CPI thấp nhưng không có biểu hiện giảm phát

Chính phủ dự kiến GDP của 2016 sẽ tăng khoảng 6,7%, CPI ở mức 5%.

Chính phủ dự kiến GDP của 2016 sẽ tăng khoảng 6,7%, CPI ở mức 5%.

 

Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sáng 12/10.

Trên cơ sở tình hình 9 tháng qua và triển vọng sắp tới, Chính phủ ước thực hiện một số chỉ tiêu năm 2015: GDP khoảng 6,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%,  nhập siêu khoảng 3,6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...

Trong 14 chỉ tiêu đề ra dự kiến có 1 chỉ tiêu không đạt là tỷ lệ che phủ rừng, Thứ trưởng Đào Quang Thu cho biết.

Riêng với CPI, bình quân 9 tháng tăng 0,74 so với cùng kỳ. Đây là mức tăng thấp, song Chính phủ khẳng định không có biểu hiện giảm phát. Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hóa  và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (đã loại trừ yếu tố giá) tăng 9,1%, cao hơn nhiều so với các năm trước, Chính phủ lý giải.

Đánh giá chung, Chính phủ cho rằng nền kinh tế phục hồi rõ nét, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.

Động lực tăng trưởng chủ yếu của năm nay được nhận định là do sự phục hồi và tăng trưởng cao của sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự tăng nhanh của sản xuất và xuất nhập khẩu vả của vực doanh nghiệp FDI lớn, khả năng cạnh tranh cao và không bị ảnh hưởng của việc giảm giá xuất khẩu nông sản do ít đầu tư vào khu vực này; tiêu dùng trong nước, sức mua tổng cầu được cải thiện nhờ lòng tin và ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và lạm phát thấp…

Theo Chính phủ, việc phá giá đồng tiền của Trung Quốc cùng với việc giảm giá dầu thô và các mặt hàng nông sản xuất khẩu có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam nhưng không lớn.

Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Như, chưa có nhiều giải pháp cụ thể, có hiệu quả để khắc phục các mặt trái của quá trình hội nhập quốc tế. Cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đạt thấp và tái cơ cấu ngân hàng thương mại yếu kém đang là thách thức lớn. Nợ công và áp lực trả nợ công, nợ nước ngoài ngày càng tăng.

Trong mục tiêu tổng quát 2016, Chính phủ xác định tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng hợp lý, kinh tế phát triển bền vững.

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu được Chính phủ dự kiến cho năm sau là GDP tăng khoảng 6,7%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%, nhập siêu dưới 5%, bội chi ngân sách khoảng 5% GDP, CPI khoảng 5%...

Chính phủ xác định điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiện tệ, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, mức dư nợ tín dụng phù hợp với yêu cầu tăng trưởng, đồng thời đảm bảo chất lượng tín dụng.

Trong sáng nay và đầu giờ chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội, ngân sách của Chính phủ.

Các tin khác