Tín dụng tăng trưởng tốt vẫn đáng lo

Tên của bạn (*)

Tăng trưởng vốn tốt, nhưng các ngân hàng cũng phải đối mặt với bài toán cân đối dòng vốn khi tăng trưởng huy động không bù kịp hoạt động cho vay.

Kể từ khi bắt đầu tái cấu trúc cho đến nay, các ngân hàng đang dần quay trở lại thời kỳ cho vay dễ dàng hơn trước. Lấy ví dụ như Ngân hàng Quân đội (MBB), chưa có báo cáo kết quả kinh doanh 9 tháng, nhưng theo thông tin tại Đại hội cổ đông bất thường gần đây, Ngân hàng đã đạt mức tăng trưởng tín dụng 12,7% trong 9 tháng đầu năm. Con số này gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động tín dụng của MBB bắt đầu tăng trưởng mạnh ở thời điểm quý II của năm nay, nhờ những khoản vay cá nhân và cho vay doanh nghiệp, theo báo cáo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI.

MBB không phải là ngân hàng duy nhất tăng trưởng tín dụng tốt trong thời gian qua. Tính đến ngày 21.9, số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 10,78% so với cuối năm 2014 và là mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2011.

Điều này phần nào cho thấy các ngân hàng đang dần thoát ra khỏi vỏ ốc an toàn của mình. Theo nhận định của Công ty Chứng khoán VCSC, ngân hàng có vẻ như đang chuyển dần danh mục tài sản từ trái phiếu sang một danh mục rủi ro hơn: tín dụng. Tình huống này trái ngược với các năm trước đây khi ngân hàng chỉ tập trung mua trái phiếu, vốn có mức độ an toàn hơn nhiều.


Tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2015.
Tăng trưởng tín dụng các tháng đầu năm 2015.

Sự chuyển hướng nói trên một phần là do sự khuyến khích của cơ quan quản lý. Hồi tháng 8, hàng loạt các ngân hàng được phép nới giới hạn tăng trưởng tín dụng như VPBank hay Techcombank được tăng tín dụng lên đến 30%. Ngân hàng Nhà nước cũng nâng kỳ vọng tăng trưởng tín dụng mục tiêu thường niên thêm 2 điểm phần trăm, lên quanh mức 17%. Trong Thông tư về quản lý hoạt động ngân hàng gần đây, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nới tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn lên gấp đôi so với quy định trước đó.

Ngoài những nỗ lực của cơ quan quản lý, tình hình năm nay cũng sáng sủa hơn nhờ nhu cầu nền kinh tế khởi sắc. Giao dịch trên thị trường bất động sản ấm trở lại, trong khi hoạt động sản xuất và thương mại của doanh nghiệp cũng gia tăng. Theo báo cáo kinh tế tháng 10 của HSBC, chỉ riêng khu vực kinh tế trong nước nhập siêu rất lớn, lên đến 15,8 tỉ USD, gấp hơn 3,8 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Tăng trưởng tín dụng tốt là điều đáng khích lệ, nhưng đồng thời, các ngân hàng cũng đang phải đối mặt với bài toán cân đối dòng vốn khi tăng trưởng huy động không đủ bù kịp cho hoạt động cho vay. Hãy quay trở lại với ví dụ ở MBB. Trái ngược với tín dụng, tăng trưởng lượng huy động trong 9 tháng đầu năm của ngân hàng này mới chỉ đạt 3,8%. Lãi suất huy động của MBB thấp hơn thị trường chung khoảng 50 điểm cơ bản, theo thống kê 6 tháng đầu năm của Công ty Chứng khoán SSI. Điều này giải thích cho việc tốc độ tăng trưởng huy động của MBB ở mức thấp.

Mặc dù vậy, với tình huống của MBB, SSI đánh giá là không mấy đáng ngại vì tỉ lệ cho vay trên huy động của MBB thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngân hàng (67% so với 85%). Hơn nữa, phần lớn khách hàng gửi tiền của ngân hàng này vẫn là tổ chức kinh tế, trong đó có các tập đoàn lớn như Viettel. Đây là một thuận lợi cho MBB vì lượng tiền do các tổ chức gửi vào không những lớn hơn mà còn ổn định hơn. Đó là chưa kể những dịch vụ mà Ngân hàng có thể cung cấp kèm theo như trả lương, thanh toán thương mại…

Trên thị trường chung, tình hình thanh khoản các ngân hàng vẫn chưa có tín hiệu gì bất ổn và trong vòng 6 tuần trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước vẫn hút ròng tiền về trên thị trường mở (trong 6 tuần, đã có 5 tuần hút ròng với giá trị lên tới 21.477 tỉ đồng, theo BVSC). Tuy nhiên, các ngân hàng sẽ phải cân nhắc tới việc duy trì hay nâng lãi suất. HBSC trong nghiên cứu gần đây cho rằng hiện tại lãi suất thị trường mở (OMO) sẽ tiếp tục được giữ ở mức 5%, nhưng ngân hàng này cũng dự báo lãi suất sẽ tăng thêm 0,5 điểm phần trăm vào quý III năm sau do nền kinh tế tăng trưởng cao hơn.

Lãi suất huy động từ trước đến nay luôn là át chủ bài để các ngân hàng cạnh tranh về vốn. Lãi suất tăng kích thích khách hàng gửi tiền tiết kiệm nhiều hơn. Hơn nữa, lãi suất huy động hiện đang chịu áp lực tăng bởi dòng tiền từ thị trường 1 có xu hướng chuyển dịch sang các loại tài sản sinh lời khác. Chẳng hạn như tiền USD có xu hướng tăng giá, hay lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác cũng trở nên hấp dẫn hơn so với việc gửi tiền đồng lấy lãi quanh mức 5%. Đó là chưa nói đến việc các doanh nghiệp trong quý cuối của năm thường có nhu cầu về vốn rất lớn.

Lãi suất cao thì thu hút được vốn tốt hơn, nhưng cũng có mặt trái là làm tăng chi phí cho ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng lại khó tăng lãi suất cho vay vì cần phải duy trì khả năng cạnh tranh. Do đó, chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay sẽ ngắn lại, đồng nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ giảm đi.

Một kênh khác để các ngân hàng tìm vốn là thị trường liên ngân hàng, nhưng đây là thị trường ngắn hạn, không phải là kênh tìm vốn lâu dài. Các ngân hàng cũng có bài học lớn về cuộc chạy đua lãi suất trong giai đoạn trước đây, cả trên thị trường dân cư lẫn thị trường liên ngân hàng. Hệ quả là thanh khoản của từng ngân hàng và của cả hệ thống mất ổn định, lãi suất bị méo mó. Đó là bài học quá đắt mà không ai muốn lặp lại. Vì thế, muốn tính chuyện đường dài, các ngân hàng sẽ phải cân đối được dòng tiền vào ra này.

Các tin khác