Hoàn thiện chính sách quản lý nợ công

Để tránh những rủi ro về nợ công, các chuyên gia tài chính khuyến nghị cần có tầm nhìn dài hạn trong quản lý và sử dụng nợ công theo hướng giảm dần huy động vốn ODA, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại.

Để tránh những rủi ro về nợ công, các chuyên gia tài chính khuyến nghị cần có tầm nhìn dài hạn trong quản lý và sử dụng nợ công theo hướng giảm dần huy động vốn ODA, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại.

Cần tầm nhìn dài hạn

Theo ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, trong giai đoạn 2010-2015, tổng vốn vay chính phủ đưa vào cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) cho đầu tư phát triển đạt trên 1.400.000 tỷ đồng, trung bình đạt 7% GDP, tăng 14%/năm.

 

Việc trả nợ đến hạn hàng năm đã góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Bên cạnh đó, Luật Quản lý nợ công ra đời đã góp phần phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Quy mô thị trường tăng từ mức 2,8% GDP (năm 2001) lên mức 19% GDP vào năm 2011 và 21,2% GDP vào năm 2014.

Riêng thị trường trái phiếu chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 19% GDP năm 2014. Luật Quản lý nợ công cũng đã tạo ra môi trường pháp lý đồng bộ, từng bước công khai, minh bạch hóa hoạt động vay, trả nợ công, tạo môi trường pháp lý quan trọng cho việc huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Để có sự thống nhất về số liệu cần đưa nợ công quốc gia về một đầu mối quản lý. Cần tách bạch giữa người đi vay, người trả nợ, người sử dụng. Mặt khác thông tin về nợ công cũng cần công bố rõ ràng. Việc vay nợ, trả nợ một quốc gia là chuyện bình thường, cần thiết với những quốc gia đang phát triển. Vấn đề đặt ra là vì sao phải vay, đã cần vay chưa và việc vay mượn theo phương thức nào; có vượt mức chịu đựng của nền kinh tế, vốn vay được phân bổ và sử dụng hiệu quả không…

TS. ĐẶNG VĂN THANH,
Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán

Từ nguồn vay trong và ngoài nước, nhiều dự án lớn phục vụ đầu tư phát triển đã được thực hiện. Nguồn vốn này đã góp phần hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương giải quyết trực tiếp các vấn đề cấp bách, cũng như thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế và các chính sách an sinh xã hội.

Mặc dù việc quản lý và kiểm soát nợ công được thực hiện khá chặt chẽ, song trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, như phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế, sự chồng chéo giữa các khoản nợ, phạm vi nợ công, trần nợ công hay mối quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Để tháo gỡ những bất cập này, trước hết hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn phục vụ mục tiêu cân đối NSNN và đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, cần làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và đơn vị đang sử dụng nợ công.

Ông Thomas Magunusson, chuyên gia tư vấn của WB, cho rằng việc phải vay nợ nhiều hơn theo các điều khoản thương mại sẽ mở ra nhiều phương án vay nợ và nhiều công cụ tài chính. Trong môi trường như thế, điều kiện chính là phải có chiến lược vay nợ bài bản. Nếu thiếu thận trọng khi hoạch định chiến lược, có thể dễ dàng dẫn tới những lựa chọn không tốt và làm tăng rủi ro.

Để thực hiện điều này, cần có tầm nhìn dài hạn, nhằm xác định các mục tiêu quản lý nợ công. Theo đó, để quản lý nợ công hiệu quả, trong giai đoạn tới, Bộ Tài chính tiếp tục tập trung quản lý chặt chẽ vốn vay trong nước và nước ngoài, nhất là các khoản vay mới, bảo đảm các khoản vay trong giới hạn cho phép và giữ vững an toàn tài chính quốc gia.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh rà soát, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công, quản lý nợ trung hạn... Trên cơ sở đó, sẽ giám sát nợ công theo chương trình quản lý nợ trung hạn, có tính đến xu hướng giảm dần huy động vốn ODA, tiến tới tăng vay ưu đãi và vay thương mại.

Thống nhất đầu mối quản lý nợ

Ông Trương Hùng Long cho rằng phạm vi nợ công hiện nay chưa hài hòa với thông lệ quốc tế, có sự chồng chéo giữa các khoản nợ. Nguyên nhân của tình trạng này do phạm vi nợ công quốc gia chưa bao gồm các khoản vay nợ của DNNN và NHTM nhà nước.

Sự chồng chéo này được thể hiện qua việc Bộ KHĐT là cơ quan quyết định số lượng vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài và trái phiếu chính phủ, nhưng chưa đặt trong mối quan hệ với hạn mức nợ công, nợ chính phủ và xác định mức vay phù hợp với khả năng trả nợ.

NHNN là cơ quan thực hiện đàm phán, ký kết các hiệp định vay nợ với định chế WB, ADB, trong khi việc bố trí trả nợ lại do Bộ Tài chính đảm nhiệm, nên đã không gắn việc huy động vốn với mục đích trả nợ. Việc phân tán chức năng trong nghiệp vụ quản lý nợ công còn dẫn đến việc chưa chia sẻ thông tin kịp thời, đầy đủ, chưa rõ ràng trong quản lý nợ công.

Từ thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng việc kiểm toán nợ công là vô cùng cần thiết, góp phần làm năng lực quốc gia, nền tài chính quốc gia lành mạnh hơn. Đây chính là trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Bởi suy cho cùng, người trả nợ vay là người dân thế hệ hiện tại và sau này.

Bàn về thực trạng quản lý nợ công qua kết quả kiểm toán, ông Nguyễn Minh Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (KTNN), cho rằng việc kiểm toán công tác quản lý nợ công có vai trò không kém hoạt động kiểm toán nợ công. Tuy nhiên, việc kiểm toán công tác quản lý nợ công chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Kết quả kiểm toán công tác quản lý nợ công tại Bộ Tài chính, cho thấy thống kê, tổng hợp số liệu nợ công chưa kịp thời, đầy đủ, còn báo cáo thiếu, thừa một số khoản vay. KTNN đã phát hiện và chỉ ra nhiều tồn tại, bất hợp lý, đặc biệt sự phân công nhiệm vụ chưa rõ ràng, chồng chéo trong công tác tổ chức quản lý nợ công. Đồng thời, qua công tác kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN những năm qua, KTNN đã đưa ra cảnh báo đối với tình trạng vay nợ của ngân sách địa phương.  

Các tin khác