Sửa kỳ hạn TPCP hợp khẩu vị

Nhiều phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt tỷ lệ thành công rất thấp nếu không muốn nói bị ế. Không tìm ra người mua TPCP là thực tế, vì đa số đối tượng nhà đầu tư không ưa chuộng trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Chính vì vậy Bộ Tài chính đã phải vay từ NHNN và NHTM để bù đắp thanh khoản. Do vậy, việc phát hành trở lại tất cả các kỳ hạn sẽ hợp khẩu vị nhà đầu tư.

Nhiều phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) đạt tỷ lệ thành công rất thấp nếu không muốn nói bị ế. Không tìm ra người mua TPCP là thực tế, vì đa số đối tượng nhà đầu tư không ưa chuộng trái phiếu kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên. Chính vì vậy Bộ Tài chính đã phải vay từ NHNN và NHTM để bù đắp thanh khoản. Do vậy, việc phát hành trở lại tất cả các kỳ hạn sẽ hợp khẩu vị nhà đầu tư.

Trở lại tất cả kỳ hạn

Mới đây, Chính phủ thống nhất phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn quy định tại Luật Quản lý nợ công và Nghị định 01/2011/NĐ-CP về phát hành TPCP, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Mặc dù quyết định này sẽ còn chờ Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới diễn ra vào tháng 10 và tháng 11, nhưng cho thấy Chính phủ sẽ nối lại hoạt động phát hành trái phiếu ở tất cả các kỳ hạn. Bởi trong 1 năm qua, theo như quy định trong Luật Quản lý nợ công và Nghị định 01/2011/NĐ-CP ngày 5-1-2011 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội diễn ra vào tháng 10, tháng 11-2014, Quốc hội đã thông qua nghị quyết chỉ phát hành TPCP kỳ hạn từ 5 năm trở lên.

 

Việc tăng kỳ hạn dài là do trước đó TPCP kỳ hạn 2-3 năm chiếm một tỷ lệ lớn. Tuy nhiên sau đó nhiều ý kiến đã nêu rõ quy định này là quá chặt chẽ và lo ngại sẽ hạn chế khả năng huy động vốn của Bộ Tài chính. Và rồi những lo lắng đã diễn ra khi gần hết năm nhưng kết quả phát hành TPCP kỳ hạn dài không đạt như kỳ vọng. Thống kê cho thấy nhiều đợt đấu thầu của Kho bạc Nhà nước đạt tỷ lệ thành công thấp từ 20-30%. Trong báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, kết luận tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP trong tháng 9-2015 chỉ đạt 20,7%. Theo tính toán của cơ quan này, kể từ đầu năm trái phiếu kỳ hạn 15 năm đã phát hành vượt kế hoạch (133,8%), trong khi đó trái phiếu 5 năm và 10 năm hiện mới đạt 29,4% và 12,8% kế hoạch năm. Tỷ lệ huy động TPCP  thành công là 54% và kỳ hạn phát hành bình quân đạt 7,6 năm, đạt thấp (38,5%) so với kế hoạch năm 2015.

Với tỷ lệ thực hiện trên kế hoạch huy động 250.000 tỷ đồng TPCP được cho là sẽ khó hoàn thành vì thời gian qua nhiều phiên đấu thầu TPCP không tìm được người mua. Nguyên nhân của tình trạng này là do lợi suất trái phiếu vẫn thấp và dù thị trường kỳ vọng sẽ tăng nhưng cũng chỉ tăng nhẹ thêm 0,05% trong tháng 8 vừa qua. Đồng thời, đối tượng mua TPCP có đến 80% là các NHTM, nhưng họ cũng chỉ có nhu cầu lớn đối với trái phiếu ngắn hạn. Trong khi đó thời gian qua, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng phần nào khiến dòng vốn đã chảy từ trái phiếu sang tín dụng, vì tính đến ngày 21-9 tăng trưởng tín dụng đã tăng 10,5% so với cuối năm 2014, mức cao nhất trong 4 năm qua. Như vậy, nếu không thay đổi kỳ hạn phát hành chắc chắn Kho bạc Nhà nước không thể hoàn tất kế hoạch phát hành trái phiếu trong năm 2015.

Bù đắp thâm hụt

Để bù vào phần vốn không huy động được theo kế hoạch, mới đây Bộ Tài chính đã phải vay NHNN giá trị 30.000 tỷ đồng mục đích là nhằm hỗ trợ Bộ Tài chính đảm bảo thanh khoản trong ngắn hạn. Ngoài việc vay từ NHNN, trong một báo cáo cuộc họp thường kỳ quý III-2015, Bộ Tài chính cho biết đã huy động 1 tỷ USD hồi tháng 4-2015 từ Vietcombank, được quy đổi bằng 21.458 tỷ đồng. Gần đây, một thông tin cho rằng Bộ Tài chính có thể sẽ vay thêm 1 tỷ USD nữa của Vietcombank với lãi suất khoảng 3-4%/năm. Mặc dù việc thu ngân sách luôn được khẳng định không gặp khó khăn, nhưng hành động này của Bộ Tài chính có thể cho thấy áp lực ngân sách cuối năm là rất lớn.

Hiện nay, dù có nhiều tranh luận khác nhau về tỷ lệ nợ công trên GDP, nhưng chủ yếu vẫn lo ngại về tỷ lệ nợ công đang có xu hướng tăng lên. Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình giảng dạy Fulbright, nợ công Việt Nam sẽ tăng với tốc độ ngày càng nhanh bởi yếu tố tích tụ làm tăng nợ công không chỉ là thâm hụt ngân sách, các khoản vay nợ ngoài ngân sách, bảo lãnh Chính phủ, mà còn tiền lãi phát sinh đang ngày càng nhiều do nợ công đang ở mức rất cao.

Như vậy, nếu trái phiếu kỳ hạn ngắn 1, 2, 3 năm được phát hành trở lại sau khi Quốc hội thông qua vào kỳ họp sắp tới (dự kiến bắt đầu từ ngày 20-10), Bộ Tài chính còn nhiều thời gian để phát hành đủ trái phiếu để có tiền trả cho NHNN và bù đắp vào phần thanh khoản thiếu hụt từ phát hành trái phiếu trước cuối năm.

Trước đó đã có nhiều ý kiến cho rằng việc Quốc hội buộc Chính phủ chỉ được phát hành trái phiếu kỳ hạn 5 năm là phi thực tế. Việc tăng kỳ hạn trái phiếu nhằm giảm rủi ro nợ công là không có căn cứ. Việc hạn chế kỳ hạn đã làm mất tính linh động và phá vỡ các quy luật trên thị trường tài chính. Thực tế từ khi bị buộc phải phát hành trái phiếu kỳ hạn thấp nhất là 5 năm làm cho việc phát hành trái phiếu gặp nhiều khó khăn. Tình trạng nợ công của Việt Nam cũng không vì quy định này mà được cải thiện. Do đó, việc Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phát hành tất cả kỳ hạn trái phiếu trở lại là cần thiết, không chỉ bởi do huy động trái phiếu khó khăn mà còn là phù hợp với các quy luật vốn có của thị trường tài chính.

Các tin khác