Những năm tháng không thể nào quên

Trong cuộc triển lãm và mít tinh mừng 2 năm Ngày Độc lập 2-9 (1945-1947) tại chợ Thiên Hộ Đồng Tháp Mười, khi xem những hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc chụp được trong chiến thắng đồn Vàm Nước Trong, chiến thắng trận Dòng Dứa và một số hình ảnh hành động tàn ác của giặc Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chánh ủy Khu 8, có ghi: “Nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của phim ảnh vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”.

Trong cuộc triển lãm và mít tinh mừng 2 năm Ngày Độc lập 2-9 (1945-1947) tại chợ Thiên Hộ Đồng Tháp Mười, khi xem những hình ảnh của nhà nhiếp ảnh Mai Lộc chụp được trong chiến thắng đồn Vàm Nước Trong, chiến thắng trận Dòng Dứa và một số hình ảnh hành động tàn ác của giặc Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Chánh ủy Khu 8, có ghi: “Nếu những hình ảnh này mà cử động được thì tác dụng của phim ảnh vô cùng to lớn, động viên đồng bào và chiến sĩ ta”.

1. Và sau đó, ngày 15-10-1947, Bộ Tư lệnh Khu 8 ra quyết định thành lập Tổ Nhiếp-điện ảnh Khu 8, trực thuộc Phòng Chính trị Bộ Tư lệnh khu. Chánh quyền cách mạng còn non trẻ, tiền bạc thiếu thốn, phải lo cho bộ đội ăn mặc và vũ khí còn chưa được đầy đủ thì lấy đâu ra tiền mà làm điện ảnh.

Máy móc làm điện ảnh, hóa chất, phim nhựa phải mua từ Pháp. Ở Đồng Tháp Mười làm gì có điện; và nước ở Đồng Tháp Mười quanh năm bị phèn, mặn làm sao tráng phim…

Đạo diễn Mai Lộc ở Bưng Biền.

Đạo diễn Mai Lộc ở Bưng Biền.

Khó khăn là vậy, nhưng nếu tập thể quyết tâm đồng thuận thì giải quyết được. Người làm điện ảnh không có nhưng có một số anh em đang ở Sài Gòn làm công nhân tráng phim tài tử cho một cửa hàng của Pháp có thể kêu gọi họ vào bưng biền. Tiền thì xin của Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ và xin những nhà buôn lớn ở Sài Gòn giúp đỡ.

Vậy là nền điện ảnh kháng chiến ở Nam bộ ra đời. Máy móc, nguyên vật liệu mua bằng con đường hợp pháp ở nội thành mang ra chiến khu. Công việc thật vất vả, chiếc máy 16 ly đầu tiên bị rơi xuống sông trong một đợt phục kích. Tổ in tráng vừa hoàn chỉnh việc thiết kế thủ công thì bị Pháp nhảy dù lấy đi hết phim nhựa, hóa chất, dụng cụ làm phim. Lại phải làm lại từ đầu...  

Khi nói về cuộc đời làm nghệ thuật của mình, bác Khương Mễ hay nhắc lại thuở sơ khai của ngành điện ảnh Việt Nam. Trước những năm 40, ở Sài Gòn và Hà Nội có nhiều nhân sĩ cũng muốn xây dựng một nền điện ảnh nước nhà, nhưng tất cả không thành, phải trả giá khá đắt. Thí dụ như ông Đàm Quang Thiện, thực hiện phim “Cánh đồng ma” phải chịu mất 85% tiền huê hồng. Ấy là chưa kể đến những cơ cực khác do sự lừa lọc quỷ quyệt nhằm trục lợi của chủ hãng phim Pháp hay Hồng Công.

Năm 1940-1942 vẫn có một số người Việt Nam chưa bỏ ý định làm phim Việt do người Việt Nam thủ vai, sản xuất. Nhưng họ thất bại thảm hại vì thiếu vốn, trang bị kỹ thuật không có, rạp chiếu không có, không cạnh tranh nổi với phim Pháp, Mỹ, mạng lưới chiếu bóng với những rạp lớn, sang trọng thì do các ông chủ thực dân nắm giữ. Nếu muốn chiếu phim Việt Nam thì phải để họ ăn 70% tiền huê hồng.

