TPP-Dệt may phấn khởi trong âu lo

Dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Tuy nhiên, để hưởng được những thuận lợi ấy DN cần đáp ứng được nhiều yêu cầu. ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM XUÂN HỒNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

Dệt may là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi lớn khi Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực. Tuy nhiên, để hưởng được những thuận lợi ấy DN cần đáp ứng được nhiều yêu cầu. ĐTTC đã trao đổi với ông PHẠM XUÂN HỒNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Kết thúc đàm phán TPP hẳn là thông tin được nhiều DN dệt may mong chờ, thưa ông?

Ông PHẠM XUÂN HỒNG: - Đây là điều DN chờ đợi từ rất lâu. Theo dự báo, dệt may vào Hoa Kỳ có thể đạt kim ngạch 55 tỷ USD vào năm 2025. Trung bình thuế suất hàng dệt may vào thị trường Hoa Kỳ hiện nay 17,5%, sau TPP về 0%. Hiện 70% tổng giá trị toàn ngành dệt may Việt Nam sang các thị trường trong TPP. Gia nhập TPP, thị phần kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi.

Song cũng có những âu lo như thời gian gấp quá liệu có kịp chuẩn bị để đáp ứng những tiêu chuẩn của TPP. Theo quy định, hàng dệt may muốn được hưởng ưu đãi phải sử dụng sợi và vải từ khu vực TPP, trong khi hiện nay ngành đang phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, rất ít nguyên phụ liệu sản xuất trong nước, nên khả năng khai thác để hưởng lợi chỉ khoảng 20%.

Chúng tôi cũng kỳ vọng thuế giảm theo lộ trình giúp DN có thể khai thác dần để tăng tỷ lệ, nhưng cần có những chương trình đồng bộ và hiệu quả hơn.

- Vậy các DN cần hành động gì để nắm lấy cơ hội?

- Một số DN đã tìm nguồn vải sản xuất trong nước, đồng thời đẩy mạnh liên kết. Lâu nay, sự liên kết của DN dệt may rất yếu về chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, đơn hàng, do đó phải kết nối những người làm sợi, dệt, nhuộm với người sản xuất, xuất khẩu.

Thí dụ, làm FOB (mua nguyên liệu, tự sản xuất và bán hàng trực tiếp không qua trung gian) nếu khai thác được nguyên liệu trong nước, người sản xuất may mặc sẽ có hiệu quả cao, cũng là động lực cho người sản xuất nguyên phụ liệu tự tin tiếp tục đầu tư. Nay, với hấp lực từ TPP, hy vọng khâu đầu tư nguyên phụ liệu sẽ được các DN quan tâm nhiều hơn.

Ngoài ra, mỗi DN phải tự cải thiện khâu quản lý. Nói đơn giản như vấn đề lao động, khi có TPP sự cạnh tranh về lao động sẽ rất gay gắt, lúc ấy mỗi DN phải tự cải thiện quản lý nâng cao năng suất, cải thiện thu nhập cho người lao động để giữ chân lao động có tay nghề. Việc xuất khẩu hàng hóa, để được hưởng lợi không chỉ đáp ứng yêu cầu về xuất xứ sẽ còn nhiều yêu cầu khắt khe khác. Nếu quản lý không tốt, DN sẽ khó vượt qua những rào cản này.

- Ông từng chia sẻ việc DN nội có thể hợp tác với DN FDI để cùng giải bài toán nguyên liệu đầu vào?

- Để đón đầu các cơ hội từ TPP cũng như các FTA, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã đổ vốn vào lĩnh vực dệt may. Thực tế nếu họ không đầu tư sản xuất nguyên liệu ở đây chúng ta cũng phải nhập. Song Nhà nước chỉ nên kêu gọi và chấp thuận cho những dự án FDI vào các ngành sợi, dệt, nhuộm; là những thứ chúng ta còn yếu và thiếu.

Phải thừa nhận việc đầu tư ngành công nghiệp hỗ trợ cho dệt may thời gian qua chuyển động quá chậm. Ngoài ra, cũng như các FTA khác, để DN có thể tận dụng tốt nhất lợi thế từ TPP, Nhà nước và các ngành chức năng nên cập nhật và hướng dẫn cụ thể nội dung về hải quan, tiêu chuẩn của TPP để DN đáp ứng tốt.

- Bên cạnh cơ hội cho xuất khẩu, TPP cũng sẽ là thách thức cho hàng trong nước khi hàng hóa nước ngoài tràn vào?

