Chiến lược cho trái cây xuất khẩu

Mấy ngày gần đây thông tin khan hiếm chuối phục vụ xuất khẩu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, theo chia sẻ của một số DN chuyên xuất khẩu chuối, từ đầu năm đến nay các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai gia tăng đơn hàng nhập khẩu đối với mặt hàng chuối, nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đủ khả năng để cung ứng.

Mấy ngày gần đây thông tin khan hiếm chuối phục vụ xuất khẩu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Cụ thể, theo chia sẻ của một số DN chuyên xuất khẩu chuối, từ đầu năm đến nay các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Dubai gia tăng đơn hàng nhập khẩu đối với mặt hàng chuối, nhưng doanh nghiệp (DN) Việt Nam không đủ khả năng để cung ứng.

Lý giải nguyên nhân này, hầu hết chủ DN đều cho rằng sản phẩm chuối xuất khẩu nước ta chất lượng chưa cao do quy mô canh tác thiếu tập trung. Vì thế, khi nhà nhập khẩu quy định trái chuối phải tròn đều, độ sáng nhất định, nải chuối khoảng 30 trái hoặc nặng 3-5kg, lượng hàng xuất khẩu đạt tiêu chuẩn chỉ đạt 1.000-3.000 tấn/năm. Một số công ty thu mua chuối xuất khẩu cho rằng do phải thu gom nhiều nơi nên chi phí thu mua và vận chuyển cao.

Mặt khác, trong quá trình vận chuyển từ các nhà vườn đến nơi tiêu thụ thiếu chuyên nghiệp nên hàng bị dập khiến giá trị xuất khẩu giảm. Hiện các DN cho biết đang tiến hành liên kết với nông dân, hỗ trợ về kỹ thuật và cây giống để sản phẩm ra thị trường đạt chất lượng hơn. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi một quá trình dài và có nguồn vốn lớn.

Câu chuyện khan hiếm và không đạt chất lượng xuất khẩu có lẽ không chỉ riêng cho trái chuối mà còn cho nhiều sản phẩm trái cây khác của Việt Nam. Với khí hậu thiên nhiên thuận lợi, Việt Nam có nhiều loại trái cây đặc trưng được các nước trên thế giới ưa chuộng.

Song chính việc quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc trong thời gian dài, đã khiến cả nông dân lẫn DN bỏ quên việc đảm bảo sự đồng đều, chất lượng, đảm bảo những quy trình trồng theo đúng tiêu chuẩn của những thị trường khó tính, nên khi những thị trường này có nhu cầu đã không thể đáp ứng. Đã đến lúc Nhà nước, DN và nông dân cần có sự liên kết mạnh mẽ hơn để có những chiến lược cho các sản phẩm trái cây của Việt Nam.

Việc này sẽ giúp DN luôn chủ động đón cơ hội, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay không còn chỗ cho những sản phẩm có chất lượng kém. Ngoài ra, việc quy hoạch tốt không chỉ để phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu mà còn tiêu thụ trong nước. Hiện nay nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm sạch của người tiêu dùng Việt Nam rất cao, nhưng việc tìm những sản phẩm thực sự sạch lại khó như mò kim đáy bể, nên không ít người phải đặt niềm tin vào trái cây nhập ngoại.

Mong rằng trong thời gian tới, những câu chuyện tương tự sẽ dần một ít đi, trái cây Việt Nam sẽ được tới những thị trường khó tính để khẳng định giá trị và chất lượng của mình. Theo dự báo năm 2015 kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt ngưỡng kỷ lục 2 tỷ USD. Đây thực sự là tin vui và sẽ là động lực tăng trưởng cho những năm sắp tới.  

Các tin khác