Nỗ lực hạ bệ USD (K2): Sức mạnh của BRICS

Liệu các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có đủ lực để thay thế hệ thống kinh tế thế giới đang nằm dưới sự thống trị của đồng USD như hiện nay? Nỗ lực hạ bệ USD (K1): Tăng 400%

Liệu các nước BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) có đủ lực để thay thế hệ thống kinh tế thế giới đang nằm dưới sự thống trị của đồng USD như hiện nay?

Nỗ lực hạ bệ USD (K1): Tăng 400%

Liên minh chống USD

BRICS chiếm gần 30% GDP và khoảng 45% dân số thế giới. BRICS, đứng đầu là Nga và Trung Quốc, đang nỗ lực để hạ bệ sự thống trị của USD. Kể từ tháng 6-2014, những thỏa thuận hoán đổi thường xuyên quy mô lớn giữa rúp và NDT đã giúp 2 nước thoát khỏi phương thức giao dịch truyền thống bằng USD.

Tháng 7-2014, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố: "Chúng tôi đang thảo luận với Trung Quốc và các đối tác BRICS thành lập hệ thống giao dịch hoán đổi đa phương cho phép chuyển các nguồn lực đến các quốc gia khác. Một phần dự trữ ngoại tệ có thể được đưa vào hệ thống mới”.

Những lời này được nhìn nhận như công bố về sự xuất hiện của một liên minh quốc tế chống USD. Điều này báo hiệu sự bắt đầu của một hệ thống tiền tệ mới mà mục đích cuối cùng sẽ phát hành đồng tiền riêng, hoặc một rổ tiền tệ mới, giống như Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của IMF và dần có thể thay thế USD trong vai trò một đồng tiền dự trữ.

BRICS có tiềm năng lớn để thay thế cho hệ thống kinh tế do đồng USD chi phối. Việc tạo ra Ngân hàng Phát triển BRICS là một dấu hiệu cho thấy xu hướng này. Ngân hàng này thậm chí có thể hoạt động như một ngân hàng trung ương của khối BRICS và khi thời gian chín muồi có thể phát hành một loại tiền tệ BRICS mới, thí dụ như Bricso.

Chuyên gia kinh tế ASAM ISMI,
Trung tâm Chính sách Canada

Theo các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới (WB), Nga và Trung Quốc có thể sớm khởi động một đồng tiền mới, một rổ tiền tệ có thể gồm tiền tệ của các nước thành viên BRICS và các nước thuộc SCO (Tổ chức Hợp tác Thượng Hải).

Hệ thống này có thể hoạt động tương tự đồng EUR lúc đầu - như một rổ tiền tệ có trị giá theo một số chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế của các quốc gia tham gia. Ban đầu, hệ thống tiền tệ mới có thể dựa trên vàng. Nhà phân tích Peter Koenig tin rằng hệ thống tiền tệ mới này có thể bao phủ 25% đến 1/3 nền kinh tế thế giới.

Ngày 27-3-2013, tại hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 5 tổ chức tại Durban, Nam Phi, các nhà lãnh đạo BRICS đã đồng ý việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS. Hơn 1 năm sau, ngày 15-7-2014, nhóm các nền kinh tế mới nổi đã ký văn bản thành lập ngân hàng này với vốn 100 tỷ USD và một quỹ tiền tệ dự trữ trị giá trên 100 tỷ USD.

Ngân hàng dự định bắt đầu cho mượn vào năm 2016 và kết nạp thêm thành viên, tuy nhiên tiền vốn của các nước khối BRICS không được ít hơn 55%. Việc BRICS thành lập ngân hàng phát triển được xem là bước đi cụ thể để thay thế dần vai trò của WB, nơi Hoa Kỳ có sức ảnh hưởng rất lớn.

Trong cuộc đối đầu Đông-Tây do khủng hoảng ở Ukraine, Hoa Kỳ và các nước phương Tây đã đe dọa loại Nga ra khỏi Hiệp hội Liên thông tiền tệ liên ngân hàng thế giới (SWIFT). Ngay lập tức, Nga đã đáp trả bằng việc tự thành lập một hệ thống tương tự SWIFT ở trong nước, bắt đầu hoạt động từ tháng 12-2014. Dù SWIFT sau đó bác bỏ đề nghị của phương Tây, nhưng Nga và Trung Quốc vẫn tiến hành các bước đi phòng ngừa.