Vậy mà tháng 9-1948 đồng chí Mai Lộc hoàn thành bộ phim Trận Mộc Hóa. Đây là thành quả đầu tiên của Tổ Điện ảnh Khu 8, Nam bộ, sản xuất trong điều kiện kháng chiến thiếu thốn mọi bề ở chiến khu bưng biền.

Bác Khương Mễ kể về buổi chiếu đầu tiên của phim Trận Mộc Hóa: “Sự khó nhọc của chúng tôi được đền bù. Không bao giờ tôi quên được buổi chiếu phim đầu tiên, bộ phim đầu tiên Trận Mộc Hóa. Đêm 22-12-1948, nhân có Hội nghị của Mặt trận Cứu Quốc, chúng tôi tổ chức chiếu bộ phim Trận Mộc Hóa do anh Mai Lộc quay nói về chiến thắng của Tiểu đoàn 307 trên sông Vàm Cỏ Tây.

Khán giả xem phim ngày hôm đó là những đại biểu dự hội nghị, báo chí- những trí thức, những người dân Sài Gòn chính cống và những người dân Đồng Tháp Mười lần đầu tiên được xem phim. Đó cũng là lần đầu tiên, những khán giả đó được xem phim cách mạng, lại là phim nói về chiến thắng của ta, tận mắt thấy cảnh bộ đội hành quân đánh giặc, bộ đội xung phong, rồi Nhân dân mang quà ủy lạo bộ đội; thấy tên đồn trưởng Pháp đầu hàng bộ đội ta...

Những khán giả trí thức Sài Gòn thì im lặng suy nghĩ một cách tế nhị, còn khán giả là những người dân Đồng Tháp Mười thì la ó, hò hét một cách thích thú. Nơi chiếu phim lúc bấy giờ là một mái nhà lá, vách gỗ…”. 

2. Buổi chiếu phim đầu tiên ấy thực sự trở thành một dấu ấn không bao giờ quên trong cuộc đời người chiến sĩ điện ảnh Khương Mễ. Thực tế, ít ai hình dung nghề này lại có tác dụng trong việc tuyên truyền cuộc kháng chiến chống Pháp lớn như vậy, rằng hiệu quả của một bộ phim đối với khán giả lớn như vậy?

Ông bà ta vẫn nói rằng “trăm nghe không bằng một thấy”. Có thấy mới tin. Chiến sĩ và đồng bào ta tận mắt thấy được những việc làm và thắng lợi của cách mạng, rồi tin, ai chưa theo cách mạng sẽ theo… Sau đó nhiều bộ phim tiếp tục ra đời như: Chiến dịch Bến Tre, Chiến dịch Trà Vinh, Trường quân chính Khu 8, Chiến dịch La Ban - Cầu kè.

Tổ Điện ảnh Khu 9 thành lập và Khu 7 cũng ra đời với những máy quay 16 ly, phim trực hình, máy in tráng đào sâu dưới đất, chum vại, thùng gỗ được dựng làm chỗ chứa thuốc in tráng… Và các bộ phim: Nhà in kháng địch, Chiến dịch Sóc Trăng, Xưởng Quân giới Khu 9, Hoan nghênh phái đoàn chính phủ Trung ương, Chiến dịch Bến Cát, Trận Trảng Bàng, Chiến khu Đ, Trận Trảng Bom… lần lượt ra đời.

Đạo diễn Khương Mễ (bên trái) đang làm việc tại Bưng Biền.

Đạo diễn Khương Mễ (bên trái) đang làm việc tại Bưng Biền.

