Thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò

Hội thảo “Hợp tác và phát triển trong lĩnh vực sản xuất bò giống: Bài học của Đan Mạch” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 8/10 tại Hà Nội là cơ hội cho các nhà quản lý, hiệp hội, nhà khoa học, DN… học tập những kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiến bộ trong quá trình quản lý, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trong các sản phẩm từ bò.

Hội thảo “Hợp tác và phát triển trong lĩnh vực sản xuất bò giống: Bài học của Đan Mạch” do Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức ngày 8/10 tại Hà Nội là cơ hội cho các nhà quản lý, hiệp hội, nhà khoa học, DN… học tập những kinh nghiệm, khoa học kỹ thuật tiến bộ trong quá trình quản lý, chăn nuôi bò sữa, bò thịt, đặc biệt là vấn đề kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm trong các sản phẩm từ bò.

 

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, trước nhu cầu tiêu dùng thịt bò và sữa bò ngày càng tăng tại Việt Nam, những năm gần đây, nhiều DN trong nước đã bắt đầu quan tâm đến chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đạt được những bước phát triển đáng kể về tổ chức sản xuất và quan tâm nhiều hơn đến nâng cao chất lượng. Tuy nhiên, Việt Nam cần thêm những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ giống bò từ các nước có nền chăn nuôi phát triển.

Tại Hội thảo, các công ty của Đan Mạnh đã chia sẻ những công nghệ tốt về di truyền, những kinh nghiệm trong quản lý, vận hành hệ thống sản xuất của Đan Mạch cũng như những vấn đề Đan Mạch đang nghiên cứu trong thời gian này.
Bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam đánh giá nông nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ thông qua thực thi đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Đặc biệt, công nghệ chăn nuôi của Việt Nam cũng đã chuyển biến tích cực từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi trang trại.

Bà Charlotte Laursen tin tưởng, tiêu thụ thịt của Việt Nam sẽ liên tục tăng, là cơ sở để Việt Nam đẩy mạnh mở rộng sản xuất. Việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ giúp tăng trưởng và nâng cao lợi nhuận cho người chăn nuôi ở Việt Nam. Trong đó, cải thiện chất lượng con giống, di truyền là khâu quan trọng giúp ngành chăn nuôi Việt Nam nâng cao sản lượng cũng như chất lượng sản phẩm thịt, sữa.

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chăn nuôi bò sữa tuy mới phát triển gần đây nhưng đạt tốc độ nhanh cả về số lượng và chất lượng. Năng suất và sản lượng sữa của bò Việt Nam hiện đạt 4.500-5.500 kg/chu kỳ, tương đương hoặc cao hơn một số nước trung khu vực như Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Philippines. Năm 2014, Việt Nam đã sản xuất được 549.500 tấn sữa, tăng 20,4% so với năm 2013 và đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng sữa trong nước.

Đến 1/4/2015, tổng số lượng đàn bò sữa cả nước là 253.700 con, tăng 26,5% so với năm 2013. Tuy nhiên, quy mô chăn nuôi vẫn nhỏ với chỉ 384 cơ sở, quy mô đàn từ 20 con trở lên (chiếm 1,95%).

Đối với bò thịt, đến 1/4/2015, Việt Nam có 5,3 triệu con, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cho sản lượng thịt khoảng 180.000 tấn, tương đương cùng kỳ năm ngoái. Chăn nuôi bò thịt là nghề truyền thống của nông dân Việt Nam nhưng sản lượng thịt bò chỉ đáp ứng được 3,1% tổng lượng thịt xẻ. Do nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng nên sản xuất thịt bò trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường nội địa, đặc biệt là thịt bò chất lượng cao.

Các tin khác