TPP - Chăn nuôi khó nhưng vẫn có cơ hội

Vào TPP ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự lấn sân của các doanh nghiệp nhiều nước trong TPP, nếu không chuẩn bị tốt ngành chăn nuôi trong nước hoàn toàn khó có thể đứng vững trên sân nhà và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Ông LÊ BÁ LỊCH, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đã khẳng định khi trao đổi với ĐTTC.

Vào TPP ngành chăn nuôi sẽ đối mặt sự lấn sân của các doanh nghiệp nhiều nước trong TPP, nếu không chuẩn bị tốt ngành chăn nuôi trong nước hoàn toàn khó có thể đứng vững trên sân nhà và hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Ông LÊ BÁ LỊCH, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, đã khẳng định khi trao đổi với ĐTTC.

 

PHÓNG VIÊN: - Ông đánh giá thế nào về sức ép cũng như cơ hội từ TPP đối với ngành chăn nuôi?

Ông LÊ BÁ LỊCH: - Ngay khi Việt Nam chưa tham gia TPP ngành chăn nuôi vẫn chịu sức ép rất lớn từ hội nhập. Sự xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm thịt nhập ngoại cho thấy ngành chăn nuôi đang mất dần thị phần trên sân nhà. Và khi Việt Nam tham gia TPP với những cam kết hội nhập sâu, một loạt hàng rào thuế nhập khẩu các sản phẩm thịt về 0% càng khiến ngành chăn nuôi đối mặt với nhiều cú sốc bên ngoài, khi một loạt sản phẩm thịt ngoại nhập sẽ được đưa vào Việt Nam với giả rẻ hơn, chất lượng hơn. Có thể nói khó khăn với ngành chăn nuôi là rất lớn nhưng không phải chúng ta không có cơ hội. Theo đó, thị trường rộng mở hơn, thuế quan ưu đãi hơn. Đặc biệt một số quốc gia trong TPP nhập sản phẩm thịt rất lớn như Nhật Bản, Singapore, Malaysia và Brunei. Hơn nữa khi tham gia TPP, ngành chăn nuôi Việt Nam cũng được hưởng lợi từ việc miễn thuế nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, giống, trang thiết bị, vaccin, thuốc thú y…

- Vậy ngành chăn nuôi cần làm gì để tận dụng tối đa các cơ hội TPP mang lại, thưa ông?

 - Mỗi năm Thái Lan thu về 4,5 tỷ USD từ xuất khẩu thịt gà. Họ quy hoạch những khu chăn nuôi quy mô lớn, riêng biệt để các doanh nghiệp như Công ty Gà vàng, CTCP Group… nuôi gà. Nếu ngành chăn nuôi có chiến lược phát triển dài hạn, 10 năm tới chúng ta hoàn toàn có thể đứng vững được trên thị trường nội địa và hướng tới xuất khẩu. Để làm được điều này, bên cạnh việc phát triển mô hình chăn nuôi gia trại để ổn định sinh kế khoảng 10 triệu nông dân, cần định hướng phát triển các khu chăn nuôi quy mô lớn. Theo đó phải quy hoạch riêng những khu chăn nuôi tách biệt khu dân cư; quy mô các khu chăn nuôi tập trung phải đạt vài triệu con/khu; có sự đầu tư đồng bộ từ khâu sản xuất thức ăn chăn nuôi, đến khâu thú y, chế biến sản phẩm thịt… Hiện nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát hay Vingroup đã bắt đầu đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Đây là tiền đề để chúng ta quy hoạch những khu chăn nuôi lớn nhằm thu hút doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn cho chăn nuôi.

Để tận dụng cơ hội TPP mang lại, cần xây dựng một cơ chế mở để phát triển chăn nuôi quy mô lớn; có chính sách hỗ trợ hạ tầng như điện, đường, hệ thống cấp nước giúp các doanh nghiệp đầu tư chăn nuôi quy mô lớn; có cơ chế về tích tụ đất đai cho đầu tư chăn nuôi, vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi; chuyển hàng triệu ha nông lâm trường hoạt động không hiệu quả sang đầu tư những vùng chăn nuôi công nghệ cao, hướng đến xuất khẩu.

