TPP: Không phải nay ký là mai có quà

Lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và TPP nói riêng mang lại cho dệt may là rất lớn. Tuy nhiên đây là những lợi ích tiềm năng, không phải có ngay lập tức. Điều quan trọng là doanh nghiệp (DN) phải chủ động đổi mới để vươn lên khẳng định mình.

Lợi ích từ các Hiệp định thương mại tự do nói chung và TPP nói riêng mang lại cho dệt may là rất lớn. Tuy nhiên đây là những lợi ích tiềm năng, không phải có ngay lập tức. Điều quan trọng là doanh nghiệp (DN) phải chủ động đổi mới để vươn lên khẳng định mình.

Việc các nước đàm phán xong TPP đem lại tin vui lớn cho DN dệt may. Cơ hội lớn xuất khẩu vào thị trường rộng lớn Hoa Kỳ sẽ mở ra khi hiệp định này có hiệu lực. Tuy nhiên, không ít DN cũng lo rằng, để hưởng được ưu đãi thuế 0% thì các sản phẩm dệt may Việt Nam phải có tỷ lệ nhất định từ nguyên liệu sản xuất trong nước hoặc trong khối. Mà thực tế hiện nay thì trong nước chưa thể đáp ứng. Còn nếu nhập khẩu nguyên liệu từ Mỹ, Nhật thì giá thành rất cao, sản phẩm khó mà cạnh tranh được.

Bà Nguyễn Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Công ty May 10 nói với phóng viên Báo điện tử Chính phủ rằng, cơ hội và thách thức Hiệp định TPP mang lại là như nhau. TPP yêu cầu áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi sẽ làm tăng các áp lực cho DN Việt Nam, buộc các DN phải “cứng” trên thị trường của mình để không bị phụ thuộc.

 Theo đó, chúng ta phải tập trung con người, đầu tư công nghệ và đầu tư thời gian để nghiên cứu để tự sản xuất ra sản phẩm của mình. "Nếu chúng ta không làm được điều này thì TPP sẽ là thách thức không hề đơn giản. Nếu chủ quan, ta sẽ thua ngay trên sân nhà chứ không nói đến xuất khẩu”, bà Nguyễn Thanh Huyền nói.

Cũng liên quan đến câu chuyện dệt may, tại cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức vào mùa Xuân năm nay, ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ: Lợi ích mà các FTA mang lại “là lợi ích tiềm năng, không phải có ngay lập tức, cứ ký được xong là mai anh sẽ có quà”.

 Theo ông, trong hội nhập, những người tận dụng được lợi ích thì trở nên có năng lực cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, khả năng bị thay thế, bị chuyển đổi khó khơn so với việc không gia nhập được chuỗi đó… Đối với DN Việt Nam không chỉ riêng dệt may, mà đa số các ngành xuất khẩu hàm lượng giá trị gia tăng trong nước còn thấp, hay nói cách khác là ta ở khâu giá trị thấp và dễ bị thay thế nếu không có chuyển đổi.

Đối với dệt may để tận dụng những thuận lợi và khắc phục khó khăn khi TPP bắt đầu đi vào thực thi, ông Lê Tiến Trường cho rằng, không có bài giải chung cho các DN. Bởi mỗi DN phục vụ một loại khách hàng, một loại đơn hàng, thậm chí có DN không có khách hàng truyền thống.

 Nhìn chung các DN lớn, đã hoạt động lâu năm, có quan hệ nằm trong chuỗi cung ứng của các thương hiệu khách hàng lớn thì họ có cơ hội chuẩn bị cho việc nâng cấp mình lên. DN cần phải biến thách thức thành lợi thế. Trước đây ta mua sợi từ những nước không được hưởng lợi ích thuế, giờ muốn hưởng lợi ích này thì phải tìm cách mua trong khối TPP hoặc tự làm. Mà khối TPP toàn nước phát triển thì làm gì còn ai làm dệt may nữa, tóm lại là “ta làm”.

 Những người có khả năng "tự làm" đã nằm ở nấc sát nhất trong chuỗi cung ứng có quan hệ trực tiếp với những khách hàng mạnh trên thế giới thì nên tranh thủ tận dụng nhanh trong đàm phán, hợp tác với đối tác để dịch chuyển thêm các bước sản xuất vào Việt Nam để hưởng được lợi ích của hiệp định. Các DN khác có quy tắc xuất xứ, có yêu cầu tỉ lệ cao ở Việt Nam hơn thực tế đang có thì đều cần tiếp cận theo hướng này…

 Nói thêm về những thách thức mà DN phải đối mặt, ông Trường cho rằng, không phải tất cả các thách thức đều đến từ FTA, nhiều thách thức đến từ nội tại. Nói cách khác, nếu không có FTA thì DN Việt vẫn phải đối mặt với các thách thức như: Năng suất thấp, trình độ công nghệ thấp, sức cạnh tranh không cao... và nếu DN cứ giữ nguyên cách làm như hiện tại thì nền kinh tế của chúng ta cũng không phát triển được.

Do vậy, để tăng sự chủ động của DN thì Nhà nước phải kiến tạo ra một môi trường để chi phí DN phải trả cho dịch vụ công thực sự cạnh tranh. Còn DN sẽ phải cạnh tranh theo cơ chế thị trường, không cần dạy họ thắng hay thua. Điều này sẽ làm DN bớt thụ động, tăng sự chủ động. Sẽ có DN thành công, DN thất bại. Dệt may cũng vậy, sẽ có những người thành công và cũng sẽ có những người không thể thành công nổi.

Nếu trước đây, DN suy nghĩ theo cách cũ là “các anh thành công còn em cứ vừa vừa theo cách cũ em làm” thì trong hội nhập sẽ không còn loại DN “vừa vừa” nữa. Người đứng lại sẽ là người rơi vào vào suy thoái, những khó khăn này thì DN sẽ phải nhận thức và khắc phục.

Các tin khác