Ứng phó chống ngập nước đô thị (K1): Malaysia - Đường hầm 2 trong 1

Không chỉ ở TPHCM hay Hà Nội mới có cảnh “phố thành sông” mỗi khi có mưa lớn. Ngập lụt luôn là vấn đề nan giải của hầu hết các đô thị lớn trên thế giới. Vậy, các nước ứng phó với vấn đề này như thế nào?

Không chỉ ở TPHCM hay Hà Nội mới có cảnh “phố thành sông” mỗi khi có mưa lớn. Ngập lụt luôn là vấn đề nan giải của hầu hết các đô thị lớn trên thế giới. Vậy, các nước ứng phó với vấn đề này như thế nào?

Malaysia là một nền kinh tế năng động của khu vực châu Á, là “con hổ” của ASEAN. Tuy nhiên, thủ đô của họ lại là Kuala Lumpur - tức “ngã ba sông lầy bùn”, là nơi hợp lưu của sông Klang và sông Gombak.

Ý tưởng táo bạo

2 con sông Klang và Gombak từng là nguồn sống của người dân Kuala Lumpur trong hàng thế kỷ trước. Tuy nhiên, kể từ khi nơi đây trở thành đô thị sầm uất, với tòa tháp đôi cao nhất thế giới và tham vọng cạnh tranh vai trò trung tâm tài chính khu vực với Singapore và Hồng Công, 2 con sông lại trở thành trở ngại lớn.

Là nơi hợp lưu của 2 dòng sông, hàng năm những cơn bão nhiệt đới đổ về khiến Kuala Lumpur khốn đốn. Nước sông tràn bờ, đường phố, nhà cửa đều ngập lụt. Chỉ riêng việc dọn dẹp sau lũ đã tốn hàng triệu USD và nền kinh tế bị ngưng trệ nhiều ngày. Phó dâng số phận nền kinh tế trong tay mẹ thiên nhiên là điều nhiều rủi ro.

Để giải quyết tình trạng này, chính quyền Malaysia đã tham vấn ý kiến của giới chuyên gia, đưa ra một ý tưởng táo bạo chưa từng có trên thế giới: xây dựng một đường hầm 2 trong 1, vừa dùng để thoát nước lũ, vừa phục vụ giao thông.

Trong điều kiện thời tiết bình thường, đường hầm sẽ được sử dụng như một hầm đường bộ; khi nước sông tràn bờ, hầm đường bộ sẽ trở thành một kênh thoát lũ ngay bên dưới những con đường, giúp cho nền kinh tế bên trên luôn được khô ráo. Tuy nhiên, nếu thất bại, hàng triệu USD tài sản và sinh mạng của hàng trăm người sẽ bị đe dọa.

Với chi phí nửa tỷ USD, đường hầm mang tên SMART (thông minh) sẽ trở thành hầm đường bộ kết hợp thoát lũ đầu tiên trên thế giới. Việc xây dựng được nhận định là vô cùng thách thức, vì đường hầm kéo dài 9,7km sẽ đi xuyên qua một trong những khu vực địa chất phức tạp nhất hành tinh. Và thật đáng kinh ngạc, nó chỉ cách mặt đất vài mét.

Mục đích chính của SMART là giải quyết vấn đề lũ lụt tại Kuala Lumpur bằng cách dẫn nước từ con sông Sungai Klang ở phía Bắc tới sông Kerayong ở phía Nam; đồng thời làm giảm tình hình tắc nghẽn giao thông xảy ra hàng ngày tại khu vực này bằng hầm đường bộ 2 tầng, dài 4km. Đường ô tô cho phép các loại ô tô con lưu thông 1 chiều mỗi tầng.

Kỳ quan xây dựng

Đường hầm SMART bắt đầu từ hồ Kampung Berembang và kết thúc tại hồ Taman Desa. Đường hầm chuyển hướng nước lũ từ hợp lưu của 2 con sông lớn chảy qua khu vực trung tâm Kuala Lumpur. Dự án cũng dự trù các hồ chứa dự phòng tạm ở 2 đầu và hệ thống cống hộp đôi để chuyển hướng nước lũ tạm thời. Ngoài ra còn có các khu vực đặc biệt với các hầm dẫn chuyên dùng. Hệ thống thông gió với 4 giếng đường kính 15m, cũng là nơi khởi đầu của các máy khoan hầm.

Kuala Lumpur có cấu tạo địa chất karcat đá vôi với mực nước ngầm cao. Do đó người ta quyết định dùng phương pháp khoan đào bằng thiết bị khoan hầm (TBM). Sau nhiều cân nhắc, 2 máy khoan đường kính 13,2m kiểu Slurry Shield TBM (sản xuất tại Đức) đã được lựa chọn. Về đường kính, đây là những máy lớn nhất thế giới.