- Khó khăn lớn nhất các doanh nghiệp chăn nuôi đang gặp phải là gì, thưa ông?

- Khó khăn lớn nhất của ngành chăn nuôi là vốn. Các doanh nghiệp, các chủ trang trại trong nước vốn ít, thường đi vay ngân hàng với lãi suất cao. Đây cũng là một bất lợi cho ngành chăn nuôi khi tham gia TPP. Khảo sát một số nước, tôi được biết doanh nghiệp chăn nuôi tại Đài Loan vốn tự có 80-90%, chỉ vay ngân hàng dưới 20%. Trong khi doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam đa phần là vừa và nhỏ, hoặc mô hình chăn nuôi tư gia, hộ gia đình nên thường thiếu vốn. Có 1 đồng đi vay 6-7 đồng. Bên cạnh đó, hiện nay mức lãi vay của doanh nghiệp chăn nuôi tại các ngân hàng trong nước khoảng 11%/năm, lãi suất ưu đãi cho nông nghiệp ở mức 7%/năm. Mức lãi vay này cao so với nhiều nước, như Thái Lan khoảng 3%/năm, Trung Quốc 5%/năm, Hoa Kỳ 0,5%/năm. Vì vậy doanh nghiệp chăn nuôi nước ngoài có lợi thế rất lớn về đầu vào khi cạnh tranh với doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam.

- Hiện nay nhiều ý kiến lo ngại về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, chủ trang trại chăn nuôi Việt Nam khi tham gia TPP?

- Có thể khẳng định về kỹ thuật chăn nuôi Việt Nam không kém Thái Lan hay các nước khác trong khu vực. Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, các chủ trang trại trong nước đã cơ bản làm chủ được kỹ thuật chăn nuôi. Hiện nay, các chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi trong nước sử dụng khoảng 1,6kg thức ăn chăn nuôi để tạo ra 1kg thịt gà. Ở Đông Nam bộ có trang trại chỉ sử dụng khoảng 1,5kg thức ăn để nuôi được 1kg gà. Tương tự, các doanh nghiệp trong nước sử dụng 2-2,5kg thức ăn chăn nuôi để có được 1kg thịt heo hơi. Trong khâu sản xuất giống, nhiều trang  trại chăn nuôi lợn giống đã rất thành công trong phát triển đàn lợn nái. Thí dụ, CTCP Tập đoàn Dabaco Bắc Ninh sử dụng 1 heo nái để sinh sản ra 28 heo con/năm, điều trước đây không hề có.

Trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, doanh nghiệp trong nước hoàn toàn sản xuất đủ thức ăn chăn nuôi để cung ứng cho thị trường. Nhiều doanh nghiệp trong nước như Công ty Vina Đồng Nai sản xuất khoảng 500.000 tấn/năm; Masan sản xuất 1,5-2 triệu tấn/năm; Dabaco Bắc Ninh sản xuất 400.000-500.000 tấn/năm… cho thấy các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn chủ động được về nguồn thức ăn chăn nuôi.

Yếu kém lớn nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam nằm ở khâu thú y, hàng năm dịch bệnh lở mồm long móng, dịch tai xanh ở gia súc, cúm gia cầm vẫn đe dọa người nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi cần hướng đến việc giảm giá thành sản phẩm để tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại. Trong giá trị thành phẩm thịt Việt Nam hiện nay chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 65-70%, trong khi những nước có quy trình chăn nuôi khoa học như Hoa Kỳ chi phí này chỉ khoảng 55%. Có nhiều yếu tố đầu vào của ngành chăn nuôi có thể tiết giảm. Chẳng hạn, chủ trại nuôi có thể giảm 6-7% chi phí về giống, 9-10% chi phí thức ăn chăn nuôi, đặc biệt có thể giảm được 8-10%.

- Xin cảm ơn ông. 

Các tin khác