Thiếu kênh tiếp vốn doanh nghiệp

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 90% vốn vay kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được huy động từ ngân hàng, 10% còn lại huy động từ các nguồn khác, vì thế các DN hiện không có nhiều lựa chọn về kênh huy động vốn.

Theo Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khoảng 90% vốn vay kinh doanh của doanh nghiệp (DN) được huy động từ ngân hàng, 10% còn lại huy động từ các nguồn khác, vì thế các DN hiện không có nhiều lựa chọn về kênh huy động vốn.

Hệ thống tài chính mất cân đối

Đánh giá về hệ thống tài chính hiện tại, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cho rằng ngân hàng đang chiếm tỷ trọng vốn quá lớn trong hệ thống tài chính. Chính sự mất cân đối này đã hạn chế khả năng tiếp cận vốn của DN. Mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay phổ biến ở mức 7-11%, giảm 2-3% so với hồi đầu năm, nhiều DN kỳ vọng sẽ tiếp tục giảm nhẹ trong những tháng cuối năm khi lạm phát cả năm không vượt quá 2%.

Trong khi đó, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2014 tương đương 32% GDP, mức thấp so với bình quân 50% GDP của khu vực ASEAN; trong đó Indonesia 54%, Philippines 90%, Thái Lan 98,4%, Malaysia 140%, Singapore 261,6%... Nhân tố còn lại của hệ thống tài chính là thị trường vốn trái phiếu cũng có quy mô nhỏ hơn nhiều nước trong khu vực khi có đến 87% là trái phiếu chính phủ, chỉ 13% trái phiếu DN. “Cơ cấu thị trường vốn như vậy khó thành công về lâu về dài” - TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Lãi suất trung và dài hạn khó hạ vì vừa phải phát hành 250.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ (trong 7 tháng mới đấu thầu được gần một nửa). Muốn phát hành được trái phiếu chính phủ lãi suất phải cao, bởi 85-90% trái phiếu là ngân hàng thương mại mua. Muốn vậy lãi suất trung và dài hạn phải cao. Hệ thống ngân hàng có nỗ lực cũng chỉ giữ lại lãi suất ngắn hạn như hiện nay là rất thành công rồi.

TS Võ Trí Thành,
Phó Viện trưởng CIEM

Bàn về giải pháp vốn cho DN dưới góc nhìn vĩ mô, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng mục tiêu chính sách thời gian tới rất tham vọng, vừa tái cấu trúc nền kinh tế, vừa ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế và hội nhập sâu. Trong ngắn hạn,

DN không trông chờ nhiều từ các hỗ trợ chính sách vĩ mô bởi dư địa điều chỉnh chính sách vĩ mô không nhiều. Về tín dụng, dù Chính phủ tạo điều kiện cho DN, mức tăng tín dụng cũng sẽ dừng ở 15-17%. Hơn nữa, trong 5-6 tháng tới lãi suất không thể giảm được. Bởi lạm phát rất thấp nhưng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cùng lúc phải cân đối 2 vấn đề tỷ giá và lãi suất đồng USD.

Tính đến cuối tháng 8 số tiền hệ thống ngân hàng cam kết cho DN vay đạt 458.000 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng bình quân 8 tháng năm đạt 10,23%. Nhiều ngân hàng thương mại đã cho vay hết trần tín dụng cho phép của NHNN, nhưng nhiều DN, đặc biệt DNNVV khó tiếp cận vốn.

Theo đó các DNNVV (chiếm 96% tổng số DN) chỉ tiếp cận được 25% vốn vay từ các ngân hàng. Nguyên nhân do sức khỏe DN còn yếu, hàng tồn kho khá cao khoảng 10% hàng tháng, tiêu dùng thực có tăng nhưng chỉ nhích nhẹ so năm trước, khoảng 8% trong 8 tháng đầu năm. Chỉ số sản xuất kinh doanh chưa thực sự theo đà mở rộng, các DN đang thiếu các dự án có tính khả thi cao.

Mặt khác, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng đang diễn ra quyết liệt, nhiều ngân hàng tập trung tổ chức tái cơ cấu nên không tập trung cho vay. Việc áp dụng tiêu chuẩn mới về nợ xấu tác động làm tăng số liệu nợ xấu, các ngân hàng sẽ thận trọng hơn trong hoạt động cho vay, điều này cản trở dòng vốn đến với DN.

Tăng kết nối ngân hàng - DN

Về giải pháp vốn cho DN, nhiều ý kiến cho rằng, tổng giá trị tài chính của nền kinh tế đang gấp đôi quy mô GDP. Vấn đề của DN và ngân hàng là lòng tin để cùng nhau đồng hành. 2 bên đều là nhóm kinh doanh, đều cần tiền và lợi nhuận. Vấn đề cần tạo dựng lòng tin để 2 bên san sẻ lợi nhuận.

Để tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, cho biết NHNN đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN như điều hành chính sách tỷ giá linh hoạt, kiểm soát lạm phát, ổn định đồng Việt Nam, tạo điều kiện để DN tiếp cận vốn một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, NHNN cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ; tăng cường cho vay bảo đảm bằng tài sản, cho vay tín chấp cho vay ngoại tệ đối với một số nhu cầu vốn. NHNN đã phối hợp với 63 tỉnh, thành phố tổ chức hơn 400 hội nghị,  đối thoại, kết nối giữa cộng đồng DN và các ngân hàng nhằm tháo gỡ các khó khăn về vốn.

Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), sau hơn 1 năm thực hiện chương trình kết nối ngân hàng - DN, tổng số tiền các ngân hàng cam kết hỗ trợ cho DN đạt trên 320.000 tỷ đồng, trong đó đã cam  kết cho vay hơn 19.000 DN đạt trên 260.000 tỷ đồng; cơ cấu nợ và giảm lãi suất các khoản vay cũ cho hơn 6.000 DN với tổng dư nợ trên 60.000 tỷ đồng. Trong thời gian tới, NHNN chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối với quy mô lớn hơn, đáp ứng nhu cầu tín dụng cho DN.

Để tạo thêm cơ hội cho DN tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng, NHNN cũng đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường cho vay tín chấp để DN phát triển sản xuất kinh doanh. Theo đó, các tổ chức tín dụng sẽ xây dựng quy trình thu thập, khai thác thông tin về đánh giá tín nhiệm, hoạt động của khách hàng từ các tổ chức hoạt động chính thức, kết hợp với hệ thống xếp hạng tín dụng nội bộ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để nâng cao hiệu quả thẩm định và đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng.

Tuy nhiên, để thực hiện hoạt động cho vay tín chấp thành công, bản thân DN đặc biệt là DNNVV phải minh bạch hoạt động kinh doanh, kiểm soát tốt dòng tiền để tạo lòng tin từ các ngân hàng.

Các tin khác