Da giày thêm cơ hội

Da giày Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Hiện nay, giá trị gia tăng từ ngành này chưa cao bởi chủ yếu là gia công, nên phải chịu sức ép về giá cả, chất lượng, nguồn nhân lực. TPP mang lại cơ hội xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu hiện tại từ 3,5-57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, tạo điều kiện cho ngành da giầy tăng trưởng xuất khẩu.

Da giày Việt Nam là một trong những ngành kinh tế xuất khẩu mũi nhọn, góp phần tăng trưởng GDP của quốc gia. Hiện nay, giá trị gia tăng từ ngành này chưa cao bởi chủ yếu là gia công, nên phải chịu sức ép về giá cả, chất lượng, nguồn nhân lực. TPP mang lại cơ hội xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu hiện tại từ 3,5-57,4% để hưởng ưu đãi các dòng sản phẩm da giày về mức 0%, tạo điều kiện cho ngành da giầy tăng trưởng xuất khẩu.

TPP thực sự là cơ hội lớn cho ngành da giày Việt Nam. Tính cho đến hết năm 2014 Việt Nam đã trở thành quốc gia đứng thứ 2 sau Trung Quốc cung ứng giày da lớn nhất tại Hoa Kỳ, với thị phần 13,8%. Theo số liệu từ Văn phòng Dệt may (Bộ Thương mại Hoa Kỳ), năm 2014 kim ngạch nhập khẩu giày dép của Hoa Kỳ đạt 127 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam chiếm hơn 12% (tăng 59,5%).

Những con số này đang cho thấy cơ hội tăng trưởng xuất khẩu rất lớn của mặt hàng da giày Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ ngay cả khi chưa có TPP. Nay khi TPP đã kết thúc đàm phán, cơ hội có thể rộng mở hơn rất nhiều bởi các dòng thuế nhập khẩu hàng da giày từ 3,5% đến hơn 57,4% sẽ về 0%. Nhưng DN trong ngành lại đang bộn bề với những lo toan, như việc đầu tư mở rộng để đón đơn hàng mới dự báo hết sức khó khăn vì thiếu vốn.

Lâu nay DN xuất khẩu luôn lo lắng về giá của các đơn hàng. Theo quan niệm của các đối tác nước ngoài, đơn hàng càng nhiều giá càng giảm. Nhưng thực tế ở Việt Nam các yếu tố đầu vào không ổn định và chủ yếu biến động tăng. Chính vì thế, các DN ngại những đơn hàng lớn. Có đơn hàng không thể không ký, nhưng ký rồi lại phập phồng không biết sao. Vì đầu vào bên mình không ổn định, đầu ra phía khách hàng cũng khó nắm bắt.

Cũng có ý kiến cho rằng trong bối cảnh nhiều đơn hàng lớn, các DN trong nước nên mở rộng sản xuất, mặt bằng, nhưng ít DN có khả năng làm điều này vì thiếu vốn. Hiện nay ngân hàng đã rất cởi mở khi định giá tài sản lên tới 90%, nhưng DN vẫn còn nhiều cái khó.

Một vấn đề nữa là quy tắc xuất xứ. Theo đó, để hưởng được những lợi ích TPP mang lại, DN da giày cần đáp ứng những quy tắc rất khắt khe về xuất xứ. Cụ thể đẩy mạnh đầu tư công nghiệp hỗ trợ, tức công nghiệp thuộc da. Việc này nhất thiết phải có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương. Bởi DN muốn đầu tư thuộc da cần có nguồn vốn lớn.

Chỉ tính riêng đầu tư cho hồ xử lý chất thải 1.000m3 ít nhất 20 tỷ đồng, trong khi 1 dự án thuộc da cần hồ xử lý khoảng 3.000-5.000m3, tức cần vốn đầu tư 60-100 tỷ đồng, chưa kể nhiều hạng mục khác.

Trước thách thức về vốn, nhiều nhà đầu tư nước ngoài từ Đức, Nhật Bản, Hoa Kỳ, hay mới đây là Brazil muốn đầu tư thuộc da tại Việt Nam, nhưng lại thiếu quỹ đất. Nhiều địa phương e ngại vấn đề ô nhiễm môi trường khi đầu tư thuộc da nên không cấp đất. Ngay cả TPHCM hiện cũng không còn đất cho khu công nghiệp thuộc da.

Nếu cơ quan nhà nước không vào cuộc hỗ trợ, e rằng cơ hội từ TPP sẽ khó trở thành hiện thực, các DN xuất khẩu da giày, túi xách Việt Nam sẽ không thể hưởng lợi từ cơ hội tưởng như trong tầm tay. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có trình độ phát triển chậm nhất trong 12 nước thành viên TPP. Khi hàng hóa nước ngoài đổ vào sẽ khiến DN nội gặp nhiều khó khăn.

2 quý đầu năm 2015, tình hình tiêu thụ sản phẩm da giày ở thị trường nội địa hết sức ảm đạm, hàng Trung Quốc lấn át do giá rẻ và mẫu mã đa dạng. Một số DN đang có chiến lược thu hẹp cửa hàng không mang lại hiệu quả. Chính vì thế áp lực sắp tới chắc chắn sẽ rất lớn. Với phân khúc trung bình là hàng Trung Quốc, còn phân khúc cao là hàng nhập khẩu giá hợp lý. Cùng với đó là tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Chí Trung, Tổng giám đốc Công ty Giày Gia Định:

Nỗ lực đầu tư nguyên phụ liệu

Để nắm được cơ hội TPP mang lại, việc đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ là điều kiện tiên quyết. Ngoài sự hỗ trợ cùa Nhà nước, các cơ quan chức năng, bản thân DN như Gia Định cũng cần có những sự chuẩn bị tích cực.

Với chủ trương mở rộng thị phần tại thị trường Hoa Kỳ, trong những năm gần đây Gia Định đã tăng cường các hoạt động tiếp thị, tiếp xúc khách hàng, mở rộng nhà xưởng, đổi mới trang thiết bị... để nâng cao năng lực sản xuất. Với nhiều nỗ lực, trong năm 2014 doanh thu xuất khẩu của Gia Định tăng 20% so với năm 2013.

Đặc biệt, trong năm 2014 chúng tôi cũng đã bước đầu chuyển hướng được thị trường xuất khẩu. Nếu trong 6 tháng đầu năm 2014 chúng tôi mới có 30% đơn hàng xuất khẩu từ thị trường Hoa Kỳ, đến 6 tháng cuối năm đơn hàng xuất khẩu vào thị trường khó tính này đã chiếm 50% và tỷ lệ này đang tiếp tục tăng.

Quan trọng nhất, để đón đầu cơ hội từ TPP cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, theo chủ trương của Hiệp hội Da giày cũng như định hướng của DN, Gia Định đang đầu tư vào những cụm công nghiệp hỗ trợ.

Cụ thể, cụm công nghiệp phụ trợ 20ha ở Bình Dương đã hoạt động mấy năm nay; cụm ở Bình Chánh và sắp tới đang hoàn thiện một cụm nữa có diện tích 50ha cũng ở Bình Dương. Việc đầu tư vào nguyên phụ liệu không chỉ cung ứng cho sản xuất nội tại của Gia Định, giúp công ty ngày càng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, mà còn cung cấp nguyên phụ liệu cho cả DN nội địa khác.

Tuy nhiên, khi đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ rất cần sự trợ lực của Nhà nước, của địa phương về vốn cũng như những ưu đãi về đất đai, thuế… Có như vậy DN trong ngành mới mạnh dạn đầu tư, còn nếu để tự bơi, không phải DN nào cũng làm được dù rất muốn.

Các tin khác