Quản lý chung cư (B2): Nỗi lo thường trực

Những năm trở lại đây, loại hình nhà ở chung cư tại TPHCM phát triển mạnh mẽ. Người thu nhập thấp mua căn hộ vì giá rẻ, người có tiền cũng thích sống trong căn hộ (cao cấp) để hưởng thụ môi trường sống trong lành, an ninh, tiện nghi. Tuy nhiên, cuộc sống trong một số chung cư không phải bao giờ cũng lý tưởng và toàn màu hồng.

Những năm trở lại đây, loại hình nhà ở chung cư tại TPHCM phát triển mạnh mẽ. Người thu nhập thấp mua căn hộ vì giá rẻ, người có tiền cũng thích sống trong căn hộ (cao cấp) để hưởng thụ môi trường sống trong lành, an ninh, tiện nghi. Tuy nhiên, cuộc sống trong một số chung cư không phải bao giờ cũng lý tưởng và toàn màu hồng.

Quản lý chung cư (K1): Hưng Phát 1 - minh bạch tạo sự đồng thuận



Trộm leo lên tầng 5

So với những khu dân cư nhà phố riêng lẻ, môi trường sống chung cư an ninh hơn nhờ có lực lượng bảo vệ và hệ thống camera giám sát. Trên lý thuyết là vậy, thực tế tình trạng mất trộm ở chung cư vẫn thường xuyên xảy ra. Anh V., chủ 1 căn hộ chung cư tại quận 9, cho biết khu căn hộ anh đang ở thuộc hạng khá, có 3-4 bảo vệ, từ hành lang đến lối thoát hiểm đều có gắn camera giám sát. Lúc mới dọn đến chung cư, thấy các bác bảo vệ làm việc nhiệt tình cùng với các biện pháp siết chặt an ninh của ban quản trị lâm thời tòa nhà, anh V. tỏ ra rất an tâm.

Vậy nhưng, trong một đêm, khi gia đình anh V. đang say giấc ngủ, kẻ trộm đã nhẹ nhàng đột nhập qua cửa ban công. Sự việc được gia đình anh V. báo cho lực lượng bảo vệ và công an. Công an khu vực có đến ghi nhận, lấy lời khai các bên liên quan nhưng cuối cùng vẫn không tìm ra manh mối kẻ trộm. Theo mô tả của anh V. kẻ trộm đã đột nhập vào nhà anh không khác gì “người nhện” trong phim. Từ dưới sân - khu vực camera bị khuất, tên trộm đã trèo lên buồng phơi đồ lầu 1 bằng một sợi dây thừng, sau đó tiếp tục trèo lên đến căn hộ của anh V. ở tận lầu 5. Do cửa phía ban công không đóng nên tên trộm đã dễ dàng đột nhập lấy đi nhiều món đồ giá trị hàng trăm triệu đồng (điện thoại, túi xách hàng hiệu, tiền mặt, giấy tờ tùy thân).

Việc tên trộm leo đến tầng 5 để thực hiện hành vi là có sự chuẩn bị từ trước. Những dấu chân tên trộm để lại cho thấy hắn đã tiếp cận được những căn hộ thấp tầng bên dưới. Sau câu chuyện mất trộm tại nhà anh V., phản ứng của các cư dân sống trong chung cư này là tìm giải pháp tự bảo vệ mình. Hầu như gia đình nào cũng khóa cửa kín mít dù đang ở nhà hay ra ngoài. Thậm chí, nhiều hộ tiến hành lắp đặt khung sắt ở cửa chính và phía ban công.

Cháy là... chết

Bất kỳ chung cư nào xây dựng cũng đều phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định về an toàn cháy nổ của Luật Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Dù đã được lắp đặt đầy đủ các thiết bị PCCC nhưng hầu hết chung cư sau khi đi vào vận hành công tác tổ chức tập huấn, tuyên truyền, huấn luyện kỹ năng PCCC và thoát nạn đã không được chú trọng. Ghi nhận ở một số chung cư, hệ thống chữa cháy được trang bị nhưng không bố trí lăng, vòi chữa cháy, bình chữa cháy. Thậm chí phương tiện chữa cháy tại các tầng lại được bố trí tập trung tại phòng bảo vệ vì sợ bị mất cắp. Trong các đợt tập huấn về an toàn PCCC, trung bình một khu chung cư có quy mô 100-200 căn hộ chỉ có 20% hộ dân tham dự.