Ngày 8-10 vừa qua, giai đoạn đầu tiên của Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc (CIPS) đã chính thức được khởi động tại Thượng Hải, cho phép các công ty bên ngoài Trung Quốc giao dịch thanh toán NDT trực tiếp với các đối tác Trung Quốc. Theo Reuters, CIPS sẽ loại bỏ một trong những rào cản đối với việc quốc tế hóa NDT và sẽ gia tăng việc sử dụng tiền tệ của Trung Quốc trên toàn cầu. Nhằm nâng vị trí NDT lên ngang bằng hơn so với USD, CIPS dự kiến  sử dụng các định dạng thư tín tương tự hệ thống thanh toán quốc tế khác, hỗ trợ các giao dịch trơn tru hơn.

Nền tảng bất ổn của USD

Thực tế, vai trò của USD đang ngày một giảm. 10 năm trước, khoảng 90% ngoại tệ dự trữ trên toàn cầu bằng USD và các tài sản USD. Hiện con số đó đã giảm xuống còn 60%. Tuy nhiên, đây vẫn là con số rất lớn, USD được sử dụng bên ngoài Hoa Kỳ gấp nhiều lần trong nước. Các quốc gia dùng USD để giao dịch thương mại đã làm tăng cầu USD và giữ giá cho đồng tiền màu xanh lá. Những nước xuất khẩu lớn như Ả rập Saudi (dầu mỏ) và Trung Quốc đã thu về lượng lớn tiền mặt USD.

Thay vì ngồi trên đống tiền này, họ tái đầu tư phần lớn vào các sản phẩm chứng khoán rủi ro thấp nhưng thanh khoản cao. Trong một thời gian rất dài, trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ được xem là lựa chọn tốt nhất. Điều này làm gia tăng mạnh mẽ nhu cầu nợ chính phủ Hoa Kỳ và giữ lãi suất ở mức siêu thấp. Vì vậy, hàng năm có một lượng lớn USD được Hoa Kỳ đưa ra nước ngoài, sau đó lại được Bộ Tài chính vay lại với lãi suất thấp.

Trong nhiều thập niên, Hoa Kỳ đã hưởng lợi nhờ hàng ngàn tỷ USD tín dụng miễn phí do vai trò ngoại tệ dự trữ toàn cầu mặc định của đồng tiền xanh lá. Nhưng với những yếu kém ngày càng lộ rõ trong hệ thống tài chính Hoa Kỳ, chẳng hạn nguy cơ vỡ nợ hồi cuối năm 2013, đã khiến nhiều nước lo sợ cho kho tiền dự trữ của mình.

Theo Asam Ismi, nền kinh tế Hoa Kỳ về cơ bản giống như khinh khí cầu sẵn sàng nổ tung. Điều này một phần do khối nợ khổng lồ tương đương 105% GDP và các nghĩa vụ nợ chưa thanh toán lên tới 127.000 tỷ USD (hơn 7 lần GDP). Không một quốc gia nào trên thế giới có mức độ nợ thực tế và nghĩa vụ nợ cao đến vậy. Lượng tài sản phái sinh toàn cầu hiện ước tính trên trên 700.000 tỷ USD, trong khi GDP toàn cầu năm 2014 vào khoảng 72.600 tỷ USD.

Trong đó, chỉ 5 ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ đã có hơn 40.000 tỷ USD phái sinh. Nếu những ngân hàng này quyết định thu hồi một phần hoặc toàn bộ nợ của họ, chắc chắn sẽ tạo ra một cơn sóng thần trên toàn thế giới và kết quả là sự sụp đổ của hệ thống tiền tệ phương Tây. Hiện nay, 6 ngân hàng Hoa Kỳ kiểm soát 2/3 của tất cả tài sản ngân hàng toàn cầu, tăng từ mức hơn 40% năm 2008.

Các lãnh đạo BRICS có đủ sức hạ bệ USD?

Các lãnh đạo BRICS có đủ sức hạ bệ USD?

Ngày nay, dù đã giảm mạnh, hầu hết giao dịch vẫn bằng USD thông qua các ngân hàng Hoa Kỳ và hệ thống thanh toán bù trừ BIS. Tuy nhiên, BRICS và một số nước khác, bao gồm Argentina, đã bắt đầu các thỏa thuận giao dịch bằng nội tệ.

Tháng 5-2014, Trung Quốc và Nga ký kết một thỏa thuận khí đốt trị giá 400 tỷ USD nhưng sẽ được chi trả bằng NDT hoặc rúp. Bắt đầu từ năm 2018, khoảng 38 tỷ m3 khí sẽ chảy qua đường ống “Holy Grail” từ Nga đến Trung Quốc. Nó được xem là diễn biến mang tính biểu tượng về việc loại USD ra khỏi các giao dịch năng lượng hydrocacbon. Việc BRICS chống lại sự thống trị của USD có thể tạo tiền lệ để các nước cùng làm một cuộc lật đổ USD trong tương lai.

Các tin khác