Người thanh niên Khương Mễ từ Sài Gòn ra đi kháng chiến, vác theo mình chiếc máy chụp ảnh (lúc này anh mới chỉ là phóng viên nhiếp ảnh), háo hức đi làm cách mạng, háo hức lập chiến công. Nhưng anh vẫn băn khoăn: Cái nghề của mình liệu có giúp ích gì cho kháng chiến? Với máy quay phim liệu mình có lập nên chiến công gì đáng kể không? Chính cái nhịp độ xây dựng cơ sở điện ảnh và làm phim thời sự chiến trường đã cuốn hút Khương Mễ, làm anh không còn lúc nào ngơi nghỉ. Và bằng tất cả sự say mê, yêu nghề, tận tụy, Khương Mễ đã cùng các đồng nghiệp tạo dựng nên cơ sở ban đầu cần thiết cho điện ảnh kháng chiến Nam bộ phát triển.

Khương Mễ tâm sự: “Lúc bấy giờ - nghĩa là từ sau khi công chiếu phim Trận Mộc Hóa - tôi như người nhấp hớp rượu nồng, nghe trong người thấm một chất men say, như được tiếp thêm sức, chắp thêm cánh; đã yêu nghề lại càng yêu hơn, đã hăng say tích cực lại càng say sưa hăng hái hơn. Quả là trên mặt trận kháng chiến bằng công cụ văn hóa, mình cũng như các đội xung kích đắc lực nhất. Tôi tự hào lắm…”.

Rồi từ dạo ấy, cứ vác chiếc máy Paia-Bôlếch trên vai, Khương Mễ đã cùng với các đồng nghiệp, đồng đội của mình xông pha khắp các chiến trường Nam bộ để ghi lại những hình ảnh sống động cuộc kháng chiến của Nhân dân lúc bấy giờ: Chiến thắng của ta, những gương mặt anh hùng, đời sống người chiến sĩ, đời sống Nhân dân và cán bộ vùng kháng chiến, tố cáo tội ác kẻ thù...

Những phim đó là những hình ảnh sống động về cuộc kháng chiến, là những tư liệu có giá trị rất lớn được coi như là những chiến lợi phẩm của người quay phim. Họ như những người lính xung trận, trực tiếp với cái chết, bám sát trận đánh, ngâm nước hàng ngày trên đồng bưng Tháp Mười, chỉ cốt ghi lại những hình ảnh thời sự chiến đấu. Những bậc quay phim lão thành như Khương Mễ, Mai Lộc… bao giờ nói về hồi ức của mình trong những năm tháng ở bưng biền, các ông cũng say sưa, hào sảng.

Bác Khương Mễ cho biết:“Ba khu của Nam bộ đều có điện ảnh, nhưng phải nói điện ảnh Khu 8 là mạnh nhất. Nhiều đồng chí, đồng nghiệp sau này đều trở thành những nhà điện ảnh lão thành, có tên tuổi, như: Mai Lộc, Nguyễn Hiền (Cao Thành Nhơn), Nguyễn Đảnh, Lý Cương, Nguyệt Hải (Trần Nhu), Trần Kiềm, Hồ Tây…

3. Sinh hoạt của nhóm điện ảnh kháng chiến rất vui. Mỗi lần có chiến dịch, anh em đi khắp nơi, hầu như không còn ai ở nhà. Sau khi chiến dịch kết thúc, anh em lại tụ về căn cứ, ngồi lại kiểm xem ai còn ai mất, phim quay được những gì. Chỉ có khi nào trở về đủ mặt thì niềm vui mới trọn vẹn, mỗi người kể cho nhau nghe chuyện công việc và kết quả của mình, rất rôm rả sôi nổi, cả căn cứ dội lên những tiếng cười…

Còn như có một đồng nghiệp nào không trở về, không khí trở nên trầm lắng đau xót. Tổ điện ảnh Khu 8 có quay phim trẻ, người từ Sài Gòn ra vẫn thường được giao nhiệm vụ ra vào nội thành để mua sắm nguyên vật liệu in tráng phim. Năm 1953, khi Hiệp định Geneve sắp được ký, chỉ mấy tháng nữa là hòa bình, một người quay phim được điều đi chiến dịch thay cho người quay phim chính bị ốm. Anh đang trong tư thế quay thì một viên đạn xuyên qua ống kính hất anh ngã ra. Khi anh em chạy đến thì anh đã tắt thở, máu loang cả ống kính. Anh tên là Dương Trung Nghĩa.

