Kỳ vọng thế hệ doanh nhân mới

Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam lại càng to lớn hơn. Chính DN và doanh nhân là nhân tố quan trọng quyết định vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong môi trường hội nhập. Và đây chính là lúc bản lĩnh doanh nhân phải được thể hiện hơn bao giờ hết.

Khi đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, vai trò và trách nhiệm của doanh nhân Việt Nam lại càng to lớn hơn. Chính DN và doanh nhân là nhân tố quan trọng quyết định vị thế của nền kinh tế Việt Nam trong môi trường hội nhập. Và đây chính là lúc bản lĩnh doanh nhân phải được thể hiện hơn bao giờ hết.

 

Đủ sức đương đầu hội nhập

Điều đầu tiên cần phải khẳng định rằng cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam là lực lượng quan trọng, đưa đất nước từ thu nhập thấp đi lên thu nhập trung bình. Hiện nay cả nước có hàng triệu doanh nhân, những người đang đứng mũi chịu sào để lãnh đạo, điều hành gần 500.000 DN, 15.000 hợp tác xã và 4 triệu hộ kinh doanh. Trong những năm qua, đội ngũ này đã có đóng góp quan trọng vào nền kinh tế quốc dân, bao gồm cả việc góp phần phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu ngân sách, đảm bảo an sinh xã hội… Nhiều doanh nhân Việt Nam đang tham gia điều hành trong các tập đoàn đa quốc gia hoặc đang là đại diện ngang bằng với doanh nhân nước ngoài trong các liên doanh quốc tế.

Ở bất kỳ quốc gia nào, dù nhỏ đến đâu cũng có thể tạo ra những sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Hiện niềm tin của cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam đã trở lại và đang bắt đầu một quá trình đầu tư mới, cẩn trọng và thiết thực hơn. Với một tâm thế như vậy cộng với môi trường kinh doanh cải thiện, hội nhập được gia tốc, DN, doanh nhân thế hệ mới đủ điều kiện thuận lợi vươn lên trưởng thành trong thời gian tới.

Ông VŨ TIẾN LỘC, Chủ tịch VCCI

Hiện nay, cộng đồng DN, doanh nhân đang ở trong giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi Đổi mới. Nguyên nhân được xác định do tác động từ tình hình kinh tế thế giới khó khăn, cũng như những tồn tại của bản thân nền kinh tế nước ta. Trong bối cảnh đó, phần lớn DN, doanh nhân cố gắng trụ vững, vẫn đóng góp lớn vào việc duy trì nhịp độ tăng trưởng của nền kinh tế. Nỗ lực này của cộng đồng DN, doanh nhân có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo công ăn việc làm, đảm bảo cân đối ngân sách cho đầu tư phát triển đất nước.

Điều đáng quý, rất nhiều doanh nhân trong bối cảnh hiện nay, nếu chỉ vì lợi nhuận của chính bản thân mình thà rằng họ đóng cửa để bảo toàn vốn sẽ an toàn hơn. Nhưng các doanh nhân này vẫn tiếp tục duy trì sản xuất kinh doanh, tạm đóng cửa rồi hoạt động trở lại để ổn định công ăn việc làm cho người lao động, đóng góp cho Nhà nước. Chính nghĩa cử đó của các doanh nhân rất đáng được tôn vinh. Đóng góp cho ngân sách, công ăn việc làm hiện nay chủ yếu là đóng góp từ khu vực DN, toàn bộ khu vực nông nghiệp nông thôn khả năng đóng góp không nhiều. Và đó là vai trò quan trọng của doanh nhân.

Dù phía trước còn vô vàn khó khăn, thử thách, nhưng với những gì đạt được, thế hệ doanh nhân mới được kỳ vọng đủ sức làm ra những thương hiệu Việt, với tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội. Đây là một thế hệ kinh doanh chuyên nghiệp, bài bản, một thế hệ không ồn ào nhưng thực chất, đủ sức đương đầu với hội nhập và xây dựng nền kinh tế tự chủ. Có thể nói, những doanh nhân trụ được tới thời điểm này đã khác trước rất nhiều. Với những doanh nhân vừa trải qua cơn bạo bệnh, họ đã có một sự trải nghiệm đáng nhớ và chuyển mình. Còn thế hệ doanh nhân trẻ, những người được học hành bài bản, làm việc trong môi trường bình đẳng hơn đang lớn dần lên. Trong những năm tới tình hình kinh tế được cải thiện, cơ hội kinh doanh thuận lợi hơn, các DN, doanh nhân Việt Nam sẽ bước vào một giai đoạn mới tăng trưởng bền vững hơn.

