vụ của các nước giàu. Miguel nói: “Mọi người đều biết rằng khi nóng bức sẽ khó tập trung làm việc và làm việc hiệu quả. Khi vài trăm triệu người cùng cảm thấy như vậy, nền kinh tế hoàn toàn có khả năng bị chậm lại”. Cũng liên quan đến nhiệt là chi phí năng lượng máy điều hòa, cơ sở hạ tầng nhanh xuống cấp, lỗi xử lý của con người và gia tăng tai nạn; các vấn đề về sức khỏe như bệnh tim ở các nước giàu và sốt rét, sốt xuất huyết ở các nước nghèo; tâm lý gây hấn, xung đột…

Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là giải pháp quan trọng kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.

Giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính là giải pháp quan trọng kiềm chế sự ấm lên toàn cầu.

Ứng phó

Có 3 cách chính để ứng phó với hiện tượng ấm dần lên của trái đất. Một trong những cách được nói đến nhiều là giảm thiểu khí gây hiệu ứng nhà kính, hoặc tăng cường năng lực của các sinh khối hấp thụ khí nhà kính từ khí quyển. Việc này có khả năng thực hiện được nếu kết hợp tốt các hoạt động như bảo tồn và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng; sử dụng các công nghệ năng lượng carbon thấp, chẳng hạn như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân và thu giữ cácbon; tăng cường sinh khối hấp thụ carbon như trồng rừng và ngăn chặn nạn phá rừng. Báo cáo năm 2015 của Citibank kết luận rằng việc chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp sẽ mang lại lợi nhuận tích cực cho các khoản đầu tư. Những xu hướng ngắn và dài hạn của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay không phù hợp để hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức dưới 1,5 hoặc 2°C. Thỏa thuận Cancun chỉ có khả năng kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trong thế kỷ này ở mức dưới 3°C so với mức tiền công nghiệp. Để hạn chế việc nóng lên ở mức dưới 2°C, cần phải đạt được những thỏa thuận cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính nghiêm ngặt hơn. Điểm mấu chốt của việc kìm chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính là phải có sự đồng thuận ở cấp chính phủ trở lên.

Cách thứ hai được giới chuyên môn nhắc đến là việc thay đổi để thích ứng với biến đổi khí hậu. Thí dụ, con người sẽ nghiên cứu để tìm ra các giống cây trồng có khả năng chịu nhiệt cao hơn, hoặc có kế hoạch di dời dân cư đến những vùng cao hơn so với dự doán mực nước biển dâng lên vì sự ấm lên toàn cầu... Cách thứ ba là dùng công nghệ-kỹ thuật để chống lại biến đổi khí hậu, thí dụ như NASA đã nghiên cứu các kỹ thuật loại bỏ carbon dioxide. Tuy nhiên, một nghiên cứu từ năm 2014 điều tra các phương pháp kỹ thuật khí hậu phổ biến nhất và kết luận chúng là không hiệu quả hoặc có tác dụng phụ tiềm ẩn nghiêm trọng, thậm chí có thể khiến khí hậu biến đổi nhanh chóng hơn.

Các tin khác