- Những năm gần đây một số DN dệt may đã quan tâm phát triển nhiều ở thị trường nội địa. Nhưng hành trình chinh phục người tiêu dùng trong nước cũng rất gian nan. Một phần vì người tiêu dùng còn khá chuộng hàng ngoại, phần khác hàng hóa Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã phong phú bủa vây khiến cuộc cạnh tranh của DN càng thêm khó khăn.

Nay với TPP, tương lai hàng hóa ngoại nhập sẽ tràn vào Việt Nam nhiều hơn, với mức thuế xuống còn 0% và hàng nhập có giá hợp lý sẽ thu hút người tiêu dùng Việt Nam. Chính vì vậy, để tồn tại phải xác định rõ con đường mình đi phải bao gồm việc tạo ra những sản phẩm có giá thành hợp lý, chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, và quan trọng hơn phải có hình thức quảng bá phù hợp để người tiêu dùng tin tưởng, đồng hành với hàng Việt.

- Xin cảm ơn ông. 

Ông Ngô Đức Hòa, Chủ tịch HĐQT CTCP May quốc tế Thắng Lợi:

Lo chặng đường sắp tới

Trong cơ cấu của Thắng Lợi hiện nay, 30% dành cung ứng cho thị trường nội địa, 70% xuất khẩu, trong đó 50% hàng hóa được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Vì thế, khi nghe thông tin kết thúc đàm phán TPP tôi cảm thấy rất vui, vì đây không chỉ là cơ hội được mở ra cho riêng Thắng Lợi mà còn cho các DN khác trong ngành.

Nhưng vấn đề xuất xứ từ sợi trở đi lại đang trở thành lực cản không nhỏ. Với riêng Thắng Lợi, chúng tôi đã chủ động được ở các khâu sợi, dệt, nhuộm. Vì thế chúng tôi khá an tâm về vấn đề nguyên phụ liệu đáp ứng tiêu chuẩn của TPP. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ chất lượng sản phẩm của Thắng Lợi hiện chưa đảm bảo tốt nhất theo yêu cầu.

Điều này buộc chúng tôi phải có những chấn chỉnh, nhưng thời gian quá gấp cũng chưa dám chắc mình có thể hoàn thiện hay không. Một vấn đề nan giải khác là khi hàng Việt xuất đi được hưởng thuế 0%, hàng nước ngoài nhập vào cũng hưởng thuế 0%.

Lâu nay mảng nội địa chúng tôi cung cấp chủ yếu chăn ga, gối, nệm ở phân khúc trung bình cao và có một chỗ đứng khá vững trong lòng người tiêu dùng. Nhưng khi hàng ngoại vào, chắc chắn sẽ có một cuộc đua về mẫu mã, chất lượng và cả giá thành. Với tâm lý chuộng hàng ngoại của một bộ phận không nhỏ người dân, chúng tôi rất lo cho chặng đường sắp tới.

Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP May Sài Gòn:

Kết nối dệt và may

Để đón đầu cơ hội từ TPP, Garmex Sài Gòn đã bắt tay tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung xúc tiến tạo nguồn cung ứng nguyên phụ liệu cho các sản phẩm mục tiêu. Đặc biệt, từ trước đến nay nhiều DN luôn có quan niệm cho rằng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước không đáp ứng được yêu cầu cho các đơn hàng may xuất khẩu.

Tuy nhiên, Garmex Sài Gòn đã tìm được nhà sản xuất nguyên phụ liệu có chất liệu tương đương các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại có giá thấp hơn. Điều đó cho thấy các sản phẩm nguyên phụ liệu sản xuất trong nước vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu của DN may xuất khẩu. Vấn đề là giữa DN sản xuất nguyên phụ liệu và DN may có sự kết nối với nhau.

Để giải bài toán này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Hội Dệt may Thêu đan TPHCM có vai trò rất quan trọng trong việc trở thành cầu nối giữa DN dệt và may trong nước. Ngoài ra để tận dụng tối đa lợi thế từ TPP, DN rất cần sự hỗ trợ thông tin về các nguồn nguyên phụ liệu có thể mua được từ các nước TPP cũng như thông tin về hệ thống chống bán phá giá, các giải pháp nhằm chống lại sự gian lận nguồn gốc xuất xứ có thể xảy ra.

Về phía mình, DN cũng cần chủ động nâng cao năng lực hợp tác với khách hàng thông qua việc nâng cao năng lực sản xuất, khả năng giao hàng đúng hẹn, quản lý chất lượng và thực hiện trách nhiệm xã hội...

Các tin khác