Chủ động và linh hoạt

Dẫu vậy, cũng phải nhìn nhận nhiều DN, doanh nhân vẫn còn yếu kém, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang diễn ra ngày càng sâu rộng. Đó là việc đầu tư theo phong trào, phát triển chủ yếu theo chiều rộng, thiếu bài bản, quản trị lạc hậu, sử dụng nguồn lực lãng phí… Đã có doanh nhân buộc phải rời khỏi thương trường, trong mấy năm gần đây số lượng DN phá sản, giải thể, ngừng hoạt động gia tăng đáng kể. Trải qua khủng hoảng, nhiều doanh nhân đã thấm thía bài học đắt giá, không còn chạy theo bề ngoài hoành tráng, bốc đồng của thời kinh doanh dễ dãi vốn chủ yếu dựa trên các mối quan hệ và chộp giật cơ hội.

Việt Nam đang đứng trước cánh cửa mở rộng của nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, đặc biệt là TPP đã đàm phán xong. Việc thực hiện các hiệp định này một mặt sẽ mở rộng cơ hội thị trường cho nền kinh tế, mặt khác đặt ra những áp lực đổi mới thể chế kinh tế theo hướng bình đẳng, minh bạch theo yêu cầu của luật chơi kinh tế toàn cầu. Để tồn tại và tiếp tục phát triển, DN, doanh nhân Việt buộc phải có sự chuẩn bị bài bản để nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động bước chân vào cuộc chơi toàn cầu.

Điều này đòi hỏi cả các nhà hoạch định chính sách và DN, doanh nhân đều phải nỗ lực hành động thống nhất và quyết liệt. Ngoài việc hoạch định, ban hành khuôn khổ pháp lý phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, Nhà nước cần đồng hành hỗ trợ DN thực hiện thành công lộ trình chuyển đổi này. Trong khi đó, các DN, doanh nhân cũng phải tiếp tục sáng tạo và đổi mới chiến lược sản xuất - kinh doanh, tiếp thị; đồng thời chủ động tiếp cận và áp dụng các mô hình quản trị công ty tiên tiến, tuân thủ và hướng tới các chuẩn mực điều hành, báo cáo quốc tế.

Hiện môi trường kinh doanh đang thay đổi theo chiều hướng tích cực, thể hiện qua tình hình vĩ mô bước đầu ổn định và cải cách thể chế có dấu hiệu đột phá. Bên cạnh đó, việc tham gia các FTA lớn sẽ mở ra không gian mới cho DN, doanh nhân Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư và thỏa sức vẫy vùng. Tuy nhiên, các DN, doanh nhân có tận dụng được cơ hội này để phát triển hay không phụ thuộc lớn vào cải cách thể chế trong nước.

Nếu cải cách đủ mạnh, đủ lớn sẽ yểm trợ cho DN, doanh nhân mạnh lên, tận dụng tốt các cơ hội. Điều này cũng có nghĩa gia nhập WTO, TPP và các FTA khác chỉ tạo ra mảnh đất màu mỡ để canh tác, còn DN, doanh nhân phải chăm chỉ, căn cơ mới mong thành công. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, mục đích chính là tạo ra sự hài hòa, hội nhập với thế giới, tạo điều kiện cho DN, doanh nhân phát triển.

Đối với tự thân DN, doanh nhân phải xác định khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ sẽ có những hàng rào khác được dựng lên - hàng rào kỹ thuật. Các hàng rào này có thể vô hiệu hóa mọi nỗ lực thâm nhập thị trường. Để vượt qua rào cản này, DN, doanh nhân Việt Nam phải tuân thủ nghiêm ngặt tiêu chuẩn chất lượng và trách nhiệm xã hội, không gây tổn hại đến môi trường, chăm lo đảm bảo đời sống của người lao động.

Dù thâm nhập thị trường từ cái tăm, lọ tương ớt cho đến bộ phận của tàu vũ trụ, tất cả đều phải tuân thủ những quy chuẩn. DN, doanh nhân là lực lượng chủ công trong sự phát triển đất nước. Vì thế, đây là lúc phát huy tính chủ động trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao tính cạnh tranh của chính bản thân mình và cho cả cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, cũng như nền kinh tế đất nước trong sân chơi hội nhập. 

Các tin khác