Chưa khai thác vốn từ TPDN

Một trong những chủ đề quan trọng trong phát triển thị trường vốn được nhiều quan chức, nhà đầu tư (NĐT) cả trong và ngoài nước quan tâm tại "Diễn đàn đầu tư toàn cầu" tuần qua là sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tiềm năng lớn nhưng sự phát triển chậm chạp của thị trường đang khiến cho nguồn vốn DN chủ yếu dựa vào NH và gây áp lực lên các TCTD.

Một trong những chủ đề quan trọng trong phát triển thị trường vốn được nhiều quan chức, nhà đầu tư (NĐT) cả trong và ngoài nước quan tâm tại "Diễn đàn đầu tư toàn cầu" tuần qua là sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Tiềm năng lớn nhưng sự phát triển chậm chạp của thị trường đang khiến cho nguồn vốn DN chủ yếu dựa vào NH và gây áp lực lên các TCTD.

 

Một thống kê của Công ty Chứng khoán VPB, 6 tháng đầu năm các DN đã phát hành được hơn 19.500 tỷ đồng trái phiếu, gấp 1,4 lần so với cùng kỳ 2014, tương đương 85% tổng khối lượng phát hành của năm 2014. Trong khi trái phiếu chính phủ (TPCP) gặp khó khăn do dừng phát hành kỳ hạn 5 năm nên TPDN phát hành với kỳ hạn dưới 5 năm đã trở nên thu hút NĐT. Tuy nhiên, so với thị trường khu vực, quy mô thị trường TPDN của Việt Nam còn quá nhỏ bé.

Theo ông Kiyoshi Nishimura, Tổng Giám đốc  Quỹ đầu tư và đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee & Investment Facility - Nhật Bản) - chuyên bảo lãnh TPDN tại các quốc gia ASEAN, thị trường TPDN ở Việt Nam khác so với các quốc gia ASEAN lớn khác. Các nước ASEAN nhóm đầu có thị trường TPDN phát triển nhanh, tăng trưởng khoảng 10-12%/năm, trong khi ở Việt Nam tốc độ phát triển rất chậm, thậm chí thu hẹp lại.

Ở khu vực ASEAN, thị trường TPDN lớn nhất là Malaysia với tổng giá trị ước 120 tỷ USD tính đến giữa năm nay - chiếm đến 40% GDP, trong khi Việt Nam chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng (chưa đến 600 triệu USD) - chỉ tương đương 0,3% GDP. “Thị trường Việt Nam không quá nhỏ nhưng khi nói đến thị trường trái phiếu hầu như chỉ nhắc đến thị trường TPCP là chủ yếu (chiếm 99%).

Đây là điều tồn tại cần khắc phục, bởi thị trường TPDN cũng là nguồn cung cấp tài chính cho công ty với lãi suất phù hợp. Dù các công ty có thể vay NH, nhưng NH chỉ có thể cho vay với kỳ hạn hạn chế và lãi suất thả nổi khó, trong khi nếu phát hành được TPDN thì DN sẽ có nguồn vốn dài hạn hơn, lãi suất cố định” - ông Kiyoshi nói.

Trước câu hỏi về việc để phát triển thị trường TPDN phải dựa vào khối NĐT nào? Ông Kiyoshi Nishimura phân tích, NĐTNN tham gia TPDN tại các nước trong khu vực ASEAN còn yếu. Chẳng hạn như ở Indonesia, tỷ lệ tham gia của NĐTNN vào TPCP là 40%, trong khi TPDN chỉ chưa đến 10%.

Malaysia cũng tương tự khi tỷ lệ này tương ứng là 30% và chưa đến 10%. Đầu tư từ NĐTNN không hẳn là câu trả lời hay mà điều quan trọng là phát triển NĐT trong nước. Tham gia lĩnh vực tài chính ở Việt Nam chủ yếu là NH. Song nếu nhìn vào định chế phi NH như bảo hiểm với tổng tài sản lên 6-7 tỷ USD, điều cần thiết phải nghĩ làm sao huy động được nguồn tài sản trong nước lâu dài bằng đầu tư trái phiếu.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo lãnh phát hành 2.100 tỷ đồng trái phiếu Massan với lãi suất cố định, ông Kiyoshi Nishimura cho biết trên 6% trái phiếu là do công ty bảo hiểm mua. Các công ty bảo hiểm cũng cho biết hiện họ đầu tư TPCP nhưng cũng muốn có cơ hội đầu tư TPDN.

Theo ông Phan Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, thị trường TPCP đã có bước tăng trưởng, phát triển từ mức tỷ lệ chỉ chiếm 2,8% GDP năm 2001 đến nay đã lên 20%. Thị trường TPDN cũng có sự tăng trưởng khi giá trị tuyệt đối năm 2011 là 700 triệu USD, đến nay đã gần 1 tỷ USD.

Vai trò các định chế trong nước quan trọng nhưng hiện cũng chưa có sự tham gia tích cực chủ động của định chế nước ngoài. Tuy nhiên, ông Sơn cũng kỳ vọng thị trường TPDN của Việt Nam sẽ trở nên sôi động hơn vào thời gian tới.

Thừa nhận thị trường TPDN ở Việt Nam còn rất nhỏ, theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, điều này đã đặt hệ thống NH Việt Nam chịu gánh nặng nguồn vốn và tạo thách thức cho các NH trong việc cân đối vốn ngắn hạn và cung dài hạn. Ở Việt Nam muốn phát triển thị trường TPDN vai trò DN là rất quan trọng để hấp dẫn NĐT trong và ngoài nước, thể hiện qua việc DN nâng cao khả năng hoạt động.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBCKNN, cho rằng để phát triển thị trường TPDN nói riêng, TPCP nói chung điều quan trọng là phát triển hệ thống NĐT tổ chức. Hiện UBCKNN cũng đang tiến hành tái cấu trúc cơ sở NĐT tổ chức. Nếu kết hợp với DN có nền tảng tốt sẽ giúp cho thị trường phát triển bền vững.

Các tin khác