Nỗ lực hạ bệ USD (K1): Tăng 400%

Tính đến tháng 9-2015, khối lượng giao dịch thương mại thanh toán bằng đồng NDT và rúp tăng 400% so với cùng kỳ năm trước. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói hồi năm ngoái, thương mại bằng rúp và NDT tăng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của đồng USD.

Tháng 10-2014, ĐTTC đã có loạt bài phản ánh nỗ lực phá bỏ “vòng kim cô” USD của Nga, Trung Quốc và các nước đồng minh. 1 năm đã trôi qua, hãy cùng đánh giá lại kết quả những nỗ lực đó.

Tính đến tháng 9-2015, khối lượng giao dịch thương mại thanh toán bằng đồng NDT và rúp tăng 400% so với cùng kỳ năm trước. Như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nói hồi năm ngoái, thương mại bằng rúp và NDT tăng sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của đồng USD.

Dự luật loại bỏ

Theo một tuyên bố của Moscow hồi tháng 9, khối lượng giao dịch bằng NDT và rúp đã tăng 4 lần so với năm ngoái, lên 18,4 tỷ NDT (193,3 tỷ rúp), cao nhất kể từ năm 2010. Không chỉ giảm giao dịch thương mại bằng USD, Moscow còn cố gắng bán bớt các tài sản USD. Theo tiết lộ của trang SHTFPlan.com, kể từ năm ngoái Nga bắt đầu tiến hành bán một lượng lớn dự trữ ngoại tệ bằng USD.

Chỉ tính riêng trong tháng 12-2014, Nga đã bán khoảng 20%  trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ trong kho dự trữ của nước này. Sau đó, trong một nỗ lực phối hợp, mùa hè vừa qua Trung Quốc đã bán phá giá 500 tỷ tài sản bằng USD.

Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu. Trong cơn hoảng loạn trên thị trường chứng khoán Trung Quốc hồi tháng 8, Bắc Kinh đã bán ra hàng tỷ USD với lý do ổn định thị trường tài chính. Đến tháng 9, khi nền kinh tế của Nga sụp đổ do các lệnh trừng phạt từ Hoa Kỳ và châu Âu, một dự luật mới do chính Tổng thống Nga soạn thảo nhắm mục đích loại bỏ hoàn toàn đồng USD khỏi việc giao dịch thương mại. Theo đó, giao dịch thương mại giữa các nước CIS (Cộng đồng các Quốc gia Độc lập - gồm những nước thuộc Liên Xô trước đây) sẽ không sử dụng USD và EUR nữa. Điều này sẽ tạo ra một thị trường tài chính duy nhất giữa Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và các nước thuộc Liên Xô cũ.

"Việc này sẽ giúp mở rộng sử dụng các loại tiền tệ quốc gia trong thanh toán thương mại nước ngoài và các dịch vụ tài chính; tạo tiền đề giúp thị trường tiền tệ trong nước có tính thanh khoản cao hơn" - tuyên bố của Kremlin viết.  Trong khuôn khổ của Liên minh Kinh tế Á-Âu (EEU), các nước cũng đã thảo luận về khả năng giao dịch bằng các đồng tiền quốc gia.

Theo thỏa thuận giữa Nga, Belarus, Armenia, Kazakhstan, một quá trình chuyển đổi bắt buộc sử dụng các đồng tiền quốc gia (rúp Nga, rúp Belarus, dram Armenia và tenge Kazakhstan) phải xảy ra trong 2025-2030. Dự luật được tin rằng sẽ giúp thúc đẩy thương mại trong khu vực và đạt được sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo giới phân tích, động thái trên dù không nhất thiết mang lại tác động ngay lập tức, nhưng rất nghiêm trọng trong dài hạn. Bởi Trung Quốc và Nga đang công khai thoái vốn định giá bằng USD, báo hiệu sự thay đổi xu hướng đáng kể trong thương mại toàn cầu. Đồng USD hiện nay vẫn mạnh nhờ các nhà đầu tư toàn cầu muốn tìm sự trú ẩn trong các loại tài sản định giá bằng đồng tiền này, trong bối cảnh kinh tế thế giới hiện vẫn còn nhiều bất ổn. Nhưng sự ưu ái USD đã khiến Hoa Kỳ ngày càng nặng nợ.

Tính đến năm 2014, nợ của nước này đã gấp 7 lần GDP, tương đương 128.000 tỷ USD. Một khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) không còn sự lựa chọn nào ngoài việc in thêm hàng ngàn tỷ USD để giữ thị trường tài chính khỏi bị sụp đổ, các chủ nợ USD sẽ tháo chạy.