 Điện ảnh Việt Nam ở Bưng Biền.
 Điện ảnh Việt Nam ở Bưng Biền.

 Điện ảnh Việt Nam ở Bưng Biền.

Người quay phim chiến trường với người chiến sĩ gắn bó với nhau như anh em ruột thịt. Thương yêu nhau, đùm bọc nhau, cùng chia ngọt sẻ bùi những ngày nằm nóp, ngủ hầm, những ngày phải ăn rau rừng, măng chụp thay cơm.

Người ta bảo ở chiến trường cái tình nghĩa hạt muối cắn làm đôi quả không sai chút nào. Những chiến sĩ ấy cũng là những khán giả nhiệt tình nhất. Mỗi thước phim tư liệu quay được phải đánh đổi bằng xương máu của anh em quay phim.

Đêm chiếu phim là ngày hội của những đơn vị quân đội và Nhân dân ở vùng đó. Đồng bào kháng chiến ở vùng Tháp Mười rất hiếm khi được xem phim, có người cả đời chưa biết phim ảnh là gì. Điện ảnh đối với họ thật là một món quà thú vị và thiêng liêng. Mỗi lần có phim, đồng bào lội bộ hoặc bơi xuồng từ xa đến, thậm chí tuốt trong đồng hàng chục cây số, họ cũng lặn lội đi xem phim, về đến nhà thì trời cũng vừa sáng…

Và khán giả ngày đó cũng không khác khán giả bây giờ: Những chiến sĩ, đồng bào nhìn thấy mặt mình trên màn ảnh là họ hét lên thích thú, chỉ trỏ cho nhau xem. Cho nên bằng mọi giá, phim làm xong rồi là phải được chiếu rộng rãi, thật nhanh, thật kịp thời. Đến năm 1953, điện ảnh Nam bộ đã có hàng chục đội chiếu bóng. Dĩ nhiên đâu đã được máy chiếu hoàn chỉnh như bây giờ, có khi chiếu phim câm, các nhạc công phải đàn theo bên ngoài.

Đã xa những ngày làm phim chiến trường. Cái vất vả của nghề bây giờ cũng khác hơn ngày xưa, nhưng đâu phải bây giờ không có những lo toan vướng bận mới - ông Khương Mễ thoáng buồn khi nói về điều này: “Ngày xưa làm phim vui quá là vui, nói gì thì nói tôi vẫn yêu cái cơ hàn ấy. Anh em làm việc vô điều kiện, yêu thương đùm bọc nhau hết mực. Còn bây giờ? Những năm gần đây điện ảnh phát triển rất tốt, được hợp tác rộng rãi với các nước để học hỏi, trang bị kỹ thuật tốt hơn. Lực lượng làm điện ảnh đa dạng hơn. Nhưng sao vẫn thấy thiếu cái gì đó! Cái lửa nhiệt tình như ngày xưa chăng? Hay cái tình của người làm phim với cuộc sống, với khán giả? Hay bây giờ có nhiều nỗi lo mới, lo vật chất, sự cạnh tranh trong nghề nghiệp. Có phải điện ảnh bây giờ tỉnh táo quá chăng? Sẽ có người nói tôi hay nghĩ về quá khứ. Nhưng thật không bao giờ tôi quên, sẽ không bao giờ quên những ngày làm phim ở chiến khu, ở Bưng biền  Đồng Tháp”.

Đạo diễn Mai Lộc có lần bộc bạch: Để được như ngày nay, nền điện ảnh cách mạng của chúng ta đã trải qua một quá trình dài gian khổ. Đó là sự vươn lên không ngừng, vươn lên trong nỗi khốn khó và sự thiếu thốn. Điện ảnh là một ngành công nghiệp lớn, mà nước ta còn nghèo, Nhân dân và Nhà nước ta còn nhiều nỗi lo toan.

Vì vậy thương yêu, trân trọng và chăm chút những tài năng phải là việc của mọi người, của toàn xã hội. Góp phần xây dựng được những tài năng ấy chính là góp phần đẩy mạnh nền điện ảnh nước nhà tiến nhanh hơn, tiến kịp với nền điện ảnh của thế giới.

Các tin khác