Doanh nghiệp Đông Nam Á ngập trong nợ

Nguy cơ vỡ nợ ngày một gần khi khối nợ của 100 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Đông Nam Á đã tăng gấp 6 kể từ khủng hoảng tài chính 1998.

Nguy cơ vỡ nợ ngày một gần khi khối nợ của 100 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất Đông Nam Á đã tăng gấp 6 kể từ khủng hoảng tài chính 1998.

 

Theo số liệu của Bloomberg, đến hết tháng 6, các công ty này có 392 tỷ USD nợ, gấp 6 lần tháng 12/1998. Tỷ lệ nợ trên tài sản cũng lên sát 31,7%, gần bằng mốc năm 1998 và tăng so với mức 29,5% của năm 2010.

Tăng trưởng trong khu vực chậm, Trung Quốc phá giá nhân dân tệ và khả năng Mỹ nâng lãi suất đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo tại Đông Nam Á, đẩy ringgit Malaysia và rupiah Indonesia xuống đáy 17 năm. Trái phiếu Đông Nam Á tháng trước mất giá mạnh nhất 2 năm và cổ phiếu cũng giảm mạnh nhất từ 2011.

 
"Các công ty rõ ràng vẫn chưa có dấu hiệu ngừng vay, kể cả khi đường đi ngày càng gập ghềnh. Nội tệ mất giá càng khiến họ gặp rắc rối trong bối cảnh việc mở rộng kinh doanh nhờ vay nợ và làm yếu bảng cân đối kế toán của các công ty", Bertrand Jabouley - Giám đốc mảng đánh giá châu Á - Thái Bình Dương tại Standard & Poor’s nhận xét.

S&P cho biết giai đoạn 2010-2014, khối nợ bằng ngoại tệ của các công ty Malaysia, Philippines và Indonesia đã tăng với tốc độ nhanh gấp 2-3 lần nợ bằng nội tệ. Chất lượng tín dụng trong khu vực đang đi xuống, và đó là xu hướng đáng lo ngại, Kim Jinha - Giám đốc bộ phận Thu nhập cố định tại Mirae Asset Global Investments nhận xét.

"Sẽ không có sự đảo chiều đáng kể nào cho tới khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng trở lại. Tỷ lệ vỡ nợ sẽ tăng, có thể tăng chậm thôi. Các doanh nghiệp có mức nợ cao sẽ phải chịu trận khi USD mạnh lên", Kim cho biết.

Các nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đang phải vật lộn với nhu cầu suy giảm từ Trung Quốc, khi GDP tại đây tăng chậm nhất từ năm 1990. Kinh tế Indonesia đang tăng trưởng chậm nhất từ 2009. Trong khi GDP quý II của Singapore tăng yếu nhất từ năm 2012.

Theo Citigroup, một nửa thị trường mới nổi đang trong tình trạng tệ hơn năm 1995, dựa trên thâm hụt tài khóa và tài khoản vãng lai. Các Chính phủ đã giảm nợ nước ngoài, nhưng các công ty lại tăng đi vay, Citigroup cho biết trong báo cáo 27/8.

Chỉ số MSCI Đông Nam Á, theo dõi các cổ phiếu trong khu vực, đã giảm 11% trong tháng 8 - mạnh nhất từ tháng 9/2011. Ringgit mất giá 8,6%, trong khi rupiah mất 3,8% xuống thấp nhất từ năm 1998. Đồng baht cũng xuống đáy 6 năm so với USD.

Lãi suất trong các hợp đồng hoán đổi rủi ro vỡ nợ (CDS) với trái phiếu Chính phủ Indonesia đã tăng liên tục từ tháng 2, lên 2,59% cuối tháng 8. Đây là mức cao nhất 2 năm, theo hãng cung cấp số liệu - CMA. Lãi suất này tại Malaysia cũng lên đỉnh 4 năm tại 2,02%.

Dấu hiệu căng thẳng trên thị trường tín dụng Đông Nam Á càng làm thế giới thêm lo ngại. Năm nay, toàn cầu đã có 71 vụ vỡ nợ trái phiếu, cao hơn toàn bộ năm ngoái, theo S&P. Trong đó, số trường hợp thuộc các nước mới nổi là 14.

"Bài kiểm tra lớn về kỷ luật tài chính với các nước này sẽ rơi vào nửa cuối 2015 và thậm chí kéo sang 2016. Việc tái cấp vốn, đặc biệt trong bối cảnh lượng trái phiếu đáng kể sẽ đáo hạn năm 2017, sẽ là tảng băng lớn với những con tàu đang chạy quá nhanh", Jabouley cho biết.

Các tin khác