Bùng nổ đầu tư khu công nghiệp

Tốc độ sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, cùng dự báo bùng nổ các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo, đang tạo ra một cuộc đua đầu tư vào các dự án khu công nghiệp.

Tốc độ sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao, cùng dự báo bùng nổ các dự án FDI trong lĩnh vực chế biến chế tạo, đang tạo ra một cuộc đua đầu tư vào các dự án khu công nghiệp.

 

Mới đây nhất, VSIP – liên doanh giữa tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Becamex IDC – đã khởi công xây dựng khu công nghiệp và đô thị VSIP Nghệ An.

Góc nhìn tích cực

Có tổng diện tích 750 ha, VSIP Nghệ An là dự án khu công nghiệp thứ 7 của VSIP tại Việt Nam và là dự án mới thứ 2 được VSIP tiến hành xây dựng ngay trong năm nay, sau VSIP Hải Dương. Việc VSIP liên tục mở rộng sự hiện diện của mình trên cả ba vùng bắc, trung, nam cho thấy Cty này đang có cái nhìn rất tích cực về khả năng thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp của mình.

Tất nhiên, việc mở rộng đầu tư cũng cho thấy VSIP không muốn trở thành kẻ chậm chân trước sự bành trướng khá mạnh của các đối thủ khác trong cùng lĩnh vực. Các Cty nước ngoài như Sojitz, Sumitomo, Amata, Rent-A-Port, hay cả các Cty trong nước như Viglacera và FLC gần đây cũng liên tục công bố các dự án đầu tư khu công nghiệp mới của mình.

Sau hai dự án khu công nghiệp Loteco và Long Đức tại Đồng Nai, Sojitz gần đây cho biết tập đoàn này muốn đầu tư thêm từ 4-5 khu công nghiệp nữa tại Việt Nam. Trước mắt, Sojitz đang đàm phán để mua lại cổ phần tại dự án khu công nghiệp Phú Mỹ 3.

Còn đối với Sumitomo, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cách đây 2 tuần cũng đã ra văn bản yêu cầu Ban Quản lý các khu công nghiệp của tỉnh sớm cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án khu công nghiệp Thăng Long do Sumitomo đầu tư. Trong khi đó, Amata hiện cũng đang xúc tiến kế hoạch đầu tư hai khu công nghiệp tại Quảng Ninh và Bình Định, sau khi nhận được giấy chứng nhận đầu tư khu công nghiệp thứ hai, Long Thành, tại Đồng Nai.

“Điều quan trọng là phải có quỹ đất dành cho ngành công nghiệp nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng và để các đơn vị nhà sản xuất và các công ty logistic có nhiều sự chọn lựa khi muốn mở rộng”, ông Jonathan Tizzard, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Giám định tại Cty tư vấn bất động sản Cushman & Wakefield Việt Nam, nói khi đươc hỏi về cơ hội kinh doanh của các dự án khu công nghiệp.

Theo ông Tizzard, các công ty phát triển bất động sản công nghiệp ở Việt Nam đang đứng trước một cơ hội kinh doanh rất lớn, nhờ vào sự dịch chuyển đầu tư của các dự án FDI trong lĩnh vực sản xuất vào Việt Nam, và cả sự mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Đó chính là lý do mà ông nói các Cty phát triển khu công nghiệp cần phải tạo ra quỹ đất mới.

Cuộc đua gấp gáp

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, trong lần trao đổi với báo chí gần đây cho biết đang có một cuộc đua mở rộng đầu tư giữa các Cty phát triển khu công nghiệp. Đặc biệt là các Cty nước ngoài. Cuộc đua đó không chỉ dừng ở các Cty đã hiện diện tại VN, mà cũng hấp dẫn cả với những người từ trước đến nay vẫn đứng ngoài cuộc chơi. Hemaraj – một tập đoàn lớn về lĩnh vực bất động sản và khu công nghiệp tại Thái Lan – gần đây đã đến Bà Rịa – Vũng Tàu tìm kiếm cơ hội xây dựng các khu công nghiệp tại đây đây, nhằm đón dòng đầu tư từ Thái Lan và cả từ các quốc gia khác.

Báo cáo từ Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết cả nước hiện nay có 299 khu công nghiệp đã được cấp phép hoạt động, 212 dự án đã đi vào hoạt động. Thực tế thì diện tích đất công nghiệp còn trống để cho thuê vẫn còn nhiều, do nhiều khu vẫn chưa được lấp đầy, và nhu cầu thuê đất đang tăng lên là có thật. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng khá nhiều khu công nghiệp hiện tại nằm ở những khu vực không thuận lợi cho thu hút đầu tư.

Ông Tizzard tại Cty Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết các khu công nghiệp gần nguồn nguyên liệu sản xuất, dễ dàng tiếp cận với hệ thống giao thông và lực lượng lao động sẽ hấp dẫn các dự án sản xuất. Nếu xét về tiêu chí này, những khu vực như TP HCM, Hà Nội và những tỉnh xung quanh như Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải phòng sẽ là những địa điểm lý tưởng. Nhưng theo thống kê của Cushman & Wakefield thì diện tích đất còn lại của các khu công nghiệp tại những khu vực trên không còn nhiều. Hầu hết, tỷ lệ lấp đầy trung bình ở những địa phương này đều đã vào khoảng 70%. Vì vậy, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này là không nhỏ, nếu không muốn nói là khá gay gắt.

Lúc đó, để cạnh tranh được, ngoài cung cấp đầy đủ các dịch vụ ra thì sẽ phải có thêm cả những cách khác. VSIP là một ví dụ, hiện Cty này đang đầu tư hai dự án tại Quảng Ngãi và Nghệ An. Điểm chung giữa hai dự án này là đều nằm trong khu vực khu kinh tế sẽ được hưởng ưu đãi về thuế xuất cao nhất theo pháp luật hiện hành. Chính ưu đãi đó sẽ giúp hai dự án của VSIP tại miền trung hấp dẫn hơn và có khả năng cạnh tranh tốt hơn so với các dự án khác.

Các tin khác