Đổi mới cần hướng đến những vấn đề ngoài kinh tế

(ĐTTC) - Quan điểm trên được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nêu ra tại Diễn đàn khoa học Kinh tế Việt Nam 2016-2020 một số đột phá phát triển do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 4-9 tại Hà Nội.

(ĐTTC) - Quan điểm trên được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại nêu ra tại Diễn đàn khoa học Kinh tế Việt Nam 2016-2020 một số đột phá phát triển do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức ngày 4-9 tại Hà Nội.

 

Theo ông Trương Đình Tuyển, giờ đi tìm đột phá cho giai đoạn 2016-2020 là hơi muộn. Nhưng nếu Việt Nam không thực hiện cải cách bộ máy nhà nước thì quá trình đổi mới cứ loay hoay mãi mà không làm được gì cả.

Trên thực tế, thể chế kinh tế của Việt Nam không khác nhau nhiều các nước trong khu vực, vấn đề là thực hiện thế nào, và quản trị quốc gia ra sao. Nếu chúng ta không đặt vấn đề cải cách ngoài kinh tế, thay đổi cung cách làm việc của bộ máy nhà nước, với những con người cũ, làm việc theo cơ chế cũ sẽ không thay đổi được gì. Trong vấn đề ruộng đất chẳng hạn, nông dân được quyền bán đất nhưng vấn đề là chúng ta có tạo điều kiện cho nông dân, doanh nghiệp dồn điền, đổi thửa không.

Ông Trương Đình Tuyển dẫn giải, những năm qua khi thực hiện cải cách hành chính, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước luôn có những nhận xét là có nhiều tiến bộ nhưng người dân lại cảm thấy vẫn bị hành hạ. Việt Nam cần lấy tiêu chí của các nước ASEAN 6 để làm mục tiêu phấn đấu, chứ báo cáo đẹp nhưng thực tiễn yếu kém đang khiến người dân sợ nghe báo cáo.

Tại Indonesia để khắc phục hệ thống hải quan yếu kém họ đã đuổi hết hệ thống hải quan cũ để thay thế bằng một lực lượng mới chuyên nghiệp hơn. Hoặc khi xử lý nợ công thì quốc gia này đã thay đến 9 đời Chủ tịch Ủy ban xử lý nợ công quốc gia. Đó là những kinh nghiệm cho Việt Nam.

Từ một góc nhìn khác, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Tổng Thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam cho rằng, đột phá trong 5 năm (2016-2020) cần dựa trên nền tảng xây dựng nền kinh tế tri thức và đưa khoa học công nghệ vào sản xuất. Tuy nhiên, quan điểm công nghiệp hóa trong nền kinh tế tri thức hiện rất khác trước đây. Trước đây, nói đến công nghiệp hóa nhiều người nghĩ làm điện, xi măng, sắt thép là đủ nhưng gần đây các tiêu chí công nghiệp hóa gắn với hiện đại hóa, gần với xu hướng phát triển chung của thế giới.

Hướng đi của Việt Nam theo GS Nguyễn Quang Thái là phát triển khoa học công nghệ, đưa công nghệ vào sản xuất để theo kịp các quốc gia phát triển. Con đường công nghiệp hóa của Việt Nam cần độc đáo, riêng có và khác biệt. Việt Nam đang xác định 20 ngành công nghiệp ưu tiên phát triển, điều này rất khó vì cái gì cũng có lợi thế một chút mà không biết chọn ngành nào cả.

Nghiên cứu đánh giá về 30 năm đổi mới các vấn đề cơ cấu, tầm nhìn và triển vọng do TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trình bày tại diễn đàn cho thấy, xu hướng chuyển dịch cơ cấu ngành sau 30 năm đổi mới lần 1 là rất đáng lo ngại. Ngành công nghiệp xây dựng có tốc độ chuyển đổi nhanh nhất từ 25,1% lên 41,24% trong khi công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng từ 17,22% lên 18,88% trong cơ cấu ngành công nghiệp.

Các chỉ số phát triển công nghiệp cho thấy chúng ta chỉ thích khai thác và làm thợ xây chứ không thật sự muốn làm công nghiệp chế biến, chế tạo. Sau 30 năm đổi mới tỷ trọng công nghiệp xây dựng lớn hơn 2 lần tỷ trọng công nghiệp chế biến.

Số lượng DN nội địa có thực lực ít, chỉ 2% DN đang hoạt động lĩnh vực công nghệ cao, và đa số tham gia vào khâu có giá trị gia tăng thấp. Như một số DN nội địa khi tham gia chuỗi sản xuất của Samsung thường tham gia vào các khâu sản xuất bao bì, đóng gói. Trong khi đó, số DN nội địa có công nghệ sản xuất thấp chiếm tới 55%,còn lại là các DN có công nghệ sản xuất được đánh giá là trung bình và trung bình thấp, TS. Trần Đình Thiên đánh giá.

Đại hội XI của Đảng đặt mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng phải nói thẳng là nền công nghiệp Việt Nam đang chuyển dịch ở đẳng cấp thấp và rất chậm, vẫn nặng về khai thác tài nguyên. Số lượng DN phát triển phi công nghệ cao nhiều hơn số DN định hướng phát triển nhờ áp dụng công nghệ cao.

Các tin khác