Nước cờ cao?

Cho đến nay, nhằm phá bỏ bớt sức ép của đồng USD, Nga và các nước đồng minh đã ký kết nhiều thỏa thuận trao đổi tiền tệ, trong đó lớn nhất là thỏa thuận với Bắc Kinh, có giá trị lên tới 25 tỷ USD. Nga cũng thực hiện các thỏa thuận trao đổi tương tự với các nước khác trong khối BRICS và các nước xuất khẩu dầu mỏ, như Iran. Giới phân tích cho rằng sức mạnh của USD chủ yếu đến từ dầu mỏ.

Đồng tiền này mạnh lên trong thế kỷ qua nhờ được sử dụng để giao dịch dầu mỏ, hay còn gọi “đô la dầu mỏ”. Nếu các giao dịch dầu mỏ ngày càng ít được thanh toán bằng USD, giá trị của USD sẽ giảm và có thể dẫn đến siêu lạm phát trong các nền kinh tế USD, bao gồm cả những nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với kinh tế Hoa Kỳ.

Trong khi đó, Nga không có gì để sợ hãi, vì đồng rúp thực sự không có giao dịch bất cứ nơi nào, ngoại trừ các thỏa thuận hoán đổi và việc các ngân hàng trung ương phương Tây bán rúp trong nỗ lực cùng với Washington phá giá đồng tiền xứ bạch dương. Trong thực tế, đồng rúp thời gian qua đã rớt giá rất mạnh. Nhưng dường như Moscow không can thiệp đủ mạnh.

Theo giới phân tích, đây là là một chiến lược tuyệt vời của “đại kỳ thủ” Vladimir Putin. Bởi khi rúp lao dốc, các nhà đầu tư phương Tây có cổ phiếu ở Nga sẽ phải bán tháo cổ phiếu trên thị trường, tạo cơ hội để Nga mua lại với giá thấp và làm tăng giá rúp ngay lập tức. Theo báo Spiegel (Đức), chỉ riêng với “trò chơi” này, Nga đã thu lời ít nhất 20 tỷ USD tính đến đầu năm nay. Ngoài ra, Nga cũng thu về được khoảng 30% cổ phần trong các công ty dầu khí từ các tổ chức nước ngoài.

Nga và Trung Quốc đang bắt tay để loại bỏ dần thế độc tôn của USD.

Nga và Trung Quốc đang bắt tay để loại bỏ dần thế độc tôn của USD.

Nga có dự trữ ngoại hối gần 500 tỷ USD, hơn 2 lần so với rúp trong lưu thông. Nền kinh tế Nga cũng khá cân bằng, với chỉ khoảng 15% nợ so với GDP, trong khi tỷ lệ nợ trên GDP của EU gần 100%. Việc giá dầu hạ xuống thấp hơn 50USD/thùng, nhiều người cho là chiêu trò của Hoa Kỳ và Saudi Arabia nhắm vào nền kinh tế Nga, cũng không mấy hiệu quả.

Ngược lại, theo Zero Hedge, chính Hoa Kỳ mới bị ảnh hưởng mạnh mẽ từ sự sụt giảm giá dầu. Ngành công nghiệp dầu khí Hoa Kỳ đóng góp tới 1.200 tỷ USD vào GDP (tương đương 7%) và tạo ra hơn 9,3 triệu việc làm có lương cao cố định trên toàn quốc. Ngành sản xuất dầu đá phiến sét của Hoa Kỳ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ việc giá xăng dầu rơi tự do. Texas và Bắc Dakota sẽ là người thua cuộc chính, về thất nghiệp và suy thoái kinh tế, nhưng hậu quả sẽ được cảm nhận ở tất cả ngành công nghiệp có liên quan đến năng lượng hydrocarbon.

Ngoài ra, sức mạnh của USD nằm ở các giao dịch dầu mỏ. Giá trị các giao dịch dầu mỏ giảm đi (do giá dầu lao dốc) sẽ khiến lượng “đô la dầu mỏ” ngày một ít đi. Và như vậy, USD đang mất dần sức mạnh. Nga là một quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn. Kể từ khi chịu sự trừng phạt của phương Tây, Moscow đã tiến hành bán dầu mỏ bằng rúp hoặc bằng vàng vật chất, hạn chế tối đa việc giao dịch bằng USD. Tính đến tháng 1-2015, lượng vàng dự trữ của Nga đã tăng đáng kể. Như vậy, đồng rúp được bảo đảm bằng vàng - một thực tế càng khiến Moscow mạnh hơn trong cuộc chiến với USD.

(Còn tiếp)

Các tin khác