Rút ngắn còn T+2: Thất vọng hay kỳ vọng?

Tối 29-9, không ít NĐT đã cảm thấy hào hứng khi đọc những dòng đầu tiên của thông tin “T+2 được áp dụng kể từ ngày 1-1-2016”, nhưng khi đến đoạn “tiền/CP sẽ về đến tài khoản lúc 16h30” họ lại… mất hứng.

Tối 29-9, không ít NĐT đã cảm thấy hào hứng khi đọc những dòng đầu tiên của thông tin “T+2 được áp dụng kể từ ngày 1-1-2016”, nhưng khi đến đoạn “tiền/CP sẽ về đến tài khoản lúc 16h30” họ lại… mất hứng.

14h45 là thời điểm kết thúc ngày giao dịch, vậy nên CP về lúc 16h30 ngày T+2 cũng phải đợi đến T+3 mới bán được. Hơn nữa, vào lúc 16h30 tiền mới về tài khoản cũng chưa chắc có thể rút được, do quy trình chuyển tiền trực tuyến tại một số CTCK kết thúc sớm hơn thời điểm này. Vậy nên cảm giác chung của nhiều NĐT là “chả được lợi gì”, thậm chí đặt ra tính khả thi, hiệu quả của việc rút xuống T+2. Sự thất vọng nếu có cũng là điều dễ hiểu vì đứng dưới góc độ của NĐT, ai cũng muốn chu kỳ thanh toán được rút ngắn để có nhiều thuận lợi hơn trong giao dịch.

Nhưng trong lần giảm chu kỳ thanh toán này, cũng có nhiều vấn đề đáng bàn. Trước tiên, thông tin áp dụng T+2 đến một cách khá đột ngột thay vì được kỳ vọng hay chờ đợi như giai đoạn rút từ T+4 xuống T+3. Bởi vậy, khi không có kỳ vọng, thất vọng cũng ít đi.

Thành thực mà nói, cho đến thời điểm này, dù nhiều NĐT muốn rút xuống T+2 (tức là có thể mua bán trong ngày T+2) nhưng nhiều quan điểm vẫn tỏ ra hài lòng với T+3. Việc rút ngắn chu kỳ thanh toán cũng đòi hỏi nhiều về công nghệ, nghiệp vụ… và đã được bàn luận nhiều trên truyền thông nên ít nhiều NĐT cũng hiểu được. Và cũng phải đặt ngược vấn đề rằng nếu như tiền/CP về đến tài khoản của NĐT vào cuối giờ chiều ngày T+2 không có nhiều ý nghĩa, cơ quan quản lý có triển khai hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Theo quy trình thanh toán bù trừ T+3 thì vào chiều ngày T+2 tiền sẽ được chuyển đi thanh toán trong khi CP lại về sáng ngày T+3 và điều này bị NĐTNN phàn nàn.

Vậy nên, khi quy trình được rút xuống T+2 dù có sau phiên giao dịch cũng chứng tỏ quy trình thanh toán bù trừ của TTCK Việt Nam đã được nâng cấp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cũng chứng tỏ nỗ lực của các cơ quan quản lý, góp phần củng cố hình ảnh của thị trường nước ta. Có thể nói, tác dụng ở đây mang tính kỹ thuật, và có thể tạo ra những kỳ vọng khả quan trong dài hạn. Các cơ quan quản lý vẫn đang nỗ lực thực hiện, đã rút được chu kỳ thanh toán xuống T+2 cũng có thể kỳ vọng những giải pháp khác cũng sớm được triển khai. 

Trở lại với thời điểm tiền và chứng khoán sẽ về đến tài khoản lúc 16h30, câu hỏi được đặt ra ở đây là liệu có thể rút ngắn được nữa hay không? Nếu giảm thêm được 1 giờ đồng hồ nữa, chẳng hạn 15h30, NĐT dù có thể không bán được CP nhưng sẽ rút tiền dễ dàng hơn? Rút được từ T+4 xuống T+3 và rồi T+2 là cả một quá trình nên xem ra có kỳ vọng thêm cũng phải biết chờ đợi. Dù vậy, xét trên lợi ích của NĐT, thời điểm 16h30 rõ ràng không đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Có lẽ, kỳ vọng rút tiền từ ngày T+2 chỉ khả quan nhất trong trường hợp tài khoản của NĐT “đấu nối” trực tiếp với tài khoản ATM, nghĩa là khi tiền về là về thẳng tài khoản ATM và NĐT chỉ việc ra để rút.

Nhưng vấn đề còn nằm ở chỗ hệ thống của CTCK và hệ thống của ngân hàng sẽ kết nối như thế nào. Những trường hợp phức tạp hơn như NĐT sử dụng margin thì có lẽ CTCK phải có thêm giải pháp mới có thể hỗ trợ NĐT rút tiền vào T+2, qua đó mới hiện thực hóa lợi ích của chu kỳ thanh toán mới. Lợi ích rõ nhất có lẽ là việc NĐT tiết kiệm được một ngày trả lãi margin nếu chu kỳ thanh toán được rút xuống T+2. Dù vậy, điều này chỉ có lợi thực sự cho những ai vay số tiền lớn, và lướt sóng nhiều. Liên quan đến chuyện CP, khi về đến tài khoản của NĐT vào chiều T+2, dù không thể bán ra, thì ít nhất cũng tạo ra những sự thay đổi về mặt… tinh thần.

Do quy trình thanh toán của một số CTCK, tại một số thời điểm NĐT có thể thắc mắc về số dư chứng khoán trên tài khoản của mình. Chẳng hạn, trước giờ giao dịch vào ngày T+3 hiện nay, thường hệ thống của CTCK sẽ vận hành để thanh toán bù trừ, ghi nhận CP về đến tài khoản, và trong một phút chốc nào đó có thể NĐT không nhìn thấy số dư CP trên tài khoản của mình. Điều tương tự cũng có thể xảy đến với việc ghi nhận tiền, dù rằng chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn. Rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống T+2 cũng sẽ giúp cho việc ghi nhận số dư tiền, CP trên tài khoản của NĐT trở nên mau chóng, gọn gàng hơn nữa tạo ra sự yên tâm cho các NĐT.

Nói tóm lại, việc rút từ T+3 xuống T+2 là một giải pháp kỹ thuật tạo ra kỳ vọng dài hạn nơi các NĐT.

Các tin khác