Cả 2 máy khoan Slurry Shield đều bắt đầu từ công trường tại Jalan Chan Sow Lin. Máy thứ nhất tiến về phía Bắc, dần đến hồ Kampung Berembang tại khu vực Ampang, cạnh Gleneagles Hotel. Máy khoan còn lại tiến về phía Nam, dần đến hồ tại khu vực Taman Desa.

Việc đào hầm xuyên Kuala Lumpur vô cùng thách thức. Địa chất ở khu vực này không ổn định, có rất nhiều hố và hang động ngầm dưới lòng đất. Nếu khoan gặp những hố này, có nguy cơ khiến các kiến trúc nhà cửa, đường sá ở bên trên bị sụp xuống và cuốn vào hố ngầm. Để giải quyết vấn đề này, máy khoan TBM có hệ thống nén, đưa bê tông lỏng lấp đầy những hang hốc trong lòng đất để cố định đất trước khi khoan.

Tuy nhiên, chỉ cần một sơ sót nhỏ cũng sẽ tạo ra thảm họa. Trong khi vừa đào hầm tiến tới, máy TBM có bộ phận lắp bê tông cố định hầm ngay ở phía sau. Người ta đã xây mới 1 nhà máy bê tông và nhà máy trộn vữa, hoạt động hết công suất ngày đêm để phục vụ riêng việc xây hầm. Việc xây dựng bắt đầu năm 2004 và hoàn tất vào tháng 8-2006.

Hiệu quả

Đường hầm SMART sẽ hoạt động theo 3 chế độ tùy thuộc vào lưu lượng nước lũ. Chế độ 1 (ở điều kiện bình thường): Khi mưa nhỏ và không có bão, đường hầm mở cửa cả 2 tầng cho ô tô lưu thông. Chế độ 2 (mưa vừa): Hệ thống SMART được khởi động, nước lũ được dẫn vào phần kênh dẫn thấp nhất trong đường hầm trong khi ô tô vẫn lưu thông bình thường ở phần bên trên trong hầm.

Chế độ 3 (có bão): Ô tô bị cấm lưu thông và tất cả ô tô đang lưu thông sẽ được đưa ra khỏi hầm; sau khi tất cả ô tô đã ra khỏi hầm, hệ thống tự động sẽ kích hoạt để mở các cửa van nước cho phép toàn bộ nước lũ được chảy xuyên qua hầm. Hiện nay chế độ hoạt động được phân chi tiết hơn nữa thành 4 chế độ tùy theo lưu lượng nước.

Từ khi SMART được đưa vào sử dụng, cảnh ngập lụt như thế này chỉ còn là dĩ vãng ở Kuala Lumpur.

Từ khi SMART được đưa vào sử dụng, cảnh ngập lụt như thế này
chỉ còn là dĩ vãng ở Kuala Lumpur.

Với dung tích tối đa có thể chứa 3 triệu m3 nước, SMART còn có những tính năng an toàn của một đường hầm thông thường như: Cổng kiểm soát nước lũ tự động, hệ thống thông khí, lối thoát hiểm (cách nhau 1km). Kể từ khi đưa vào sử dụng đường hầm giao thông điều tiết lũ đến nay, người dân Kuala Lumpur chưa bao giờ phải chứng kiến một trận đại hồng thủy xảy ra ngay tại thủ đô.

Hầm đường bộ SMART cung cấp một lộ trình thay thế cho người lái xe từ cửa ngõ phía Nam, Quốc lộ KL-Seremban, kết nhập đường cao tốc liên bang Besraya và Đông Tây rồi thoát khỏi trung tâm thành phố. Điều này sẽ làm giảm tắc nghẽn giao thông từ ngoại thành dẫn đến trung tâm thành phố, đồng thời giảm thời gian lộ trình đáng kể (từ 15 phút còn 4 phút).

Phòng điều khiển trung tâm giám sát tình hình giao thông dọc theo SMART 24/24 giờ, khi nhận được thông tin qua đường dây nóng hoặc qua các bốt điện thoại khẩn cấp, đội tuần tra bằng mô tô sẽ có mặt ngay tại hiện trường khắc phục nguyên nhân gây tắc nghẽn như tai nạn hay sự cố để đảm bảo an toàn.

Năm 2011, đường hầm SMART được nhận giải thưởng Habitat Scroll of Honour Award của Liên hiệp quốc vì đã rất độc đáo và sáng tạo trong việc kiểm soát nước lũ và giao thông đô thị. Cho đến nay, SMART vẫn là đường hầm dài nhất Đông Nam Á và dài thứ nhì châu Á.

(Còn tiếp)

Các tin khác