Bên cạnh đó, hệ thống báo cháy tự động được trang bị nhưng do không có kinh phí để kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng định kỳ nên hệ thống này thường xảy ra sự cố báo cháy giả. Anh H., một cư dân sống tại chung cư trên địa bàn quận Thủ Đức, cho biết hệ thống báo cháy gần đây bị chạm nên có đêm ầm ĩ 4-5 hồi chuông khiến người lớn hoản loạn, trẻ em khóc thét. Cũng theo anh H., do hệ thống báo cháy, báo khói rất nhạy, nên chỉ cần trong nhà có chút khói do đốt nhang hoặc hút thuốc, nấu ăn... là chuông báo cháy reng inh ỏi, bảo vệ phải đi gõ cửa từng nhà kiểm tra. Cũng do nhiều lần báo cháy giả không tìm ra “thủ phạm”, để tránh phiền phức Ban quản lý đã cho ngắt nguồn cung cấp tủ trung tâm báo cháy. “Bây giờ có cháy xảy ra sẽ nguy hiểm khôn lường, vì nếu có chuông báo cháy vang lên cư dân vẫn coi như không có chuyện gì” - anh H. chia sẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tranh chấp 2% quỹ bảo trì

Theo quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm tạm lập tài khoản để quản lý kinh phí bảo trì chung cư 2% (do khách hàng đóng) khi chưa thành lập được Ban quản trị (BQT) chung cư. Sau khi BQT được thành lập, chủ đầu tư phải chuyển giao ngay kinh phí bảo trì cho ban này để thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định. Quy định là vậy nhưng hiện nay mỗi chủ đầu tư thực hiện mỗi kiểu. Hàng loạt chung cư đã thành lập BQT và được chính quyền địa phương công nhận nhưng chủ đầu tư vẫn chây ỳ, né tránh, tìm mọi cách chiếm dụng khoản tiền này.

Tiêu biểu cho tình trạng tranh chấp quỹ bảo trì là trường hợp xảy ra tại chung cư 4S Riverside (đường 17, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức). Ông Đỗ Quốc Thắng, thành viên BQT chung cư 4S Riverside, cho biết BQT được UBND quận Thủ Đức công nhận từ năm 2011 nhưng phải chờ đến 3 năm sau, Công ty Thành Trường Lộc mới bàn giao công tác quản lý vận hành chung cư cho BQT. “Họ chỉ bàn giao quyền vận hành, còn 2% phí bảo trì người dân đóng họ không chịu bàn giao. Dù chính quyền quận Thủ Đức yêu cầu chủ đầu tư bàn giao quỹ bảo trì cho BQT nhưng công ty luôn tìm cách thoái thác. Vì vậy, đầu năm 2015, chúng tôi đã khởi kiện chủ đầu tư đòi lại chủ đầu tư chuyển giao phí bảo trì theo quy định của pháp luật. Đến nay, tòa án đã triệu tập phiên hòa giải nhưng không thành do công ty vắng mặt” - ông Thắng, bức xúc.

Liên quan đến tranh chấp tại chung cư 4S, ngày 4-11-2015, UBND TP đã có văn bản 6744/UBND-ĐTMT, về việc xử lý kiến nghị của BQT chung cư 4S liên quan đến vấn đề sở hữu chung và phí bảo trì 2%. Theo đó, TP giao UBND quận Thủ Đức chủ trì, giao UBND phường Hiệp Bình Chánh tổ chức buổi làm việc với chủ đầu tư, BQT chung cư 4S cùng các hộ dân để giải quyết. Nếu việc tranh chấp về quyền sở hữu chung, sở hữu riêng và phí bảo trì giữa chủ đầu tư và BQT không thực hiện đúng theo hướng dẫn và hòa giải không thành, hướng dẫn các bên khởi kiện tại tòa án theo quy định.

Các tin khác