Loay hoay chuyện tăng lương

Mặc dù ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ 2016 là 12,4%, nhưng mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) lại tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng đề xuất mức tăng 14,4%.

Mặc dù ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng áp dụng từ 2016 là 12,4%, nhưng mới đây Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐ) lại tiếp tục gửi văn bản lên Thủ tướng đề xuất mức tăng 14,4%.

Những lý do được TLĐ đưa ra cho kiến nghị tăng lương là: Kinh tế khởi sắc, các chỉ tiêu phát triển kinh tế tăng trưởng cao trong khi tiền lương tối thiểu điều chỉnh tăng thấp hơn là không hợp lý, người lao động khó chấp nhận. TLĐ cũng viện dẫn Điều 91 Luật Lao động 2012 quy định lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Việc điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của luật, đảm bảo đến năm 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Mặt khác, tại cuộc làm việc giữa TLĐ, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội (LĐ-TB-XH) với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Bộ LĐ-TB-XH đã cam kết với ILO về việc thực hiện đầy đủ Điều 91 Bộ Luật Lao động vào năm 2017.

Do đó, TLĐLĐVN đề nghị điều chỉnh tiền lương tối thiểu năm 2016 lên 14,4% để thực hiện nghiêm túc quy định của Luật Lao động và thực hiện lộ trình đến 2017 tiền lương tối thiểu đáp ứng được mức sống tối thiểu và cũng là bước chuẩn bị cho việc thực hiện Điều 89 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) vào năm 2018.

Có thể nói việc TLĐ tiếp tục đề xuất tăng lương là hành động hết sức bình thường của cơ quan đại diện cho người lao động. Tuy nhiên, vấn đề tăng lương lại không nhận được sự đồng thuận từ phía doanh nghiệp với đại diện là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Sự bất đồng này đã phần nào thể hiện qua những tranh cãi nảy lửa giữa TLĐ và VCCI trong phiên họp bàn với Hội đồng Tiền lương Quốc gia được tổ chức vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 vừa qua.

Theo VCCI, việc tăng lưong lần này lại tiếp tục tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp. Theo thống kê của VCCI, hiện nay doanh nghiệp lớn chỉ chiếm chưa đầy 2%, doanh nghiệp vừa 2%, còn lại 96% là doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ, trong khi gần 70% doanh nghiệp kinh doanh không có lãi. Hiện nay chi phí sử dụng đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, công đoàn phí ở doanh nghiệp Việt Nam cao nhất so với các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, nỗi lo lắng lớn nhất của doanh nghiệp là quy định mới về đóng BHXH tính trên tổng thu nhập của người lao động sẽ bắt đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2016. Đây chính là gánh nặng khiến doanh nghiệp lo ngại trước việc tăng lương tối thiểu, đồng nghĩa với phí đóng BHXH sẽ tăng ngay lập tức.

Trong khi cơ quan quản lý, đại diện doanh nghiệp và đại diện người lao động loay hoay bàn cách tăng lương tối thiểu, đối với người lao động việc chốt tỷ lệ tăng lương cho năm 2016 gần như không nhiều ý nghĩa, bởi có tăng 12,4% hay 14,4% cũng không tác động nhiều đến thu nhập của họ.

Đây là thực tế có thật bởi theo TLĐ hiện nay nhiều doanh nghiệp trả lương cho người lao động cao gấp 1,5 lần lương tối thiểu. Thế nhưng, cho dù người lao động có may mắn nhận lương cao gấp 1,5 lần hoặc thậm chí gấp 3 lần lương tối thiểu họ cũng không thể đảm bảo được cuộc sống trong bối cảnh giá hàng hóa luôn tăng cao hơn lương. Vì lẽ đó, mục tiêu để người lao động sống bằng lương đang trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Các tin khác