Tích cực dọn nợ xấu

Cho đến nay tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống NH đã đưa về mức dưới 3% và nhiều NH đã hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, việc nợ xấu giảm mạnh phần lớn do bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC), về nguyên tắc các TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm xử lý số nợ xấu này trong thời gian tới.

Cho đến nay tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống NH đã đưa về mức dưới 3% và nhiều NH đã hoàn thành mục tiêu này. Tuy nhiên, việc nợ xấu giảm mạnh phần lớn do bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam (VAMC), về nguyên tắc các TCTD vẫn phải chịu trách nhiệm xử lý số nợ xấu này trong thời gian tới.

Đẩy mạnh gom nợ xấu

Quyết tâm xử lý nợ xấu được Chính phủ và NHNN thể hiện rõ trong mục tiêu toàn hệ thống phải đưa nợ xấu về mức dưới 3% trước năm 2015 và các TCTD phải tuân theo. Đến cuối tháng 9 vừa qua, toàn hệ thống đã thành công trong việc giảm nợ xấu từ mức 17% (năm 2012) xuống còn 3%. Và đến nay, về cơ bản NHNN đã xử lý xong các NH yếu kém.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III-2015 của ACB, số dư nợ xấu đã giảm 22,06% kể từ đầu năm và giảm 43,25% so với cùng kỳ 2014, về mức 1.974 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của ACB giảm từ 2,18% về còn 1,51%. Trước đó, ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB, cho biết đã đẩy mạnh xử lý tồn đọng nợ, cụ thể là tiến hành quản lý thu hồi nợ xấu đạt 900 tỷ đồng trong quý III.

Sacombank cũng vừa công bố mức lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 2.140 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước. NH này có 2.345 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,6% tổng dư nợ, tăng so với thời điểm đầu năm ở mức 1,18%. Mức chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Sacombank hơn 1.000 tỷ đồng trong 9 tháng qua, tăng so với mức 698 tỷ đồng thời điểm cuối quý II. Từ ngày 1-10, Sacombank mới ghi nhận thêm số liệu tài chính từ Southernbank sau khi 2 bên ký kết biên bản bàn giao sáp nhập. Nhiều phân tích cho rằng NH này sẽ phải xử lý nợ xấu đáng kể và có thể mất 3 năm để trích lập dự phòng và xử lý phần lớn nợ xấu của mình.

Tỷ lệ nợ xấu tại những đơn vị công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy hầu hết đã giảm về dưới 3% tổng dư nợ theo yêu cầu phải thực hiện trước thời điểm cuối tháng 9-2015 của NHNN. Chẳng hạn nợ xấu của KienLongBank chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, giảm 23% so với thời điểm cuối năm 2014. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của KienLongBank giảm từ 1,95% xuống 1,35%.

Trường hợp giảm tỷ lệ nợ xấu đáng kể khác là ABbank. Tổng nợ xấu của NH này tính đến cuối tháng 9 là 701 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với đầu năm. Nhờ đó tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 4,5% đầu năm xuống còn 2,5%. Trong thông báo nhanh về tình hình hoạt động, BIDV cho biết tỷ lệ nợ xấu của NH chưa đến 2% tổng dư nợ. Trường hợp tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ tăng trở lại ghi nhận tại VPBank từ mức 2,54% thời điểm đầu năm lên 2,93%; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên đến 2.453 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ trước 552 tỷ đồng. Dù vậy NH này vẫn kiểm soát nợ xấu ở mức quy định 3%.

Nhiều NH đã đẩy mạnh công tác thu hồi nợ và dùng nguồn dự phòng để xử lý nợ. Điển hình như trường hợp Vietcombank, trong 3 năm từ 2013 đến ngày tháng 8-2015, NH này đã xử lý được khoảng 24.000 tỷ đồng nợ xấu, đạt 114% kế hoạch đề ra. Biện pháp chính được Vietcombank sử dụng là phát mại tài sản để thu hồi nợ, thu nợ trực tiếp khách hàng, nhận tài sản bảo đảm để thay thế nghĩa vụ trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, sử dụng dự phòng... khoảng 18.000 tỷ đồng. Riêng 8 tháng năm 2015, NH này đã xử lý được khoảng 7.200 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, biện pháp xử lý nợ xấu được áp dụng mạnh nhất hiện nay là bán nợ cho VAMC và nhiều TCTC còn bán vượt chỉ tiêu.

Tăng cường bán cho VAMC

Yêu cầu của NHNN đối với các NHTM là đến 30-9-2015 phải hoàn thành bán 100% nợ xấu cho VAMC. Được biết, quy mô nợ xấu mỗi TCTD phải bán lại cho VAMC khác nhau. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV VAMC, tính từ đầu năm đến 18-10, VAMC đã phát hành trái phiếu đặc biệt để mua nợ xấu được hơn 13.000 khoản nợ, tương ứng với hơn 91.000 tỷ đồng dư nợ gốc, giá mua hơn 82.000 tỷ đồng của 39 TCTD. Lũy kế từ 2013 đến 30-9-2015, VAMC đã phát hành 191.333 tỷ đồng giá trị trái phiếu đặc biệt mua nợ xấu với giá trị dư nợ gốc trên 225.000 tỷ đồng.

Ở nhiều NH lượng nợ xấu bán cho VAMC thời gian qua khá lớn, thậm chí có những đơn vị bán vượt kế hoạch. Tại VPBank, trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành đến cuối tháng 9 đạt giá trị 5.134 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm (3.956 tỷ đồng). Tương tự, trái phiếu của VAMC phát hành cho KienLongBank hơn 450 tỷ đồng, tăng 25% so với thời điểm 30-9-2014.

BIDV là NH đi đầu trong bán nợ xấu cho VAMC. Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào tháng 8 vừa qua, Phó Tổng giám đốc Trần Phương chia sẻ BIDV đã bán 7.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, dự kiến sẽ trích lập 8.000 tỷ đồng dự phòng cho cả năm, trong đó 4.000 tỷ đồng dự phòng đã được trích lập trong quý đầu năm. Được biết, kế hoạch cả năm BIDV bán 9.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. ABbank dù không nằm trong diện phải bán nợ xấu cho VAMC, nhưng nhà băng này cũng đã bán hơn 400 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Hiện nay, các NH đều có lũy kế bán nợ cho VAMC hàng ngàn tỷ đồng như ACB, Vietcombank, MB…

Sắp tới, các NH sẽ đồng loạt công bố báo cáo tài chính quý III và số lượng NH có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% sẽ còn nhiều hơn. Dù vậy, việc xử lý nợ xấu vẫn không thể dừng lại ở đó. Hiện tại, nợ xấu đã được VAMC mua hơn 40% trong tổng số nợ xấu của các NH. Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 đang diễn ra, các đại biểu Quốc hội rất quan tâm đến vấn đề đấu giá nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu để thúc đẩy quá trình xử lý nợ. Trong đó có quan điểm cho rằng việc đấu giá tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu VAMC đã mua phải tuân theo Luật Đấu giá tài sản mới đẩy quá trình xử lý nợ xấu, đảm bảo tính minh bạch và quyền sở hữu tài sản của các chủ thể.

Các tin khác